Trả lời công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 11/2022, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN đã có những báo cáo liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian qua.
Theo ông Lâm, hiện trong 78.000 MW điện năng lượng tái tạo này, đã có hơn 20.000 MW điện gió và điện mặt trời được đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Năm 2022, năng lượng tái tạo chiếm khoảng 11-12% so với tổng điện đang được phát lên vào hệ thống điện.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam dự báo, điện thương phẩm năm 2022 sẽ khoảng 242 tỷ KWh, tăng trưởng khoảng 7,7% so với năm 2021.
Liên quan đến khung giá riêng đối với năng lượng tái tạo chuyển tiếp, đại diện Bộ Công thương cho rằng, ưu đãi giá FIT đến thời hạn 31/10/2021 là ưu đãi để khuyến khích, động viên để phát triển năng lượng tái tạo. Sau thời gian đó, nếu không đáp ứng thì về nguyên lý, sẽ áp dụng theo cách tính toán thông thường. Vì vậy, Bộ Công thương đã báo cáo với Chính phủ trên cơ sở cân nhắc lợi ích có thể tổn thất của doanh nghiệp, lợi ích của Nhà nước và đặc biệt lợi ích của người dân, quy đổi ở giá thành liên quan đến vấn đề giá điện.
Hiện Bộ Công thương đang tiến hành thẩm định khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp do EVN xây dựng, dựa trên báo cáo của 208 nhà máy gửi hồ sơ phản hồi trong số 240 đơn vị được đề nghị cung cấp thông tin.
Mới đây, hãng Bloomberg đưa tin, Việt Nam và các nhà tài trợ do Liên minh châu Âu dẫn đầu sắp ký kết gói tài chính khí hậu trị giá 15 tỉ USD để giúp Việt Nam chuyển đổi sang năng lượng sạch, giảm phụ thuộc vào than.
Bloomberg cho biết, hiện còn một số nội dung thảo luận nhằm làm rõ các khoản vay và viện trợ không hoàn lại. Câu hỏi là có bao nhiêu khoản tài trợ không hoàn lại và Việt Nam sẵn sàng gánh bao nhiêu nợ, ngay cả với lãi suất ưu đãi cao.