Mới đây, đoàn công tác của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã có buổi làm việc với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội về việc đôn đốc, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, công điện, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Chính phủ. Đặc biệt, thực hiện kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024 của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Báo cáo trong buổi làm việc, đại diện Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội cho biết, trong năm 2023, các lực lượng chức năng thành phố đã thanh tra, kiểm tra 28.888 vụ (tăng 1,01% so với cùng kỳ), xử lý hành chính 26.535 vụ vi phạm. Trong đó, phát hiện, bắt giữ 3.229 vụ vi phạm về buôn lậu, 1.579 vụ vi phạm về hàng giả, 21.727 vụ vi phạm về gian lận thương mại.
Bên cạnh đó, khởi tố 163 vụ đối với 192 đối tượng. Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước là hơn 4.307 tỷ đồng (tăng 15,78% so với cùng kỳ). Trong đó, phạt hành chính hơn 1.520 tỷ và truy thu thuế hơn 2.782 tỷ đồng.
Chia sẻ với đoàn công tác, Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường thành phố Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, hiện nay, một trong những khó khăn và thách thức trong công tác kiểm tra, kiểm soát là trên môi trường mạng, thương mại điện tử.
Theo đó, các đối tượng ngày càng am hiểu và có trình độ về công nghệ thông tin, sử dụng cùng một lúc nhiều tài khoản trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử để ngay lập tức có thể xóa thông tin, gây khó khăn trong việc truy vết và xử lý của cơ quan chức năng.
Hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ không tập kết, bày bán công khai như trước đây mà sau khi hàng hóa qua biên giới, các đối tượng tập kết tại kho hàng ở khu vực ngoại thành, xa trung tâm, ít người qua lại hoặc để tại nhà riêng, các khu chung cư cao cấp sau đó.
Các đối tượng lợi dụng việc kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa hoặc hoạt động giao hàng được thực hiện chủ yếu qua đơn vị vận chuyển trung gian nên gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình xác định vị trí kho hàng để tiến hành kiểm tra, xử lý.
Do đó, đại diện các lực lượng chức năng kiến nghị Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tham mưu, chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp liên ngành đấu tranh chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại tại các cửa khẩu biên giới, các ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không quốc tế... nhằm ngăn chặn tội phạm ngay từ các cửa khẩu biên giới, hạn chế mức tối đa hàng hóa nhập lậu được thẩm lậu qua các cửa khẩu biên giới vận chuyển về Hà Nội, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách về xử lý kho bảo quản tang vật vi phạm, kinh phí giám định, kinh phí mua tin phục vụ cho công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.
Dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia lưu ý các lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhóm mặt hàng trọng điểm dịp trước Tết như hàng điện tử, thời trang, dược mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, rượu, bia, bánh kẹo, thực phẩm, thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới, gia súc, gia cầm, ma túy, pháo nổ và một số lĩnh vực mặt hàng đặc thù khác.
Đồng thời, tập trung kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội mua, bán trực tuyến để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh để mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Các lực lượng chức năng của thành phố như công an, hải quan, quản lý thị trường tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại tại các khu vực biên giới, cảng biển, cảng hàng không, kho hàng, điểm tập kết hàng hóa...
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo 389 thành phố cần tăng cường phối hợp với các cơ quan báo, đài thực hiện tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp cùng chung tay với các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.