Ngân hàng nộp thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ thư tín L/C: Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông

Sau văn bản số 324/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, ngành ngân hàng đang loay hoay để xứ lý câu chuyện nộp thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ thư tín L/C...

đếm tiền.jpeg

"Xem xét, xử lý việc vi phạm hành chính về thuế và tiền chậm nộp tiền thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động L/C" là nội dung nổi bật trong văn bản số 324/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động L/C.

NGÂN HÀNG KHÔNG TRỐN TRÁNH NGHĨA VỤ THUẾ

Trước khi có văn bản trên, vấn đề về thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ thư tín dụng L/C gây ra khá nhiều tranh luận, mà chủ yếu xoay quanh việc xung đột trong cách giải thích luật.

Khởi điểm câu chuyện bắt đầu từ năm 2019, khi Kiểm toán Nhà nước thông qua hoạt động kiểm toán tại các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, đã kiến nghị truy thu thuế VAT đối với hoạt động L/C với lập luận rằng Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định L/C thuộc lĩnh vực “cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản” (khoản 15 điều 4), không phải là “cấp tín dụng”.

Cách giải thích luật của Kiểm toán Nhà nước khiến dịch vụ L/C bỗng nhiên không còn là đối tượng không chịu thuế VAT. Bởi trước đó, căn cứ quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng và các văn bản hướng dẫn Luật Thuế giá trị gia tăng (Thông tư 219/2013/TT-BTC, Công văn 11754/BTC-CST năm 2010 và các công văn trả lời các ngân hàng của Bộ Tài Chính trong quá trình triển khai) thì dịch vụ cấp tín dụng thuộc đối tượng không chịu thuế.

Gần như lập tức, Hiệp hội Ngân hàng cùng các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có nhiều ý kiến (bằng văn bản và tại các cuộc họp) báo cáo Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính và các Bộ ngành liên quan. Trong đó, nêu rõ căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng, dịch vụ L/C có tính chất lưỡng tính (vừa là dịch vụ thanh toán và vừa là dịch vụ cấp tín dụng).

thuế lc.jpeg
Xung đột trong cách giải thích luật đối với nghiệp vụ L/C

Hiểu đơn giản, hoạt động dịch vụ thanh toán là đối tượng bị đánh thuế giá trị gia tăng. Do luật đã quy định L/C thuộc “cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản" nên đơn vị Kiểm toán Nhà nước muốn đánh đồng L/C là hoạt động dịch vụ thanh toán và phải chịu thuế.

Trái lại, đại diện ngành ngân hàng hiểu rằng, L/C là lưỡng tính, tức một phần trong L/C không liên quan đến dịch vụ thanh toán. Do vậy, đại diện ngành ngân hàng kiến nghị chỉ áp dụng tính thuế giá trị gia tăng đối với khoản phí L/C có tính chất là dịch vụ thanh toán.

Cuối cùng như đã nêu, kết lại tranh luận, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận số 324/TB -VPCP của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về thuế giá trị gia tăng đối với L/C. Theo đó, thực hiện thu thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động L/C theo đúng quy định pháp luật; xem xét, xử lý việc vi phạm hành chính về thuế và tiền chậm nộp tiền thuế giá trị gia tăng đối với L/C...

Trong văn bản mới nhất gửi Bộ Tài chính, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, dựa vào các Công văn 11754/BTC-CST của Bộ Tài chính năm 2010 hay Công văn 4520/TCT-DNL của Tổng cục thuế năm 2017, từ năm 2011 đến nay, các tổ chức tín dụng chỉ nộp thuế giá trị gia tăng đối với phí thu có tính chất thanh toán và phí khác, không nộp thuế giá trị gia tăng đối với phí thu có tính chất cấp tín dụng.

"Đây hoàn toàn không phải là lỗi của các tổ chức tín dụng, các tổ chức tín dụng không cố tình vi phạm, không cố tình trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế theo quy định pháp luật", ông Hùng nhấn mạnh.

KHÓ KHĂN NẾU THỰC HIỆN

Cũng tại văn bản kiến nghị của Hiệp hội ngân hàng cho thấy, ngành ngân hàng đang rất loay hoay. Bởi không thực hiện thì không được, nhưng nếu thực hiện đúng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Văn bản số 324/TB-VPCP thì khó khăn tứ bề.

Đầu tiên là về hạch toán tiền nộp thuế. Theo Hiệp hội Ngân hàng, bản chất thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu, trường hợp phải nộp bổ sung thuế phát sinh từ năm 2011, tổ chức tín dụng phải liên hệ và thu lại từ khách hàng, khách hàng sẽ không đồng ý vì lý do biểu phí ngân hàng đã niêm yết các mục phí L/C liên quan cấp tín dụng không chịu thuế giá trị gia tăng. Nhiều khách hàng đã hoàn tất việc lập báo cáo tài chính, kiểm toán hàng năm.

Các ngân hàng có trên 50% vốn Nhà nước không được hạch toán các chi phí không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Thông tư 16/2018/TT-BTC

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng

Ngoài ra, từ năm 2011 đến nay có nhiều khách hàng không còn quan hệ giao dịch với tổ chức tín dụng hoặc đã giải thể/phá sản/không còn tồn tại nên tổ chức tín dụng không thể thu thuế bổ sung từ khách hàng được, do đó phải ghi nhận và theo dõi phải thu trên sổ kế toán và báo cáo tài chính.

Báo cáo đặt vấn đề, trong trường hợp không thu được thuế bổ sung từ khách hàng thì chi phí nộp thuế giá trị gia tăng có được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp của từng năm không, hay đưa vào lợi nhuận giữ lại. Việc này ảnh hưởng đến trình bày lại báo cáo tài chính đã được kiểm toán trong năm tài khóa trước đây của tổ chức tín dụng cũng như tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh, các chỉ số an toàn, giá cổ phiếu, cổ tức đã chia cho cổ đông… của các năm, tờ khai thuế và việc phân phối lợi nhuận đã chốt.

Ngoài ra là về điều chỉnh hóa đơn và khai bổ sung hồ sơ khai thuế. Báo cáo cho biết, khi thực hiện truy thu thuế giá trị gia tăng (nếu có) để nộp vào Ngân sách nhà nước, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc phát hành hóa đơn điều chỉnh thuế giá trị gia tăng, điều chỉnh lại về số liệu đã kê khai, nộp thuế, khấu trừ thuế…

Về phía các tổ chức tín dụng, đặc thù hệ thống nhiều chi nhánh, phòng giao dịch trải dài khắp địa bàn cả nước, trong khoảng thời gian từ 2011 đến nay đã có nhiều sự thay đổi, chia tách, sáp nhập đơn vị, số lượng giao dịch lớn, phát sinh trong thời gian dài, liên quan đến nhiều loại tiền tệ. Vì vậy sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức cũng như nguồn lực cho việc rà soát, sao kê, bóc tách, tính toán và tổng hợp số liệu với nguồn dữ liệu rất lớn từ năm 2011 đến nay.

Trong khi đó, nguyên tắc của thuế giá trị gia tăng là khi các tổ chức tín dụng kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra, các khách hàng doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhập khẩu) sẽ được kê khai, khấu trừ/hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào tương ứng. Theo đó, việc truy thu dẫn đến phát sinh một loạt các thủ tục, chi phí của toàn xã hội phải điều chỉnh hóa đơn, số liệu về kê khai, nộp thuế, khấu trừ/hoàn thuế, tăng vận hành của toàn bộ các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và cơ quan thuế.

Ông Hùng cho biết, sau khi có Văn bản số 324/TB-VPCP, cơ quan thuế tại một số địa phương đã yêu cầu các tổ chức tín dụng về nộp thuế giá trị gia tăng, dù chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể từ Tổng thuế - Bộ Tài chính. Điều này đã và đang gây hoang mang, lo lắng cho các chi nhánh của tổ chức tín dụng về việc thực thi các chính sách của nhà nước. Bên cạnh đó, để phòng ngừa rủi ro, hiện nay một số tổ chức tín dụng đã chủ động tuân thủ và ban hành biểu phí thu VAT của khách hàng.

“Tuy nhiên, việc thu thuế hiện nay có khá nhiều bất cập do một số nhóm mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng khi bán ra nên khi ngân hàng thu thêm, chi phí của khách hàng đội lên rất nhiều. Ngoài ra, việc thu thuế giá trị gia tăng không đồng bộ giữa các ngân hàng hoặc có ngân hàng thu có ngân hàng chưa thu, dẫn đến chưa có sự thống nhất trong toàn hệ thống, một số khách hàng phản ứng quyết liệt yêu cầu phải có văn bản chính thức của cơ quan nhà nước…”, ông Hùng thông tin.

Cuối cùng là về tiền chậm nộp thuế và phạt vi phạm hành chính về thuế. Theo báo cáo, đối với các chi phí xử phạt phát sinh bao gồm tiền phạt chậm nộp và phạt vi phạm hành chính: Do việc truy thu thuế giá trị gia tăng phát sinh từ năm 2011 đến nay, chi phí phạt chậm nộp phát sinh rất lớn (có thể gấp đôi số tiền thuế giá trị gia tăng phải nộp), đồng thời theo trình bày ở trên, đây hoàn toàn không phải lỗi của các tổ chức tín dụng, các tổ chức tín dụng không trốn tránh nghĩa vụ thuế đối với L/C. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng gặp vướng mắc trong việc hạch toán nguồn nộp thuế đối với tiền phạt chậm nộp và phạt xử lý vi phạm hành chính (nếu có).

Ngoài ra, việc truy thu và phạt chậm nộp các ngân hàng thương mại với số tiền lớn, mà nguyên nhân không phải do lỗi của các ngân hàng gây ra, sẽ là không công bằng cho các ngân hàng, nhất là các ngân hàng từ trước đến nay luôn chấp hành và tuân thủ đúng các quy định pháp luật.

Đồng thời, chính sách này nếu buộc phải thực hiện sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của hệ thống ngân hàng nước ta, đồng thời gây mất niềm tin vào chủ trương, chính sách của Nhà nước cũng như môi trường đầu tư tại Việt Nam.

6 KIẾN NGHỊ GỠ KHÓ

Căn cứ vào những vướng mắc, bất cập nêu trên và ý kiến kiến nghị của các tổ chức tín dụng, Hiệp hội Ngân hàng đề xuất Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ cho phép các tổ chức tín dụng:

Một là, thực hiện sau 3 tháng kể từ khi có hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính do các tổ chức tín dụng cần thời gian để rà soát cụ thể, chi tiết.

Hai là, hạch toán số tiền thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động L/C truy thu từ năm 2011 đến nay vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp do khoản thuế này là nghĩa vụ của khách hàng mà tổ chức tín dụng không có cơ sở/không thể thu hồi lại được từ khách hàng.

Ba là, không phải lập hóa đơn điều chỉnh/thay thế đối với các hóa đơn tổ chức tín dụng đã lập sai thuế suất thuế giá trị gia tăng.

Bốn là, cho phép tổ chức tín dụng kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng tập trung tại Trụ sở chính, không phải kê khai và nộp thuế về Cục thuế địa phương. Trường hợp cần điều tiết về Cục thuế địa phương, Tổng cục thuế thực hiện điều tiết về cục thuế địa phương.

Năm là, không xử phạt chậm nộp thuế giá trị gia tăng cũng như phạt vi phạm hành chính do đây không phải là lỗi của các tổ chức tín dụng.

Sáu là, chỉ đạo Cục thuế địa phương không yêu cầu các tổ chức tín dụng kê khai điều chỉnh và nộp thuế bổ sung cho đến khi có hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế để thực hiện thống nhất trên toàn quốc.

Xem thêm

Mừng vì lại giảm thuế giá trị gia tăng

Mừng vì lại giảm thuế giá trị gia tăng

Quốc hội chính thức chốt giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10% kể từ ngày 1/7/2023 đến 31/12/2023. Trong bối cảnh đặt ra nhiều thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023, đây là chính sách được người dân cũng như doanh nghiệp mong chờ, nhằm giải tỏa ngay lập tức vấn đề về giá cả đang kìm kẹp nhu cầu tiêu dùng thời gian qua.
Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2%

Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2%

Chiều hôm nay (24/5), tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022.

Có thể bạn quan tâm

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

“Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề...