Theo đó, mỗi cổ đông nắm giữ 10 cổ phiếu cũ sẽ được nhận 1 cổ phiếu phát hành thêm. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 4/2016. Nguồn phát hành cổ phiếu trả cổ tức được lấy từ nguồn lợi nhuận giữ lại sau khi phân phối lợi nhuận cuả năm 2015.
Người sở hữu quyền nhận cổ phiếu sẽ không được phép chuyển nhượng quyền này, cổ phiếu phát hành thêm sẽ được tự do chuyển nhượng. Với đợt chia cổ tức bằng 89,6 triệu cổ phiếu này, ACB sẽ có thể tăng vốn nhanh chóng từ 9.376 tỷ đồng hiện tại, lên mức 10.273 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước mới cũng đã có quyết định chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông năm 2016 của ACB thông qua.
Với mệnh giá phát hành 10.000 đồng/CP, các cổ đông hiện hữu của ACB đang có lợi hơn là nhận cổ tức bằng tiền mặt. Vì trong vòng 1 tháng qua, giá cổ phiếu ACB trên sàn chứng khoán giao dịch ở mức 19.100 -19.400 đồng/CP, tức cao hơn mệnh giá 9.400 đồng/CP. Nếu phát hành thành công 89,6 triệu cổ phần, tài sản của các cổ đông ACB sẽ tăng thêm gần 842 tỷ đồng tính theo thị giá trên sàn.
Đến thời điểm này, ACB chưa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2016. Trước đó, trong 6 tháng đầu năm, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 828.4 tỷ đồng, tăng 13% và bằng 55% kế hoạch cả năm; lợi nhuận sau thuế 663 tỷ đồng, tăng 16% so với 6 tháng đầu năm 2015.
Tính đến thời điểm 30/6/2016, tổng tài sản có của ACB đạt 221,826 tỷ đồng, tăng nhẹ. Huy động vốn đạt 196.167 tỷ đồng, tăng 10,2%; cho vay khách hàng đạt 156.279 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn hơn 1,338 tỷ đồng, tăng 26% so với thời điểm đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,32% xuống 1,25%.
Thu Hằng