Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang chỉ đạo các cơ quan khẩn trương xây dựng các Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019 và Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, dự kiến được ban hành cùng thời điểm với Nghị quyết 01.
Do đó, Nghị quyết về môi trường kinh doanh sẽ được lấy số 02, thay cho tên Nghị quyết 19 được ban hành liên tục từ năm 2014 tới nay.
Cạnh tranh sẽ khắc nghiệt hơn
Theo đánh giá của các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19, nhận thức về tầm quan trọng của cải thiện môi trường kinh doanh, chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực canh tranh quốc gia có cải thiện rõ nét.
Hầu hết các bộ, ngành và địa phương đã tích cực, chủ động triển khai một phần hoặc hầu hết các nhiệm vụ được giao. Những chuyển biến và nỗ lực thay đổi tích cực thể hiện rõ qua các năm, nhất là 3 năm gần đây.
Quan trọng hơn, những kết quả rõ ràng đã được ghi nhận. Xếp hạng về môi trường kinh doanh năm 2018 được cải thiện 21 bậc so với năm 2015. Chỉ số Hiệu quả hoạt động của ngành dịch vụ logistics năm 2018 tăng 25 bậc so với năm 2016. Chỉ số Đổi mới sáng tạo năm 2018 tăng 26 bậc so với năm 2014. Chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử năm 2018 tăng 1 bậc so với năm 2016; mức độ tiếp cận dịch vụ công điện tử của người dân tăng 29 bậc.
Hàng ngàn điều kiện kinh doanh bất hợp lý đối với đầu tư, kinh doanh đã được bãi bỏ; một số mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu đã được loại bỏ khỏi danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành; cơ chế kiểm tra theo nguyên tắc đánh giá rủi ro và mức độ tuân thủ của doanh nghiệp đã bước đầu được thực hiện trên một số lĩnh vực.
Tuy vậy, thứ hạng môi trường kinh doanh của nước ta vẫn còn thấp (vị trí 69/190) trong khu vực. Bên cạnh đó, một số chỉ số không những không được cải thiện mà còn liên tục bị tụt hạng.
Sau 5 năm, chỉ số Phá sản doanh nghiệp giảm 29 bậc, ở vị trí cuối bảng xếp hạng; chỉ số Giải quyết tranh chấp hợp đồng giảm 15 bậc; chỉ số Đăng ký tài sản giảm 27 bậc. Các chỉ số về đổi mới sáng tạo còn ở mức thấp (về thứ hạng) và giảm chất lượng (về điểm số) trên các bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh. Năm 2018, Hệ sinh thái thúc đẩy đổi mới, sáng tạo xếp thứ 91/140 nền kinh tế; trong đó Mức độ năng động trong kinh doanh (thứ 101), Năng lực đổi mới sáng tạo (thứ 82).
Cách thức quản lý nhà nước ở các Bộ, ngành và địa phương có sự thay đổi, cải cách, nhưng không đồng đều. Không ít các quy định của pháp luật vẫn chưa cụ thể, thiếu nhất quán, chưa tiên liệu trước được. Không ít cán bộ, công chức vẫn cố tình gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân. Rủi ro đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh vẫn còn cao; kinh doanh ngầm, phi chính thức vẫn còn lớn.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, chúng ta cải cách rất mạnh nhưng thế giới chuyển động nhanh hơn và đang có một cuộc cạnh tranh trong cuộc đua tới thịnh vượng của các quốc gia bằng việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cùng quan điểm, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng việc tham gia các hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA đã đồng thời mở ra những cơ hội và thách thức lớn. Mặc dù môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng nhiều bậc trong 5 năm qua nhưng vẫn xếp hạng cuối cùng trong 11 nền kinh tế tham gia CPTPP. Do đó, cạnh tranh sẽ rất khắc nghiệt.
Các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, Việt Nam không còn con đường nào khác là năm nay đã nỗ lực cải cách thì sang năm phải gấp đôi, thậm chí là gấp ba so với chính chúng ta, phải nỗ lực mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần so với trước đây.
Bên cạnh đó, tư duy thực thi cũng cần thay đổi. Các bộ, ngành liên quan phải thực hiện Nghị quyết này, không chỉ vì tuân thủ yêu cầu của Chính phủ mà phải coi đây là trách nhiệm với xã hội, với đất nước, đối với sự phát triển kinh tế.
“Yêu cầu hết sức cấp bách đặt ra hiện nay là cần sự vào cuộc mạnh mẽ và tăng tốc hơn nữa của các Bộ, ngành, địa phương.
Các bộ, cơ quan, địa phương phải chủ động hơn
Trên thực tế, nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh đã được Chính phủ, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh trong suốt những năm qua và cả thời gian gần đây. “Liệu có bao nhiêu đồng chí đã nghiên cứu kỹ 12 nhóm trụ cột, 98 tiêu chí trong đánh giá năng lực cạnh tranh của WEF hay 10 nhóm chỉ tiêu trong đánh giá môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới?”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt câu hỏi với các thành viên Chính phủ ngay sau khi các đánh giá trên được công bố cho năm 2018.
“Tôi đề nghị các bộ, ngành, địa phương ưu tiên đưa các quan tâm của doanh nghiệp vào trong các chương trình nghị sự của mình, phải đưa vấn đề của doanh nghiệp lên trang đầu trong quyển sổ tay điều hành của lãnh đạo”, ông phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam vừa diễn ra hồi đầu tháng này.
Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết 02, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là trọng tâm điều hành của Chính phủ về môi trường đầu tư. Cần nêu rõ đặc điểm tình hình năm 2019, từ đó, đặt ra yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn.
Dự thảo cần chỉ ra các mục tiêu ưu tiên để dồn sức chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ nét. Đối với các mục tiêu cụ thể, cần tăng các chỉ số có mức xếp hạng thấp như khởi sự kinh doanh (xếp thứ 154/190), nộp thuế (131/190), thương mại qua biên giới (100/190), giải quyết phá sản (133/190)…
Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng, theo dự thảo mới nhất, mục tiêu và các chỉ tiêu của Nghị quyết 02 được xây dựng và lựa chọn dựa trên 7 bảng xếp hạng.
Cụ thể là các bảng xếp hạng: Môi trường kinh doanh theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới - WB; Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới - WEF; Mức độ sẵn sàng cho sản xuất tương lai 4.0 của WEF; Đổi mới sáng tạo (Global Innovation Index) của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới; Hiệu quả logistics của WB; Chính phủ điện tử của Liên Hợp quốc; và Năng lực cạnh tranh du lịch của WEF.
Về một số nội dung trọng tâm ưu tiên trong năm 2019, dự thảo Nghị quyết nhấn mạnh 04 lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trong năm 2019 gồm: (1) Tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong năm 2018; (2) Tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia; (3) Thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, trong đó bao gồm xây dựng và thực hiện cổng dịch vụ công quốc gia; (4) Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp (startup).
Về mục tiêu năm 2019, định hướng tới 2021, dự thảo đưa ra mục tiêu tổng quát là môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nước ta thuộc nhóm ASEAN 4.
Đặc biệt, về tổ chức thực hiện, dự thảo Nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức nghiên cứu, nhận thức đầy đủ phương pháp và nội dung đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế và vị trí của nước ta trong các bảng xếp hạng đó; chủ động thực hiện, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện các giải pháp cần thiết để cải thiện vị trí xếp hạng của nước ta theo mục tiêu tương ứng.
Cùng với đó, các Bộ, cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm, chủ động thực hiện/kiến nghị các cơ quan nhà nước khác thực hiện các giải pháp cần thiết theo thẩm quyền đảm bảo đạt được mục tiêu nâng hạng tương ứng của chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ, các địa phương cần có chương trình hành động thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 02, không thể để tình trạng “thích thì làm, không thích thì thôi”.
Theo Hà Chính/VGP
>> Chính phủ quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh năm 2018