Năm 2022: Không thay đổi mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%

Xung đột Nga-Ukraine nổ ra, các định chế tài chính thế giới đều hạ tốc độ tăng trưởng kinh tế… Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam không thay đổi mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% GDP.
Việt Nam không thay đổi mục tiêu tăng trưởng GDP. (Ảnh: Int)
Việt Nam không thay đổi mục tiêu tăng trưởng GDP. (Ảnh: Int)

Xung đột giữa Nga và Ukraine đã tác động mạnh đến cục diện chính trị thế giới và thay đổi một cách cơ bản trật tự an ninh châu Âu trong 3 thập kỷ qua. Mỹ, châu Âu và một số nước khác đã ban hành một loạt biện pháp cấm vận cùng lúc trong nhiều lĩnh vực và chặt chẽ nhất từ trước tới nay để trừng phạt Nga. Các sự kiện này đã gây xáo trộn lớn trên thị trường tài chính, dầu khí, kim loại, ngũ cốc,… thế giới; làm tăng lạm phát và giảm tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu.

Đối với Việt Nam, do quan hệ thương mại trực tiếp với Nga chỉ ở mức hạn chế nên tăng trưởng của Việt Nam phần lớn bị ảnh hưởng do nhu cầu bên ngoài giảm sút, chủ yếu từ những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như các nước châu Âu, Mỹ, Trung Quốc… Liên kết thương mại gián tiếp do nhu cầu từ các nước châu Âu giảm sút sẽ có tác động đáng kể đến thương mại của Việt Nam, vì châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam (12,4% năm 2020). Trung Quốc là nhà cung cấp nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian lớn nhất (khoảng 32% tổng kim ngạch) cho Việt Nam, đây là những nguyên liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất công nghiệp công nghệ thấp (như ngành dệt may).

Nguy cơ Trung Quốc và các nhà cung cấp châu Á khác bị ảnh hưởng bởi hậu quả của cuộc xung đột có thể làm trầm trọng thêm sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch, làm tăng chi phí vận chuyển và làm suy giảm thương mại. Các ngành sản xuất không phụ thuộc trực tiếp vào năng lượng đầu vào vẫn có thể bị ảnh hưởng thông qua mối liên kết của chúng với các ngành sử dụng nhiều năng lượng như ngành điện và giao thông vận tải, các mặt hàng xuất khẩu chính như dệt may và điện tử bị ảnh hưởng bởi chi phí vận chuyển cao hơn…

Mặc dù kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhất định từ các tác động trực tiếp và gián tiếp, tuy nhiên, chúng ta vẫn nên giữ mục tiêu tăng trưởng năm 2022 tăng từ 6-6,5% bởi những lý do sau:

Tăng trưởng kinh tế quý 1 khá khả quan, nhiều dư địa cho tăng trưởng ở các quý còn lại: vượt qua giai đoạn căng thẳng nhất của đại dịch covid 19, các ngành đã từng bước phục hồi và phát triển như ngành nông nghiệp phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản tăng cao, đảm bảo an ninh lương thực trong nước, hướng tới xuất khẩu;

Sản xuất công nghiệp từng bước phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao, đặc biệt ngành công nghiệp chế biến chế tạo; các ngành thương mại và dịch vụ bước qua giai đoạn khó khăn sau những ngày giãn cách xã hội, phục hồi và nhiều dư địa tăng trưởng tốt ở các quý sau; kim ngạch xuất khẩu tăng trên 10%; vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách nhà nước tăng; số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng cao…

Các ngành có dư địa tăng trưởng tốt trong các quý còn lại của năm 2022 như: Nông nghiệp, xây dựng, thương mại, vận tải, dịch vụ lưu trú ăn uống, vui chơi giải trí, du lịch, tài chính ngân hàng, viễn thông, sản xuất kim loại, chế biến thực phẩm, sản xuất phân phối điện, dệt may và da giầy, sản xuất sản phẩm điện tử v.v…

Quốc hội và Chính phủ đã kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội như: Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, Nghị quyết số 43/NQ-QH với các chính sáchgiảm thuế VAT, giảm lãi suất góp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng đầu tư, kích cầu tiêu dùng.

Lạm phát trong nước được kiểm soát tốt, ảnh hưởng của lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam ở mức độ vừa phải.

Sản xuất phục hồi, thu nhập của người lao động có xu hướng tăng góp phần thúc đẩy tiêu dùng cuối cùng của người dân, tăng tổng cầu của nền kinh tế.

Do ảnh hưởng của đại dịch covid 19, tăng trưởng GDP năm 2021 thấp nhất trong nhiều năm (2,58%), sang năm 2022 sẽ có cơ hội bứt phá, nhất là các quý cuối năm.

Có thể bạn quan tâm