UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch phát triển Khu kinh tế Đông Nam thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh Nghệ An sẽ điều chỉnh ranh giới Khu kinh tế Đông Nam diện tích 80.000 ha (gồm 70.000 ha đất liền và 10.000 ha mặt nước biển), trong đó diện tích khu công nghiệp khoảng 15.000 ha. Khu kinh tế cần đáp ứng được 25 - 30% nhà ở cho công nhân làm việc. Bên cạnh đó, tỉnh cũng quy hoạch phát triển 10 - 12 khu công nghiệp ngoài khu kinh tế với diện tích tự nhiên khoảng 4.500 ha.
Nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 ở mức 19.912 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ ngân sách nhà nước khoảng 1.050 tỷ đồng, nguồn vốn từ doanh nghiệp 17.838 tỷ đồng và các nguồn vốn khác (ODA, PPP...) khoảng 1.024 tỷ đồng.
Khu kinh tế Đông Nam dự kiến thu hút 100 - 120 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 75.000 - 90.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nước ngoài khoảng 2,26 tỷ USD. Vốn đầu tư thực hiện ước đạt trên 60% so với vốn đầu tư đăng ký.
Thu ngân sách trong Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp đến năm 2025 chiếm khoảng 20 - 25% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2025, khu kinh tế sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 80.000 - 100.000 người lao động.
Giai đoạn 2026 - 2030, khu kinh tế sẽ phát triển kết cấu hạ tầng 3 - 5 khu công nghiệp mới, với diện tích khoảng 1.800 - 2.000 ha. Đồng thời, khu vực này dự kiến sẽ thu hút đầu tư 130 - 150 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 100.000 - 120.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nước ngoài khoảng 3,67 tỷ USD.
Phấn đấu đến năm 2030, thu ngân sách trong Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp chiếm khoảng 45 - 50% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh, giải quyết việc làm cho khoảng 150.000 - 180.000 người lao động.
Theo kế hoạch, UBND tỉnh Nghệ An dự kiến thành lập mới hai khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ với quy mô lớn (Nam Cấm với quy mô 685 ha và Thọ Lộc 850 ha). Đồng thời, tỉnh sẽ nghiên cứu, phát triển khu công nghiệp Tân Thắng (650 ha) thành khu công nghiệp hỗ trợ, phục vụ chuyên sâu phục vụ các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hóa chất.
Kế hoạch được xây dựng nhằm cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp đề ra, lấy đó làm động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài ra, kế hoạch nhằm xác định rõ nhiệm vụ của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương nơi có khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức triển khai thực hiện.