Giấy phép tạm thời mà Bộ Thương mại Mỹ vừa ký cho phép Huawei tiếp tục sử dụng phần mềm, thiết bị của Mỹ cho đến ngày 19/8.
Theo Reuters, giấy phép này sẽ cho phép Huawei “thực hiện những hành động cần thiết để tiếp tục cung cấp dịch vụ và hỗ trợ, bao gồm cập nhật phần mềm và các bản vá, tới những thiết bị đã được bán ra trong hoặc trước ngày 16/5”. Giấy phép này cũng cho phép Huawei bảo trì các thiết bị mạng của họ, đồng thời tiếp cận thông tin về lỗ hổng bảo mật từ các nhà sản xuất.
Trước đó vào ngày 15/5, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh đặc biệt cho phép ngăn chặn việc chuyển giao công nghệ tới các đối tượng mà Mỹ cho là nguy hại đến an ninh quốc gia. Ngay sau đó, Bộ Thương mại Mỹ liệt kê Huawei và 70 chi nhánh tại các quốc gia vào một “danh sách đen”, nghiêm cấm các công ty Mỹ giao dịch về công nghệ với Huawei nếu không có giấy phép.
Tuân theo lệnh, vào ngày 20/5, Reuters đưa tin Google đã rút giấy phép sử dụng Android của Huawei. Ngay sau đó, Intel, Qualcomm và Xilinx, những công ty sản xuất chip của Mỹ cũng thông báo nội bộ về việc ngừng giao dịch với Huawei.
Việc Google rút giấy phép khiến Huawei không được tiếp cận các bản cập nhật Android trong tương lai, cũng như không được sử dụng các dịch vụ, ứng dụng của Google. CNN nhận định việc này gần như dập tắt tham vọng trở thành "bá chủ" ngành smartphone của Huawei.
Intel hiện là nhà cung cấp chip lớn nhất cho các máy chủ của Huawei. Qualcomm cung cấp các bộ xử lý và modem trên nhiều mẫu smartphone. Xilinx cung cấp chip lập trình sử dụng trong thiết bị viễn thông, còn Broadcom cung cấp chip chuyển mạch, một linh kiện rất quan trọng.
Theo cây viết Tim Culpan của Bloomberg, hành động của các công ty công nghệ Mỹ dưới yêu cầu từ chính phủ có thể dẫn đến một cuộc "chiến tranh lạnh" về công nghệ, khiến Trung Quốc đổ tiền để cố gắng chạy đua với Mỹ.
>> Sau Google, Huawei sắp trở thành "nạn nhân" của hãng công nghệ nào?