Nam A Bank, BanVietBank… bị Kiểm toán Nhà nước réo tên vì tăng lãi suất đột ngột cuối năm 2022

Nam A Bank là một trong số nhiều ngân hàng thay vì tiết giảm chi phí, hạ biên độ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp thì trong năm 2022 lại tăng biên độ lãi suất...

Nam A Bank, BanVietBank… bị Kiểm toán Nhà nước réo tên vì tăng lãi suất đột ngột cuối năm 2022

Kết luận của Kiểm toán Nhà Nước trong báo cáo số 1247/BC-KTNN tổng hợp kết quả kiểm toán tổ chức thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội vừa gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội cho biết, nhiều ngân hàng tăng đột ngột lãi suất cuối năm 2022, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Trong nội dung báo cáo về chính sách tiền tệ năm 2022 gắn với nhiệm vụ, chức năng của Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước cho hay, tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhiều thời điểm còn căng thẳng.

Một số tổ chức tín dụng thiếu hụt vốn khả dụng dẫn đến vi phạm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hoặc phải cho vay hỗ trợ thanh khoản, cho vay đặc biệt với khối lượng tiền lớn.

Về lãi suất cho vay, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai các biện pháp để tác động giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên các biện pháp đều không hiệu quả, chưa đạt được mục tiêu phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 mà còn có xu hướng tăng, biên độ giữa lãi suất cho vay bình quân và lãi suất huy động bình quân còn lớn, trên 4%.

Bên cạnh đó, còn có một số nội dung cần lưu ý: Cuối tháng 9/2022, trong vòng 1 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã có 2 lần điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành (vào ngày 23/9/2022 và ngày 25/10/2022) với tổng mức tăng 2% dẫn đến lãi suất huy động và lãi suất cho vay bình quân toàn hệ thống đều đột ngột tăng cao trong những tháng cuối năm (có lãi suất huy động trên 11%, lãi suất cho vay trên 13%).

Cụ thể, lãi suất huy động và lãi suất cho vay bình quân toàn hệ thống đều tăng cao, lần lượt lên mức 6,35%/năm và 10,56%/năm vào tháng 12/2022, nhiều tổ chức tín dụng có mức lãi suất cho vay bình quân cao và tăng mạnh vào quý 4: CBbank (9,56%-11,05%/năm), Oceanbank (9,7% - 11,12%/năm), GPbank (10,99% - 12,89%/năm), Kienlongbank (10,57%-13,86%/năm), SCB (11,49%-11,54%/năm), BanVietbank (10,1%-10,98%/năm), VIB (9,84%- 12,45%/năm), Saigonbank (9,76% - 11,16%/năm), NamAbank (10,43% - 12,21%/năm), DongAbank (10,43% - 10,95%/năm), BacAbank (9,91%-11,85%/năm), NCB (11,16%-12,96%/năm), DongAbank (10,64% - 12,7%/năm),….

Thay vì tiết giảm chi phí, hạ biên độ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp thì trong năm 2022 nhiều nhà băng lại tăng biên độ lãi suất so với đầu năm, giúp lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng tăng mạnh.

Theo Kiểm toán Nhà nước, việc đột ngột điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành sau một thời gian dài không thay đổi của Ngân hàng Nhà nước. Trong khi các Ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng dần lãi suất từ đầu năm 2022 là khó dự đoán, gây bất ngờ cho nền kinh tế, khiến cho môi trường kinh tế rủi ro hơn, người dân, doanh nghiệp không thể lập được kế hoạch kinh doanh dài hạn một cách ổn định.

Nhiều ngân hàng thay vì tiết giảm chi phí, hạ biên độ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp thì trong năm 2022 lại tăng biên độ lãi suất so với đầu năm.

Lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng tăng, trong đó, nguồn thu từ hoạt động tín dụng chiếm tỷ trọng chủ yếu và tiếp tục tăng, chi phí hoạt động cũng tiếp tục tăng, tỷ lệ chi phí hoạt động so với dư nợ cho vay năm 2022 tăng so với năm 2021.

Cụ thể, tỷ lệ chi phí hoạt động so với dư nợ cho vay năm 2022 của một số tổ chức tín dụng tăng so với năm 2021, cụ thể như: BIDV tăng 0,05%, Agribank tăng 0,07%, VCB tăng 0,02%, ACB tăng 0,53%, Sacombank tăng 0,07%, Eximbank tăng 0,46%, VIB tăng 0,03%, BacAbank tăng 0,28%, BanVietbank tăng 0,17%...

Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đến cuối tháng 6/2022 (thời điểm kết thúc chính sách hỗ trợ cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19), các tổ chức tín dụng đã thực hiện: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, lũy kế hơn 722,334 tỷ đồng cho gần 1,1 triệu khách hàng. Miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, lũy kế hơn 92.425 tỷ đồng cho gần 562 nghìn khách hàng.

Đến cuối tháng 1/2023: Dư nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ toàn hệ thống các tổ chức tín dụng còn khoảng 87.826 tỷ đồng; Dư nợ miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ còn khoảng gần 10.174 tỷ đồng.

Tại BIDV , năm 2022 đã thực hiện cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với 316 khách hàng, tổng số tiền là 11.224 tỷ đồng (cơ cấu gốc 9.952 tỷ đồng, cơ cấu lãi 1.272 tỷ đồng). Đến thời điểm 31/12/2022, tổng dư nợ được cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ theo Covid-19 là 5.668 tỷ đồng (dư nợ gốc 4.901 tỷ đồng, dư nợ lãi 767 tỷ đồng). BIDV đã thực hiện miễn, giảm lãi, phí do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đối với 1 khách hàng, số lãi, phí được miễn giảm là 25 triệu đồng.

Kiểm toán Nhà nước cho hay, qua kiểm toán cho thấy có một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân sau: Cơ cấu tín dụng năm 2022 chưa đúng định hướng vào lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, cho thấy vai trò định hướng thị trường của Ngân hàng Nhà nước chưa thực sự hiệu quả.

Cụ thể: Cơ cấu tín dụng đối với lĩnh vực ưu tiên so với năm 2021, ngoài dư nợ tín dụng xuất khẩu giảm cả về giá trị dư nợ (giảm 5,5%), và tỷ trọng so với nền kinh tế (giảm 17,41%) do ảnh hưởng của dịch Covid.

Các lĩnh vực ưu tiên còn lại mặc dù dư nợ có tăng trưởng so với năm 2021 nhưng tỷ lệ tăng trưởng đều thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng chung toàn ngành (14,18%), và tỷ trọng dư nợ của các ngành này so với dư nợ toàn nền kinh tế năm 2022 đều giảm so với năm 2021.

Đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro: Dư nợ cấp tín dụng vào lĩnh vực bất động sản cuối năm 2022 đạt 2.581 nghìn tỷ đồng, tăng 23,9% so với cuối năm 2021 (cao gấp 1,7 lần so với tăng trưởng chung toàn ngành).

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, ngoài các nguyên nhân khách quan còn có một phần từ nguyên nhân chủ quan của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại như: Phản ứng của Ngân hàng Nhà nước còn chậm dẫn đến điều chỉnh tăng lãi suất còn đột ngột; chức năng thanh tra giám sát của cơ quan thanh tra giám sát còn có điểm yếu kém, chưa phân tích, làm rõ một số vấn đề trọng yếu, tiềm ẩn rủi ro của đối tượng giám sát vi mô; các ngân hàng thương mại vì mục tiêu kinh doanh là lợi nhuận, chưa thực sự tiết giảm chi phí cũng như chủ động hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế.

VietABank và Indovinabank có tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn vượt ngưỡng 30%

Vào thời điểm cuối năm 2022 ngân hàng VietAbank (33%) và Indovinabank (31,1%) có tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn khá cao, sát ngưỡng cho phép, tiềm ẩn rủi ro việc mất cân bằng kỳ hạn và rủi ro thanh khoản.

Có 5 ngân hàng thương mại yếu kém gồm Ocean bank, GPBank, CBbank, DongABank, SCB vượt ngưỡng 34%, chưa đáp ứng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn.

Khẩn trương chuyển giao bắt buộc với DongABank

Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết đến thời điểm tháng 8/2023, việc xử lý ba ngân hàng mua bắt buộc (OceanBank, GPBank, CBBank ) mới ở bước được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đang ở giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp. Trong đó, DongABank mới được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...