Ngành bán lẻ đón cách mạng công nghiệp 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh mẽ đến ngành bán lẻ Việt Nam. Nhiều đơn vị đang âm thầm tái định nghĩa ngành với những tiêu chuẩn dịch vụ đa dạng, hiệu quả, nhanh chóng dựa trên nền tả
Ngành bán lẻ đón cách mạng công nghiệp 4.0

Tại thị trường Việt Nam, ngành bán lẻ được đánh giá là tiềm năng lớn khi có dân số đông, hơn 90 triệu người, trong đó người trẻ chiếm tỷ lệ cao. Đây là lợi thế thuận lợi phát triển, bởi khả năng thay đổi thói quen tiêu dùng dễ hình thành ở bộ phận chiếm số đông này.

Ông Nguyễn Thành Nhân - TGĐ Saigon Co.op chia sẻ: "Để phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng, tồn tại và cạnh tranh được, hệ thống bán lẻ Co.opmart không thể bỏ qua công nghệ".

Ông Nguyễn Thành Nhân nói rõ: "Co.opmart đang chạy thử một số hạng mục dựa trên nền tảng công nghệ, như thanh toán tự động ở phân khúc cao áp dụng cuối năm 2017; phát triển phục vụ đa kênh, ngoài bán lẻ theo kiểu truyền thống, bán hàng qua kênh truyền hình, thì bán hàng online đang trong giai đoạn hoàn chỉnh. Cụm vận hành bao gồm tự động hóa nhà kho kết nối logistic thông minh. Theo đó, robot sẽ soạn và lên danh sách cho từng nhóm hàng đưa đến từng siêu thị, tất cả thao tác qua máy tính một cách chính xác cả về thời gian lẫn số lượng. Dự tính đến năm 2019 cụm này sẽ đưa vào hoạt động". Để làm được điều này, Co.opmart phải mời tư vấn quốc tế về đào tạo.

Đại diện Lotte Mart nhận xét, việc triển khai công nghệ 4.0 tại Việt Nam còn hạn chế do việc ứng dụng các nền tảng công nghệ 4.0 vào cuộc sống còn khá mới mẻ, chi phí đắt đỏ. Mặt khác, việc triển khai còn lệ thuộc vào thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Hiện Lotte Mart đang xem xét, nghiên cứu triển khai các ứng dụng dựa trên nền tảng công nghệ 4.0 nhằm gia tăng sự tiện dụng cho khách hàng mua sắm. Các phần mềm thanh toán sẽ được triển khai các ứng dụng hỗ trợ cho việc tiêu dùng và thanh toán thông minh.

Trong khi đó, Centra Group bao gồm những thành viên Nguyễn Kim Trading (chuyên ngành bán lẻ điện máy), Big C... cũng đang có những chiến lược phát triển theo xu hướng kết nối công nghệ.

Tại Anh, startup Starship Technologies đã áp dụng dịch vụ giao hàng tận nhà bằng robot. Tất cả quy trình giao hàng của robot sẽ được khách hàng theo dõi trên ứng dụng điện thoại. Ngay khi tung ra dịch vụ này, nhiều khách hàng tò mò về khả năng tiếp cận khách hàng của robot. Điều thú vị đó đã được giải mã bằng cách khách hàng dùng ứng dụng để mở khóa lấy hàng. Thời gian giao hàng cũng được thiết lập trong khoảnng từ 5 - 30 phút để khách hàng chủ động hẹn giờ.

Cũng tại Anh, dịch vụ kiểm tra hàng hóa ở kho hàng bằng robot mang tính chuẩn xác cao được nhiều siêu thị đầu tư. Những người thích ăn bánh pizza giờ đây luôn được thưởng thức món ăn nóng hổi bởi hệ thống nướng tự động, giao hàng tại nhà.

Các dịch vụ thông minh giải quyết được chuyện tiết kiệm thời gian, đơn giản trở nên "hot" hơn cả. Ví dụ, cây xăng tìm khách đang được người dân châu Âu đón nhận thời gian gần đây. Khách hàng chỉ cần đặt hàng trên ứng dụng di động, hệ thống định vị toàn cầu của công ty sẽ tìm ra xe và làm nốt những phần còn lại.

Hay khách hàng chỉ ngồi nhà có thể kiểm tra hàng hóa siêu thị còn hay hết, cũng như uống bia tự phục vụ, tự thanh toán bằng thẻ thông minh. Hiện nhiều khách hàng các tỉnh thành ở Trung Quốc cũng không cần phải xếp hàng thanh toán khi đi siêu thị, ăn uống mà chỉ cần dùng hình thức tap & pay (chạm thẻ và thanh toán) nhanh và tiện lợi, đồng thời có thể chủ động trong chi tiêu mà không bị "quá tay".

Ông Lều Hồng Dương - Giám đốc vận hành Nguyễn Kim Trading cho rằng: "Chỉ một, hai năm nữa sẽ có sự thay đổi lớn trong phục vụ của ngành bán lẻ. Sự tương tác mua bán hàng trên mạng sẽ chiếm ưu thế, dẫn đến thay đổi hành vi mua sắm. Dịch vụ không chỉ nhanh, hiệu quả mà phải dễ dàng, đơn giản hơn được tích hợp trong chiếc điện thoại cầm tay. Vấn đề là thời gian và nguồn lực tung ra thời điểm nào là thích hợp".

Với hệ thống Big C, tương tác qua mạng cộng đồng là bước đi chậm nhưng chắc để lắng nghe ý kiến phản hồi từ người tiêu dùng. Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc đối ngoại Big C Việt Nam cho biết: "Sau thời gian tương tác với người tiêu dùng cho thấy nội dung được người tiêu dùng yêu thích nhất là các chương trình khuyến mãi. Các tương tác khác như game, hoạt động xã hội... cũng nhận được lượt xem đáng kể, đây sẽ là khởi đầu để chúng tôi đánh giá thay đổi yêu cầu của khách hàng so với trước đây".

Trên thực tế, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực bán lẻ đang âm thầm diễn ra. Hầu hết số doanh nghiệp đều quan tâm và đánh giá cao khi nhìn nhận sự thay đổi hoạt động mang tính cá nhân hóa cao. Ở đó sự thách thức và cơ hội với quyết tâm chuyển động sâu rộng bằng cuộc cách mạng thật sự chứ không phải chạy theo trào lưu.

Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, thế mạnh không thuộc về kẻ "lắm của nhiều tiền" mà phụ thuộc vào trình độ, khả năng tư duy lãnh đạo của người đứng đầu. Với hơn 44% dân số thế giới đang sử dụng internet (dự báo sẽ gia tăng nhanh trong thời gian tới) thì sự chuẩn bị chủ động, kịp thời, và bài bản sẽ nắm chắc thành công theo quy luật đi trước về trước.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, cuộc cách mạng 4.0 này được dẫn dắt bởi khoa học công nghệ mang tính trí tuệ toàn cầu. Không có "đặc quyền" nào cho doanh nghiệp, mà bản thân các đơn vị cần có chiến lược vận dụng công nghệ trong hoạt động của mình. Ai không nhanh chóng vạch ra kế hoạch thì chắc chắn sẽ bị gạt ra ngoài dòng chảy của nền kinh tế công nghệ.

Theo Doanhnhansaigon.vn

Có thể bạn quan tâm