Nghịch lý phát triển nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp

Hàng chục nghìn công nhân đang làm việc tại các KCX-KCN không có nhà ở, phải thuê phòng trọ lụp xụp, thiếu thốn. Thế nhưng, nhiều chủ đầu tư lại “núp bóng” hình thức “xây nhà ở cho công nhân” để làm n

Nhà lưu công nhân hiện mới chỉ đáp ứng được nhu cầu rất nhỏ

Trục lợi từ chính sách phát triển nhà ở công nhân

Hội thảo “Nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất" do báo Pháp luật TP.HCM tổ chức mới đây nêu ra một thực trạng đáng báo động. Đó là tình trạng thiếu hụt nhà ở cho công nhân đang làm việc tại các KCX-KCN.

Ông Trần Công Khanh, Trưởng phòng Quản lý các KCN TPHCM (Hepza), cho biết TP.HCM hiện có khoảng 285.000 công nhân đang làm việc tại 17 KCX-KCN. Nếu tính cả các cụm công nghiệp nhỏ lẻ bên ngoài với số lượng 1.600 doanh nghiệp đang hoạt động, số lượng còn lớn hơn, có thể lên đến 380.000 công nhân.

“Trong số 285.000 công nhân đang làm việc tại các KCX- KCM thì có khoảng 65% có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên, thành phố hiện mới chỉ đáp ứng cho khoảng 15.000 người. Do đó, phần lớn công nhân đều phải thuê phòng trọ để giải quyết chỗ ở. Các khu nhà trọ này phần lớn đều chưa đảm bảo điều kiện sinh sống cơ bản cho công nhân”, ông Khanh nhấn mạnh. Theo thống kê hiện đã có 12 nhà lưu trú cho công nhân được huy động từ nhiều nguồn.

Còn tại Long An, một trong những địa phương phát triển mạnh về công nghiệp, hiện có đến 31 KCN quy mô 11.391 ha với 140.000 người lao động nhưng mí chỉ có khoảng 6.000 nhà lưu trú. Như vậy, còn một số lượng rất lớn công nhân phải thuê phòng trọ thiếu thốn tiện nghi trong sinh hoạt hàng ngày.

Theo các chuyên gia, thực trạng này xuất phát từ chính sách đầu tư xây nhà lưu trú cho công nhân chưa hấp dẫn, khiến chủ đầu tư chỉ chăm chăm đầu tư xây dựng nhà máy, chứ không mặn mà đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, còn một thực trạng đáng báo động khác là một số chủ đầu tư đã lợi dụng chính sách khuyến khích, xin chủ trương xây dựng nhà ở công nhân nhưng rồi lại làm nhà ở thương mại, bán ra thị trường.

Điển như tại KCN Cầu Trà (Cần Đước, Long An), chủ đầu tư là Công ty CP Thương mại Dịch vụ Xây dựng và XNK Trung Thành đã xin điều chỉnh giảm 16,74ha đất KCN để chuyển đổi làm khu nhà ở cho công nhân và các công trình phúc lợi xã hội. Thế nhưng, sau khi được chấp thuận chủ trương, doanh nghiệp này đã hợp tác với Công ty CP Bất động sản BNC tiến hành phân lô, bán nền với tên mọi rất mỹ miều “Khu đô thị Thương mại BNC Dragon”.

Một phần đất thuộc KCN Cầu Tràm được "phù phép" thành Khu đô thị thương mại BNC Dragon

Quy trình chuyển đổi từ đất công nghiệp sang đất xây dựng nhà ở cho công nhân, chuyên gia trải qua nhiều sở ngành địa phương, lên tới tỉnh rồi tới Bộ Kế hoạch Đầu tư trình Thủ tướng chấp thuận. Tất cả đều với một lý do rất chính đáng ““Công nhân đã đông và sắp tới sẽ còn tăng thêm nữa.  Do đó, "việc cắt giảm diện tích chuyển thành đất ở cho người lao động và người có thu nhập thấp sẽ tạo điều kiện giải quyết nhà ở cho công nhân đang làm việc tại KCN". Nhưng rồi, chúng lại được bán ra thị trường!

Gỡ “nút thắt” cơ chế

Theo ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Trần Anh Group (Long An), nhu cầu lưu trú của công nhân rất lớn, như KCN Đức Hòa 3 quy mô 1.800ha nhưng không có nhà lưu trú cho công nhân. Đây là “điểm trừ” rất lớn trong thu hút đầu tư của tỉnh Long An vì nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu, hỏi đến khu lưu trú công nhân thì không có nên họ đã bỏ đi.

“Chúng tôi đã đi học hỏi, tìm hiểu mô hình nhà lưu trú công nhân tại Bicamex (Bình Dương) và dự tính sẽ đầu tư 10.000 căn hộ nhà giá rẻ cho công nhân thuê hoặc bán. Nhưng mới đầu tư được 800 căn phải ngưng lại vì thủ tục quá nhiêu khê”, ông Vinh chia sẻ, đồng thời kiến nghị muốn khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân thì thủ tục phải đơn giản hơn, nhanh hơn, nhất là thủ tục cho người mua nhà giá rẻ.

“Chẳng hạn, chỉ cần người lao động đang làm việc tại các KCX-KCN trên địa bàn, có hợp đồng lao động, chưa có nhà là thuộc đối tượng mua, ông Vinh đề xuất.

Cơ chế chính sách vẫn là "nút thắt" lớn nhất trong việc xây dựng nhà ở công nhân

Một trong những chính sách đang được các nhà đầu tư quan tâm, đó là việc quy hoạch các KCN – đô thị - dịch vụ theo Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và khu kinh tế. Đây là mô hình mới cho phép kết hợp phát triển công nghiệp với đô thị hóa, xây dựng các khu dân cư, công trình xã hội, tiện ích đảm bảo sự phát triển bền vững của KCN. Chính vì vậy nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần ban hành hành lang pháp lý để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư mô hình này.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng đề xuất cơ quan chức năng mạnh dạn cho phép nhà đầu tư chuyển một phần đất KCN sang đất xây dựng nhà ở cho công nhân, chuyên gia vì tỷ lệ chỉ chiếm 5-10%. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng: Nếu việc chuyển đổi này diễn ra không minh bạch, sử dụng không đúng mục đích như trường hợp tại KCN Cầu Tràm nêu trên thì hàng ngàn công nhân vẫn sẽ miệt mài thuê trọ!

Có thể bạn quan tâm