Theo tính toán của WB, nếu dự thảo chính sách thuế tài sản mà Bộ Tài chính mới công bố gần đây có hiệu lực, khoảng 1,8 triệu hộ gia đình Việt Nam sẽ chịu tác động, trong đó có khoảng 23.000 hộ nghèo bị ảnh hưởng.
"Tuy nhiên, theo các chuyên gia WB, mặc dù tác động đến số ít các hộ nghèo, song tỷ lệ số thuế nhà phải nộp so với thu nhập của hộ nghèo (0,83%) lại cao hơn tỷ lệ này của hộ gia đình giàu có (0,58%). Tổng số thu dự kiến sẽ đóng góp khoảng gần 3.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.
Theo ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB, thuế tài sản không chỉ là nguồn thu mà còn là công cụ góp phần nâng cao tính công bằng và hiệu quả, trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương, góp phần phát triển thị trường nhà đất, cơ sở hạ tầng.
Chuyên gia của WB đánh giá nếu thực hiện chính sách thuế này, Việt Nam còn nhiều dư địa khi hiện nay thuế tài sản chỉ chiếm 0,04% GDP, trong khi ở các nước có nền kinh tế chuyển đổi tỷ lệ này là 0,5% và ở các nước đang phát triển là 2%.
Do vậy, phía WB cho biết số thu từ chính sách này ở Việt Nam sẽ không lớn, trong khi chi phí quản lý thuế là không nhỏ (chiếm từ 10- 20% số thu). Để thực hiện, WB cho rằng Việt Nam cần tiếp tục gia cố chính sách thuế theo từng giai đoạn, xem xét cách tính thuế theo giá trị tuyệt đối hoặc theo tỷ lệ giá trị tài sản,...
Đặc biệt ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam nhấn mạnh lợi ích của chính sách thuế tài sản không thể chỉ hướng tới nguồn thu mà phải đi kèm với trách nhiệm và đề cao trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở với người dân trong sử dụng số thuế này đầu tư vào hạ tầng. Việt Nam cũng không nên thực hiện chính sách thuế này một cách đơn lẻ mà đặt trong cải cách hệ thống chính sách tài chính nói chung thì mới đạt được mục tiêu.