Khi biết tôi khó sắp xếp việc gia đình để nhập học Viết văn Nguyễn Du khóa 3, nhà văn Nguyễn Thành Long - một trong hai nhà văn chấm tác phẩm của tôi viết cho tôi một lá thư dài, trong đó có đoạn “…Nếu muốn thành nghề, trở thành một nhà văn thì cháu phải cố gắng để lên học…”
Tôi luôn luôn nhớ tới và cám ơn lá thư cùng sự động viên chân thành sâu sắc của nhà văn Nguyễn Thành Long - bởi chính điều ấy đã thêm động lực giúp tôi bước vào khóa IV - trường Viết Văn Nguyễn Du để được học, chia sẻ và được truyền cảm hứng từ những người thầy, những nhà văn mình yêu quý, để có đủ dũng khí bước tiếp con đường khó khăn và nhọc nhằn đã chọn…
Và một trong những người thầy đã truyền cho tôi kiến thức, tầm nhìn và dũng khí ấy là giáo sư Phạm Vĩnh Cư.
Bước vào trường, vào những giờ giảng của thầy Cư - với tôi – là những ấn tượng không bao giờ quên. Không chỉ trao truyền cho chúng tôi kiến thức, dường như thầy còn gỡ bỏ cho tôi những tấm chắn đâu đó phía chân trời, xóa bỏ những quan niệm xưa cũ, những ràng buộc vướng víu của một thời, giúp tôi tự lựa chọn một cách nhìn, trao cho tôi sự tự tin vào chính sự lựa chọn của mình!
Tôi mê Lev Tolstoy và “Chiến tranh và hòa bình” từ khi còn là cô bé 14 -15 tuổi. Với tâm thế của những cuốn sử thi về chiến tranh và anh hùng ca, tôi bất ngờ với những điều thầy Cư giảng – hay nói đúng hơn là chia sẻ của thầy về Dostoievski “Dostoievski, đólà nướcNga. Không có Dostoievski thì không có nước Nga…” (A.Remizov ) Tôi thêm một lần được nhìn thấy tinh thần Nga, tâm hồn Nga và cao hơn nữa – đó là tinh thần của nhân loại trong một ánh sáng khác: “Đừng sợ tội lỗi của loài người. Hãy yêu con người ngay trong tội lỗi của nó, bởi vì cái đó mới tương tự với tình yêu của Chúa Trời và là tột đỉnh của tình yêu trên mặt đất.”(Dostoievski -Sự nghiệp và di sản – PVC). Tôi nhận ra và thấu hiểu một điều - văn chương là gì nếu không thể hiện tình yêu thương và sự bao dung? Nói về cái ác, mổ xẻ nó phải chăng chính là xót thương và cảnh báo, lay động tâm can con người hướng về cái thiện.
Dostoievski với những tác phẩm của ông “Anh em nhà Karamazov” “Tội ác và trừng phạt” “Chàng ngốc”…(dù muộn, thông qua thầy Cư) đã chinh phục tôi, bởi tư duy của Đốt mà thầy đã khái quát: “ở những mối bận tâm, những tìm tòi định hướng tinh thần, những chiều sâu nhân bản mới, những khía cạnh chân lý vĩnh hằng trước đây còn ẩn khuất” (Dostoievski - sự nghiệp và di sản – PVC). Dường như từ sau đó tôi đọc Đốt dưới một ánh sáng khác - tự do hơn – nhân văn hơn. Cái nhìn của tôi cũng vì thế rộng mở, bao dung và sâu sắc hơn về con người và cuộc sống. Bắt đầu cho sự trăn trở về thân phận người mang trong đó có cả ánh sáng và sự tăm tối của vũ trụ… Một sự thật mới, sâu sắc và phức tạp hơn xưa rất nhiều mà thầy Cư và các thầy ở trường “khai phá” cho chúng tôi, cho tôi! Tôi nhận ra tất cả những gì một chiều, lý tưởng hóa, cả tin, ngây thơ và lãng mạn…đã qua, nhường chỗ cho sự tự vấn, cho những nghĩ suy có lúc phá cách. Đó là sự khuyến khích tự đào sâu vào suy nghĩ, rốt ráo tìm cách trả lời những câu hỏi mà không phải của một ngày, một đời hay của một thời đại. Luôn luôn là sự tự nhận thức lại của nhà văn mà chính cuộc đời văn nghiệp đòi hỏi. Phải chăng vì thế mà anh ta cứ đi tìm và lý giải, suốt đời, suốt trong các tác phẩm của mình những vấn đề mang tính cá nhân (những tiểu vũ trụ) và rộng ra là tính dân tộc và cao hơn nữa mang tính trường cửu của nhân loại. Con người, đặc biệt là những người viết sẽ ra sao nếu không tự thắc mắc những điều có lý và phi lý trong cuộc đời mà mình chứng kiến của một thời đại đang thay đổi chóng mặt?! Suy cho cùng - tự do thật sự trong suy nghĩ không theo lối mòn định sẵn, không bị chi phối bởi điều gì, bởi ai, hay bởi chính mình – là điều tối cần thiết trong sáng tạo. Từng bước một, thầy đã thổi vào chúng tôi luồng gió mới lạ lùng khoáng đạt và đầy say mê như thế.
Thực sự tôi có cảm nhận như mình được đặt trong một không gian suy nghĩ mới đầy Tự do: “Không có tự do thì không còn con người, nhưng chỉ có tự do trong chân lý mới nâng cao con người, các con đường tự do khác đều dẫn nó đến bại vong. Tự do khó biết bao nhưng cũng tương xứng biết bao với phẩm giá con người!” Sau này tôi đọc lại những ý tưởng ấy của thầy Cư trong bài tiểu luận (Dostoievski - sự nghiệp và di sản) và thấy mừng là tôi và bạn bè đã được thầy chia sẻ từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Tôi có cảm giác chỉ với mấy giờ đứng lớp nhưng thầy có lẽ đã nghiên cứu, đã trăn trở với Đốt gần như cả cuộc đời mình: “Con người là một bí ẩn. Cần tìm ra bí ẩn ấy và nếu có tìm suốt đời thì cũng đừng cho là đã mất thì giờ. Tôi vật vã với nó, vì tôi muốn làm người” (Dostoievski -sự nghiệp và di sản). Thầy Cư có lẽ cũng là một mẫu người vật vã vì những nghiên cứu những kiến giải và chiêm nghiệm qua từng con chữ của mình. Còn với chúng tôi có lẽ sự “giày vò về sự bất hoàn thiện của thế giới và con người, khao khát tìm ra nguồn gốc siêu lý của tội lỗi và cái ác” của Đốt đã giúp nhìn rõ hơn bản chất cuộc sống, thấy rõ hơn phải tự mình thay đổi mình, phải viết khác đi như cuộc sống vốn thế, chứ không phải như mình nghĩ, mình muốn!Tôi nhớ mãi những bài giảng của thầy Cư về Đốt, nhớ những điều thầy nói ngoài tác phẩm – đó là sự hiện diện giàu hiệu ứng của Đốt: thần học, triết học, đạo đức học, tâm lý học, chính trị học, luật học…Chính vì vậy, những bài giảng của thầy Cư không chỉ là truyền bá kiến thức – mà cao hơn, quý hơn – đó là sự khai mở, là giúp học viên của mình bước từ con đường cũ sang một con đường mới với những xác tín thay đổi nếu không muốn nói là thay đổi hoàn toàn!
Tôi còn nhớ mình đã chờ đợi và háo hức với những bài giảng của thầy thế nào. Cách đây không lâu, khi dọn tủ sách, tôi còn tìm thấy cuốn vở ghi chép những bài giảng của thầy và ngồi hàng giờ để đọc lại chúng. Quả thực những điều quý giá thì vẫn còn tồn tại mãi! Tôi vẫn giữ cuốn kinh Tân ước mà thầy đưa cho ngày ấy và vẫn đọc đi đọc lại nhiều lần. Vẫn nhớ cái cách thầy nói về Đốt và tình yêu thương vô bờ bến đối với con người của ông: “ KiTo vẫn luôn luôn là điểm khởi nguyên và điểm kết thúc của mọi ý tưởng ở Dostoievski: “Ta hiểu vì sao Dostoievski yêu đến thế cả những nhân vật tội lỗi đến quái đản của mình. Tất cả họ đều là những linh hồn sống, họ đòi tìm ý nghĩa cuộc sống, ý nghĩa ấy phải ở bên trong, chứ không phải bên ngoài họ. Phẩm giá cái đáng nể, đáng kính trọng của họ là ở đấy…”và khao khát của ông mà thầy vẫn nhấn mạnh “Đó là sự phục sinh của toàn thể loài người cho một cuộc sống tận thiện tận mỹ bất tử!”
Có lẽ thầy Cư là một trong những chuyên gia về Đốt nhiệt thành, sâu sắc tận tâm nhất và ông luôn luôn mong muốn truyền điều ấy cho học trò và bạn đọc của mình. Những bài giảng của ồng về Đốt với tôi - chỉ riêng thế đã đặt ông vào vị trí người thầy thật đặc biệt, người thầy truyền cảm hứng sáng tạo và gợi mở nhiều điều. Chưa kể đến những công trình nghiên cứu và giảng dậy của giáo sư Phạm Vĩnh Cư về M.Bakhtin, Gogol, Valadimir Soloviev…hoặc những vấn đề về văn học Việt Nam. Trong tham luận “Văn học và sự lắng nghe từ dân tộc mình” đọc tại Hàn Quốc tôi đã tâm đắc và trích dẫn ý kiến của thầy Phạm Vĩnh Cư về cá nhân, dân tộc và nhân loại trong ba cấp độ liên hoàn của một trật tự hoàn chỉnh, trong một vũ trụ con người…Tôi cho rằng, những điều thầy chia sẻ luôn đồng hành bên người viết như tôi, vì thế. Tôi một lần nữa xin được nhấn mạnh cảm nhận của mình rằng – thầy Cư để giảng dậy một giờ hoặc viết một tiểu luận nhưng chắc chắn dành rất nhiều thời gian nghiên cứu, đặt hết tâm huyết và khả năng kiến giải của mình vào đó. Trong thời đại tôn sùng vật chất đầy xô bồ của chúng ta thì đó là một điều vô cùng đáng quý, không, đúng hơn là cao quý và thật ngưỡng mộ.
Là học trò tôi xin kể một chút về người thầy yêu quý của cả khóa. Hồi ấy chúng tôi vẫn gọi vụng đằng sau ông với biệt danh Bá tước, bởi dáng vẻ lịch duyệt, bởi thứ tiếng Nga rất tuyệt mà ông dùng “nghe nói Nga hơn cả người Nga” và những kiến thức uyên thâm mà ông bao giờ cũng sẵn lòng chia sẻ.
Thưa giáo sư Phạm Vĩnh Cư – Xin cho em một lần nữa được nói lời cảm ơn thầy - người thầy với đầy đủ ý nghĩa và vị bá tước mà chúng em học viên của khóa IV Trường Viết văn Nguyễn Du luôn luôn ngưỡng mộ và yêu quý!
Nhà văn Thuỳ Dương