Ngân hàng thừa tiền vẫn tăng cường “hút” vốn cấp 2: Vì sao?

Mặc dù thanh khoản đang dư thừa, cho vay trì trệ nhưng các ngân hàng gần đây vẫn ồ ạt phát hành trái phiếu. Các chuyên gia cho rằng, đây là động thái đảm bảo an toàn cho hoạt động của nhà băng trong thời gian tới do nguồn vốn từ tiền gửi chỉ là ngắn hạn?
Ngân hàng thừa tiền vẫn tăng cường “hút” vốn cấp 2: Vì sao?

Trong báo cáo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa công bố, CTCP Chứng khoán SSI cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2020, các ngân hàng VietinBank, BIDV, SeABank, ACB và TPBank đã phát hành hơn 36.000 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn hơn 5 năm để tăng vốn cấp 2 - cao hơn 5% tổng lượng phát hành trái phiếu cấp 2 của cả năm 2019 và chiếm 37,7% tổng lượng trái phiếu ngân hàng phát hành trong 9 tháng năm nay.

Trong khi đó, theo số liệu cả NHNN, tính đến ngày 30/9/2020, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 6,09% trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng 9,4%.

"Mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát và thị trường đã bước vào quí cuối năm - giai đoạn cao điểm về nhu cầu vốn nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn yếu và thấp hơn khá nhiều (khoảng 2%) so với tăng trưởng huy động. Tiền đồng vẫn dư thừa trong hệ thống các ngân hàng, lãi suất sẽ vẫn đi ngang ở vùng thấp trong thời gian tới", SSI Research nhận định.

Do đó, có 2 nguyên nhân có thể lý giải cho việc các ngân hàng dù thừa vốn vẫn đẩy mạnh phát hành trái phiếu nhằm thu hút nguồn vốn trung và dài hạn.

Cụ thể, mục tiêu Chính phủ đề ra cho các ngân hàng cổ phần là đến cuối năm 2020 cơ bản đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo chuẩn mực quy định của Basel II (Thông tư 41/2016/TT-NHNN), trong đó tối thiểu 12-15 ngân hàng áp dụng thành công Basel II phương pháp tiêu chuẩn trở lên.

Đến cuối năm 2025, tất cả các ngân hàng áp dụng Basel II tiêu chuẩn, thí điểm áp dụng Basel II nâng cao tại các ngân hàng có vốn nhà nước và ngân hàng cổ phần có chất lượng quản trị tốt.

Theo tiêu chuẩn Basel II, tỷ lệ CAR cần đạt mức tối thiểu 8%, giảm 1% về mặt số học so với chuẩn Basel I, nhưng việc tính toán lại phức tạp hơn.

Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, CAR của nhóm các ngân hàng thương mại áp dụng theo Basel II tại cuối tháng 8 là 11,67% - tăng so với mức 11,13% vào tháng 1/2020; trong đó nhóm ngân hàng thương mại nhà nước là 9,71%, nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần là 10,75%.

Với con số trên, các ngân hàng đang ở sát ngưỡng tối thiểu. Trong khi đó, hầu hết các ngân hàng đều hướng tới mở rộng thị phần thời gian tới, thậm chí các ngân hàng có vốn nhà nước còn có kế hoạch vươn tầm ra khu vực. Vì vậy, để thực hiện được mục tiêu, bắt buộc các nhà băng phải nâng cao tỷ lệ CAR.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu không tăng đủ vốn, các ngân hàng dự kiến sẽ phải dừng tăng trưởng tín dụng, thậm chí là giảm dư nợ cho vay để đảm bảo an toàn trong hoạt động theo quy định.

Ngược lại, khi tỷ lệ CAR được đảm bảo, ngân hàng sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với bình quân ngành, cơ hội mở rộng thị phần từ đó cũng mở ra.

Chính vì vậy, hiện nay dù thanh khoản ngân hàng đang ở trạng thái dư thừa, hoạt động cho vay gặp nhiều khó khăn, nhưng các ngân hàng đã đẩy mạnh phát hành trái phiếu để gia tăng thêm nguồn vốn trung và dài hạn và tiếp tục nâng cao tỷ lệ CAR.

Nguyên nhân thứ hai là hoạt động của các ngân hàng cũng cho thấy, dư nợ tín dụng đang có sự gia tăng cho vay trung và dài hạn.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc huy động vốn mà chỉ trông chờ vào tiền gửi của khách hàng (chủ yếu là vốn ngắn hạn) dễ dẫn tới tình trạng ngân hàng mất thanh khoản, nên việc phát hành trái phiếu trung, dài hạn là nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động của nhà băng trong thời gian tới.

Dưới góc độ quản trị, lãnh đạo các ngân hàng cũng thừa nhận, việc phát hành trái phiếu là một biện pháp cần thiết để củng cố "tấm đệm vốn" và phục vụ cho nhu cầu hoạt động kinh doanh.

Mặt khác, việc đua phát hành trái phiếu huy động vốn từ đầu năm đến nay của ngân hàng được cho là nhằm huy động vốn để mua lại trước hạn trái phiếu đã phát hành trước đây, tái cơ cấu lại lãi suất. Vì trái phiếu phát hành trước đây lãi suất cao hơn hiện nay.

Điển hình như, BIDV cho biết trong tháng 11 và tháng 12 tới sẽ thực hiện quyền mua lại các trái phiếu BIDV với tổng giá trị gần 14.000 tỷ đồng. Lượng trái phiếu này chủ yếu được BIDV phát hành vào năm 2019 (gần 8.400 tỷ đồng), cùng với 1 lô 3.000 tỷ đồng phát hành năm 2018 và 1 lô 2.500 tỷ đồng phát hành năm 2015.

Trước đó, cuối tháng 7, BIDV cũng đã thực hiện mua lại 3.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm phát hành năm 2015. Sang tháng 8, BIDV hoàn tất mua lại 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm được phát hành vào năm 2018.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...