Ngân hàng oằn mình vì “cục máu đông” nợ xấu ngày càng lớn

Bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn về xuất khẩu và tiêu dùng thấp khiến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn rất yếu. Sức chịu đựng của doanh nghiệp sụt giảm qua từng quý làm cho nợ xấu tiếp tục bật tăng mạnh...

ngan-hang-6097.jpeg

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 86.400 doanh nghiệp, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 21.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Đáng chú ý, trong tổng số 86.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm có tới 60.872 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Điều này đã phản ảnh tình hình khó khăn của doanh nghiệp từ đầu năm đến nay là rất lớn. Khó khăn của doanh nghiệp được phản ánh một phần vào kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Theo công bố kết quả kinh doanh quý 1/2024 của các ngân hàng, ngoài sụt giảm tín dụng, chất lượng tài sản của nhóm này cũng suy giảm, tỷ lệ nợ xấu tăng rõ rệt.

MỘT SỐ NGÂN HÀNG CÓ DƯ NỢ XẤU CAO TRONG QUÝ 1/2024

Khảo sát kết quả kinh doanh của 28 ngân hàng thương mại trong nước (đã công bố báo cáo tài tài chính quý 1/2024) cho thấy, hầu hết nợ xấu tại tất cả ngân hàng trong hệ thống đều “phình to” so với cuối năm 2023, thậm chí nhiều ngân hàng tăng bằng lần.

Theo đó, Top 10 ngân hàng có nhiều nợ xấu nhất 3 tháng đầu năm 2024 theo số tuyệt đối cũng lộ diện. Đáng chú ý, nếu tính theo con số tuyệt đối, có tới 3/4 ngân hàng cổ phần Nhà nước gồm BIDV, VietinBank và Vietcombank đang có số dư nợ xấu cao nhất ngành.

Cụ thể, đối với BIDV, số dư nợ xấu của ngân hàng này đã tăng 20,7 điểm phần trăm, đạt mức 27.000 tỷ đồng. Ngân hàng VietinBank cũng tăng 22,8 điểm phần trăm, leo lên ngưỡng 20.401 tỷ đồng.

“Quán quân lợi nhuận” Vietcombank thường nằm trong nhóm có chất lượng tài sản tốt trong ngành cũng có thêm hơn 3.004 tỷ đồng nợ xấu sau 3 tháng đầu năm, tương đương mức tăng 24,1 điểm phần trăm, đạt 15.459 tỷ đồng.

anh-chup-man-hinh-2024-05-22-luc-143713-9795.png

Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, ngân hàng MB Bank cho biết, nợ xấu sau quý kinh doanh đầu năm đã đạt 15.294 tỷ đồng, tức tăng 56 điểm phần trăm. Bám sát MB Bank là ngân hàng SHB giảm 0,2 điểm phần trăm nợ xấu xuống mức 13.215 tỷ đồng.

Tương tự, những ngân hàng có số dư nợ xấu lớn nhất ngành trong thời gian qua là: Sacombank (11.401 tỷ đồng); VIB (9.633 tỷ đồng); HDBank (8.152 tỷ đồng)…

Xét về tốc độ tăng trưởng, MB Bank là ngân hàng có mức tăng trưởng nợ xấu lớn nhất ngành, lên đến 56 điểm phần trăm. Kế đến là VietABank là 52,6 điểm phần trăm; KienlongBank là 30,9 điểm phần trăm…

Theo Chứng khoán BSC, xu hướng nợ xấu tăng trở lại trong quý đầu năm cho thấy sự cải thiện về chất lượng tài sản trong quý 4/2023 chỉ mang tính thời vụ. Điều này được xác nhận bởi tỷ lệ hình thành nợ xấu trong quý tăng lên mức 0,5% dù đã giảm liên tiếp ba quý trước đó.

BSC cũng nhận thấy tác động CIC trong ngành vẫn gia tăng, ảnh hưởng lớn nhất đến phân khúc bán lẻ và khách hàng lớn, khiến tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng như: MSB, MB, VIB cũng đi lên trong quý đầu năm.

NGÂN HÀNG CÓ TỶ LỆ NỢ XẤU THẤP TRONG QUÝ 1/2024

Cũng theo báo cáo tài chính từ 28 ngân hàng thương mại, tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành đến hết quý 1/2024 đã tăng 0,24 điểm phần trăm so với thời điểm cuối năm 2023. So với mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đề ra là tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%, thì hiện tại đã có nhiều ngân hàng vượt ngưỡng.

Trong quý vừa qua, hệ thống ngân hàng chỉ ghi nhận 3 tổ chức có tỷ lệ nợ xấu cải thiện là NCB (giảm 0,74 điểm phần trăm); VPBank (giảm 0,19 điểm phần trăm); và Techcombank. (giảm 0,03 điểm phần trăm).

anh-chup-man-hinh-2024-05-22-luc-140228-3581.png

Danh sách 10 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong hệ thống cũng lần lượt lộ diện với nhiều cái tên quen thuộc là: Bac A Bank, Techcombank, Vietcombank, VietinBank, LPBank, ACB, BIDV, SeABank, TPBank, HDBank.

Cụ thể, Bac A Bank tiếp tục là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất ngành với mức 1,11%, nhưng vẫn tăng 0,19 điểm phần trăm so với hồi đầu năm. Vị trí thứ 2 là ngân hàng Techcombank với tỷ lệ nợ xấu đạt 1,13%, giảm nhẹ 0,03 điểm phần trăm so với quý trước.

Trong quý 1/2024, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng Vietcombank và VietinBank cùng tăng 0,2 điểm phần trăm, lần lượt đạt 1,22% và 1,35%. Đáng chú ý, LPBank đã vượt qua các “ông lớn” BIDV, ACB để trở thành ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp thứ 5. Sau ba tháng, nợ xấu của LPBank chỉ tăng 0,05 điểm phần trăm.

Ngược lại, tỷ lệ nợ xấu tại ACB đã tăng 0,24 điểm phần trăm và đạt mức 1,45%; còn ngân hàng BIDV tăng 0,25 điểm phần trăm so với đầu năm, leo lên mức 1,51%. SeABank đã gây bất ngờ khi tăng 4 bậc trong bảng xếp hạng nhờ kiểm soát tỷ lệ nợ xấu tăng 0,02 điểm phần trăm, đạt 1,96%.

TPBank cũng cải thiện 5 bậc trong bảng xếp hạng, theo đó leo lên vị trí thứ 9 trong danh sách với tỷ lệ nợ xấu là 2,23%. Còn vị trí chót bảng trong danh sách là ngân hàng HDBank cùng mức tỷ lệ nợ xấu tăng 0,45 điểm phần trăm, đạt 2,24%.

Trong báo cáo phân tích mới đưa ra của Chứng khoán SSI cũng cho rằng, tỷ lệ nợ xấu có thể sẽ tăng trở lại trong nửa đầu năm 2024 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Các chuyên gia phân tích cũng đưa ra dự báo, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2024 sẽ tăng nhẹ so với năm 2023 do cuối năm dự kiến các ngân hàng sẽ đẩy mạnh xóa nợ xấu và nền kinh tế phục hồi mạnh hơn.

NGÂN HÀNG CÓ TỶ LỆ BAO PHỦ NỢ XẤU CAO NHẤT QUÝ 1/2024

Trong khi hầu hết các ngân hàng đều ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng thì tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại các ngân hàng này lại cho thấy diễn biến ngược lại – đồng loạt giảm. Tính chung toàn ngành, tỷ lệ này tụt thêm 7,1 điểm phần trăm, từ mức 94% vào cuối năm ngoái xuống 87% cuối quý 1/2024.

Sau 3 tháng đầu năm, ngành ngân hàng chỉ ghi nhận 4 tổ chức có tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên so cuối năm ngoái, nhưng mức tăng không đáng kể. Cụ thể, tại ngày 30/1/2023, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Techcombank đã tăng 3,9 điểm phần trăm; Sacombank tăng 3,7 điểm phần trăm; SHB tăng 0,5 điểm phần trăm; VPBank tăng 1,4 điểm phần trăm.

Còn lại 24/28 ngân hàng đều cho biết tỷ lệ bao phủ nợ xấu sụt giảm mạnh chỉ sau ba quý kinh doanh. Trong đó, có 5 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu vượt ngưỡng 100% là Vietcombank, BIDV, VietinBank, Techcombank, Bac A Bank.

anh-chup-man-hinh-2024-05-22-luc-143212-1558.png

Về chi tiết, Vietcombank vẫn đang là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất, gấp gần 2,3 lần trung bình ngành. Tuy nhiên, tính đến hết quý 1/2024, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng này đã giảm 30,5 điểm phần trăm so với đầu năm, về còn 199,8% do số dư nợ xấu tăng 24,1 điểm phần trăm.

Đứng ở vị trí thứ 2 và thứ 3 trong danh sách vẫn là hai ngân hàng trong nhóm Big 4 là VietinBank và BIDV. Tại ngày 31/3/2024, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của BIDV đạt 152,8% giảm 28,2 điểm phần trăm so với hồi cuối năm ngoái. Trong khi đó, ngân hàng VietinBank ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm mạnh 16,4 điểm phần trăm về còn 150,9%.

Ngược dòng với các ngân hàng trong hệ thống, ngân hàng Techcombank đã đánh bật nhiều đơn vị khác, leo lên vị trí thứ 4 sau khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng 3,9 điểm phần trăm, đạt 106,1%.

Còn tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Bac A Bank sau 3 tháng đã giảm đến 25,3 điểm phần trăm về mức 105,7%. Tương tự, báo cáo tài chính quý 3 của LPBank cũng cho biết, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng này kết thúc quý 1 đạt 89% và giảm 4,8 điểm phần trăm.

Những vị trí kế tiếp lần lượt thuộc về SeABank (85,1%); MB Bank (80,1%); ACB (78,6%) và Sacombank (72,5%)… Mặc dù vẫn nằm trong Top 10 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất ngành, song MB Bank cũng là ngân hàng có mức sụt giảm mạnh nhất. Cụ thể, mức chỉ tiêu này giảm từ 117% xuống còn 80,1%, tương đương mức giảm hơn 36,9 điểm phần trăm.

Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, sở dĩ tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại các ngân hàng sụt giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm 2024 là do nền kinh tế trong và ngoài nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Trong khi đó, sức chống chịu của doanh nghiệp giảm sút, song song với tình hình tài chính của người dân đi xuống, dẫn đến rủi ro nợ xấu tăng lên. Trước áp lực tăng nợ xấu, nhiều ngân hàng đã tích cực trích lập nâng bộ đệm dự phòng rủi ro, nhưng vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng của nợ xấu. Và hiển nhiên, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng.

KÉO DÀI THÔNG TƯ 02, NỢ XẤU ĐƯỢC "LÀM MÁT"?

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề xuất gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng nữa, tức là sẽ kéo dài đến hết ngày 31/12/2024 thay vì kết thúc vào ngày 30/6 tới đây như quy định hiện hành.

Ngân hàng Nhà nước đánh giá, đối với tổ chức tín dụng, việc kéo dài thông tư đến hết năm 2024 sẽ không ảnh hưởng đến cơ chế trích lập dự phòng rủi ro do kéo dài thời gian cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với hệ thống. Ngoài ra, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư 02 đến cuối năm nay sẽ góp phần làm giảm mức độ gia tăng nợ xấu nội bảng của tổ chức tín dụng và tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng thực hiện hỗ trợ cho khách hàng.

Dẫu vậy, nhiều chuyên gia tài chính đánh giá, việc tiếp tục áp dụng Thông tư 02/2023 khiến cho một phần nợ xấu được tạm che giấu nhưng sẽ áp lực lớn về nợ xấu cho hệ thống vì nợ xấu không được thể hiện một cách chính xác. Nhiều người lo ngại khi Thông tư 02 hết hiệu lực, nợ xấu sẽ gia tăng.

Bình luận về vấn đề này, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh lý giải, những khoản nợ được cơ cấu thì không thành nợ xấu, nhưng vẫn có những khoản nợ không nằm trong diện được cơ cấu sẽ chuyển thành nợ xấu. Không phải tất cả doanh nghiệp đều thuộc diện tái cơ cấu, không chuyển nhóm nợ, khi đến hạn mà không có khả năng thanh toán sẽ chuyển thành nợ xấu.

“Khi Thông tư 02 hết hiệu lực, chắc chắn mức nợ xấu sẽ tăng lên rất cao, vì hiện nay, khi được gia hạn, tỷ lệ nợ xấu đã cao vượt quy định”, theo ông Thịnh.

Vị chuyên gia này cho hay, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngân hàng phải tiết giảm chi phí để giảm lãi suất vay, hỗ trợ cho doanh nghiệp. Thế nhưng, lãi suất huy động sẽ phải tăng lên từ từ theo điều chỉnh của thị trường và từ tháng 4 đến nay đã có nhiều ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất huy động, do lượng tiền gửi trong ngân hàng đang sụt giảm. Muốn giữ lãi suất cho vay ở mức thấp, ngân hàng phải có mức lãi suất huy động ở mức thấp. Do đó, lãi suất huy động có thể tăng ở một số kỳ hạn, thường là kỳ hạn dài trên 1 năm.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM đưa ra cảnh báo về rủi ro về nợ xấu khi thông tư này hết hiệu lực. Khi đó, nếu các doanh nghiệp không phục hồi, rủi ro nợ xấu có thể tăng lên sau đó, ảnh hưởng tiêu cực đến cả doanh nghiệp, bên vay và tổ chức tài chính. Do đó, ngành ngân hàng nên tập trung xử lý nợ xấu một cách đúng nghĩa, chứ không phải là che đi con số thực tế. Để giải quyết nợ xấu, có hai vấn đề cần quan tâm là dòng tiền trả nợ của doanh nghiệp và thanh lý tài sản đảm bảo.

Xem thêm

Toàn cảnh lợi nhuận ngân hàng trong quý 1/2024

Toàn cảnh lợi nhuận ngân hàng trong quý 1/2024

Khảo sát báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, top 10 ngân hàng có lợi nhuận sau thuế cao nhất 3 tháng đầu năm 2024 lần lượt là: Vietcombank, Techcombank, BIDV, VietinBank, MB, ACB, HDBank, SHB, VPBank và LPBank...

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...