Theo đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến 2030 của Bộ Công Thương gửi Chính phủ, cơ quan này đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm phục vụ các ngành công nghiệp xuất khẩu lớn là điện tử, ô tô, dệt may, da giày, cơ khí, công nghệ cao...
Đề án cũng đưa ra nhiệm vụ phải tăng cường kết nối giữa các nhà cung cấp trong nước với các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam nhằm tăng cường khả năng tham gia mạng lưới sản xuất trong nước và toàn cầu.
Đặc biệt, Đề án phấn đấu đến năm 2030, có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia.
Dẫn thông tin từ Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, hiện các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô tại Việt Nam còn khá ít, mới chỉ khoảng 300 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Trong khi đó, một chiếc xe ô tô có khoảng 30.000 chi tiết, linh kiện thì các doanh nghiệp này mới sản xuất, gia công chưa được 300 chi tiết.
Song song đó, nhiều ý kiến cho rằng phần lớn doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam để tận dụng lợi thế về ưu đãi đầu tư, chi phí lao động thấp, tiếp cận mặt bằng sản xuất và cơ hội tiếp cận thị trường nhờ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nên các doanh nghiệp này không chú trọng đến việc xây dựng, hình thành chuỗi cung ứng, kết nối với doanh nghiệp trong nước.
Vì thế, để phấn đấu được như đề án đề ra, các doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực rất lớn, bởi dư địa để can thiệp bằng chính sách vào phát triển công nghiệp không còn nhiều, vì phải tuân thủ các cam kết quốc tế, nhất là các cam kết tại nhiều FTA đã ký kết.
Các doanh nghiệp cần chủ động, nỗ lực tiếp cận với các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, tối ưu hóa sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, mang lại giá trị gia tăng cao.