Ngân hàng tạm dừng giao dịch thanh toán, rút tiền của khách có giấy tùy thân hết hiệu lực từ 1/1/2025

Từ ngày 1/1/2025, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước sẽ tạm dừng giao dịch thanh toán, rút tiền trên tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng của khách hàng có giấy tùy thân hết hiệu lực hoặc hết hạn...

Ngân hàng tạm dừng giao dịch thanh toán, rút tiền của khách có giấy tùy thân hết hiệu lực từ 1/1/2025

Ngân hàng Nhà nước mới đây đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, Napas và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán,... triển khai một số biện pháp để đảm bảo hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt. Việc này nhằm phục vụ tốt nhu cầu thanh toán trong thời gian cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý rủi ro, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi gian lận trong hoạt động thanh toán. Trong đó, rà soát, đảm bảo việc ban hành quy trình, quy định nội bộ về mở, sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, cung ứng dịch vụ thanh toán, quy trình quản lý rủi ro, hợp đồng/thỏa thuận…

Quyết liệt triển khai quy định mới tại các Thông tư 15, 17 và 18 của Ngân hàng Nhà nước, đẩy mạnh thông tin truyền thông cho khách hàng để đáp ứng các thời điểm hiệu lực thi hành.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu trước ngày 1/1/2025 phải hoàn thành đối chiếu thông tin sinh trắc học đối với khách hàng cá nhân; trước ngày 1/7/2025 hoàn thành đối chiếu thông tin sinh trắc học đối với người đại diện hợp pháp của khách hàng tổ chức để tiếp tục thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng.

Đồng thời rà soát toàn bộ hiệu lực giấy tờ tùy thân của khách hàng mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng; đảm bảo thông báo đầy đủ cho khách hàng trước 30 ngày giấy tờ tùy thân hết hiệu lực để kịp cập nhật, bổ sung thông tin. Từ ngày 1/1/2025, tạm dừng giao dịch thanh toán, rút tiền trên tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng của khách hàng có giấy tùy thân hết hiệu lực hoặc hết hạn.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng phải tổ chức triển khai nghiêm túc chặt chẽ quy trình mở, sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng theo quy định mới và các biện pháp đảm bảo an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán. Trong đó, quán triệt toàn hệ thống về việc triển khai các biện pháp tăng cường quản lý rủi ro đối với hoạt động mở và sử dụng tài khoản thanh toán của tổ chức, ngăn chặn hành vi mở và sử dụng tài khoản thanh toán của tổ chức cho mục đích bất hợp pháp, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm 2024 và Tết nguyên đán 2025.

Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát các đơn vị chấp nhận thanh toán để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi lợi dụng giao dịch thanh toán tại các đơn vị chấp nhận thanh toán cho các mục đích bất hợp pháp.

Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động thanh toán liên ngân hàng qua các hệ thống thanh toán, đảm bảo an toàn, thông suốt, phục vụ nhu cầu thanh toán của khách hàng trong thời gian cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025. Chủ động dự báo về tình hình nhu cầu thanh toán và có phương án ứng phó cụ thể cho từng trường hợp để bố trí đầy đủ nguồn lực, đáp ứng nhu cầu thanh toán tăng cao trước và trong dịp Tết Dương lịch và Tết nguyên đán 2025.

Chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về hoạt động ATM phù hợp với từng địa bàn, khu vực; giám sát chặt chẽ để phát hiện và tiếp quỹ kịp thời; xử lý, ứng phó kịp thời các sự cố, tình huống phát sinh, không để ảnh hưởng đến giao dịch thanh toán rút tiền của người dân.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán rà soát, đảm bảo việc ban hành quy trình, quy định nội bộ về mở, sử dụng ví điện tử, cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, quy trình quản lý rủi ro, hợp đồng/thỏa thuận mở, sử dụng ví điện tử theo quy định mới tại Thông tư 40.

Tổ chức triển khai nghiêm túc, chặt chẽ quy trình mở, sử dụng ví điện tử theo quy định mới và các biện pháp phòng chống, ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ lợi dụng dịch vụ trung gian thanh toán cho các mục đích bất hợp pháp theo các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh đảm bảo hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ổn định, an toàn và liên tục.

Đẩy mạnh việc thông tin, truyền thông cho khách hàng hoàn thành đối chiếu sinh trắc học của chủ ví điện tử hoặc người đại diện (đối với khách hàng cá nhân) hoặc người đại diện hợp pháp (đối với khách hàng tổ chức) trước thời điểm 1/1/2025.

Cảnh báo về các hành vi lừa đảo, gian lận, phương thức, thủ đoạn tội phạm liên quan hoạt động thanh toán; hướng dẫn khách hàng các biện pháp bảo mật dữ liệu cá nhân, tránh rủi ro lộ, lọt thông tin cá nhân khi thực hiện giao dịch trực tuyến, cách thức sử dụng dịch vụ, thực hiện giao dịch trung gian thanh toán an toàn, trong dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025.

Xem thêm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...

Có thể bạn quan tâm

Đổi tiền online: Cẩn thận “tiền mất, tật mang”

Đổi tiền online: Cẩn thận “tiền mất, tật mang”

Dịp cận Tết là cơ hội cho các loại hình kinh doanh tiền mới, tiền có seri đẹp, tiền lưu niệm độc lạ để làm lì xì hoặc quà Tết, nhưng những dịch vụ này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng...

Thông tư 02 hết hiệu lực, nợ xấu ngân hàng tăng nhanh?

Thông tư 02 hết hiệu lực, nợ xấu ngân hàng tăng nhanh?

Từ tháng 1/2025, các ngân hàng sẽ chính thức không còn áp dụng Thông tư 02 khi văn bản này hết hiệu lực vào cuối tháng 12/2024, nhiều nghi vấn đặt ra rằng điều này có ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các ngân hàng trong tương lai hay không...