Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây đã chính thức chấp thuận cho 23,7 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Thống Nhất Hà Nội giao dịch trên thị trường UPCoM với mã chứng khoán TNV, tương ứng giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch là 237 tỷ đồng. Trước đó, Công ty Cổ phần Thống Nhất Hà Nội đã hoàn thành thủ tục lưu ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam vào ngày 15/8/2024.
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Thống Nhất Hà Nội, tiền thân là Nhà máy Xe đạp Thống Nhất, được thành lập năm 1960, là một trong những thương hiệu xe đạp lâu đời và giàu ý nghĩa nhất tại Việt Nam. Xe đạp Thống Nhất đã trở thành một biểu tượng quen thuộc từ thời kỳ bao cấp, in đậm trong ký ức của nhiều thế hệ người Việt.
Ra đời trong giai đoạn kháng chiến, xe đạp Thống Nhất được mệnh danh là “con ngựa sắt chiến trường,” vượt qua mưa bom bão đạn để vận chuyển gạo, muối, thuốc men ra tiền tuyến. Tên gọi Thống Nhất được đặt nhằm thể hiện ước vọng lớn lao về một ngày đất nước thống nhất, hòa bình.
Năm 1965, một chính sách phân phối đặc biệt của Nhà nước cho phép cán bộ, công nhân viên chức nhà nước sở hữu một chiếc xe đạp duy nhất trong đời, với giá ưu đãi. Chính sự hạn chế trong sản xuất khiến việc sở hữu một chiếc xe Thống Nhất trở thành điều quý giá. Nhiều gia đình mua được xe nhưng không sử dụng ngay, mà chỉ treo lên tường để giữ gìn như một báu vật, thỉnh thoảng mới mang xuống ngắm nhìn và thưởng thức âm thanh xích líp quay.
Trong suốt những năm 1960 - 1970, xe đạp Thống Nhất không chỉ là niềm mơ ước của người Việt mà còn được xuất khẩu ra nhiều quốc gia, trở thành niềm tự hào dân tộc.
Cho đến giữa thập niên 90, chiếc xe đạp Thống Nhất vẫn là biểu tượng của sự giàu có và thành đạt đối với người dân Việt Nam, thể hiện đúng với khẩu hiệu "Nghĩ đến xe đạp, nghĩ về Thống Nhất."
Tuy nhiên, khi nền kinh tế mở cửa và xe máy cùng các dòng xe nhập khẩu dần thay thế vị trí xe đạp trong vai trò phương tiện di chuyển phổ biến, Thống Nhất đã phải đối mặt với nhiều thách thức. Xe đạp Thống Nhất mất dần vị thế độc tôn khi người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn mới. Trước sự cạnh tranh gay gắt, công ty buộc phải mở rộng sang các dòng xe ngoại nhập để tiếp tục duy trì hoạt động.
Giờ đây, xe Thống Nhất phải cạnh tranh với nhiều dòng xe đạp đến từ các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan. Thị trường đa dạng mẫu mã và màu sắc khiến Thống Nhất gặp khó khăn trong việc giữ chân khách hàng. Thêm vào đó, xu hướng sử dụng xe đạp điện và xe máy điện đang ngày càng phổ biến, tạo ra những áp lực không nhỏ cho thương hiệu.
Đối mặt với áp lực phải thay đổi để tồn tại, năm 2017, Thống Nhất quyết định chuyển mình bằng cách chuyển đổi thành công ty cổ phần với vốn điều lệ 237 tỷ đồng, mở ra một thời kỳ phát triển mới theo hướng sản xuất và kinh doanh hiện đại hơn. Đây là một bước ngoặt mang tính chiến lược, đánh dấu sự đổi mới toàn diện của thương hiệu xe đạp lâu đời này.
Từ đó, công ty đã mạnh dạn đầu tư vào trang thiết bị, nhà xưởng và áp dụng các công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, Thống Nhất đã cải tiến thiết kế và đa dạng hóa mẫu mã, hướng đến một hình ảnh hiện đại và trẻ trung hơn, nhằm thu hút không chỉ những người yêu thích hoài niệm mà còn cả các khách hàng trẻ tuổi trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng.
Mới đây nhất, thương hiệu xe đạp 62 năm tuổi tại Việt Nam đã khéo léo bắt kịp xu hướng khi ra mắt mẫu xe mới mang tên The Flash, lấy cảm hứng từ siêu anh hùng nổi tiếng của vũ trụ DC. Chiếc xe nổi bật với gam màu đỏ chủ đạo, điểm xuyết họa tiết đen và vàng tinh tế, cùng hình ảnh nhân vật The Flash được khắc họa trên thân xe, tạo nên một thiết kế trẻ trung và năng động.
Tính đến hiện tại, Thống Nhất có ba cổ đông lớn nắm gần 99% vốn điều lệ. Trong đó, UBND Thành phố Hà Nội là cổ đông lớn nhất, sở hữu 10,6 triệu cổ phiếu, tương ứng 45% vốn. Công ty Cổ phần Đầu tư VSD nắm giữ 9,8 triệu cổ phiếu, xấp xỉ 41,6%, và một cá nhân khác sở hữu khoảng 2,8 triệu cổ phiếu, tương đương 12,17% vốn.
Trong hai năm gần đây, hoạt động kinh doanh của Thống Nhất bắt đầu có lãi trở lại. Năm 2022, doanh thu của công ty tăng 41% lên mức 142 tỷ đồng và đạt lợi nhuận 13,7 tỷ đồng. Sự tăng trưởng này là kết quả từ chiến lược mở rộng mạng lưới bán lẻ, thay đổi chính sách bán hàng, tài trợ và tiếp cận các kênh dự án.
Đến năm 2023, tuy doanh thu tiếp tục tăng, đạt 176,5 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty giảm còn 2,6 tỷ đồng do chi phí giá vốn hàng bán tăng mạnh bởi chuỗi cung ứng nguyên vật liệu toàn cầu bị ảnh hưởng và biến động tỷ giá, làm ảnh hưởng lớn đến biên lợi nhuận của công ty.
Dự kiến năm 2024, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Thống Nhất ở mức khiêm tốn, lần lượt đạt 162 tỷ đồng và 2 tỷ đồng, do tình hình kinh doanh còn nhiều thách thức. Trong 6 tháng đầu năm 2024, công ty mới chỉ hoàn thành khoảng 36,89% kế hoạch doanh thu và đạt 15% kế hoạch lợi nhuận cả năm.