Dường như, mọi bước đi của nữ doanh nhân này, từ khi cầm phấn viết bảng đến khi trở thành doanh nhân ghi dấu với Tổ hợp giáo dục Equest hay Hanoli và đặc biệt là các hoạt động từ thiện, đều gắn liền với một chữ: “GIÁO”.
Doanh nhân Bùi Tú Ngọc từng là giáo viên Tiếng Anh tại trường THCS Giảng Võ – Hà Nội. Cuộc sống của một giáo viên – người mẹ của hai đứa con gái nhỏ là động lực để chị cùng thành lập Tổ hợp giáo dục Equest và bây giờ là tự mình kinh doanh dầu oliu với vai trò là “đại sứ oliu Hy Lạp” tại Việt Nam.
Ngỡ, công việc kinh doanh sẽ chiếm hết thời gian của chị khi đến bây giờ, chị Ngọc vẫn dành thời gian dạy tiếng Anh vào các buổi tối trong tuần. Nhưng sự bận rộn ấy không làm chị Ngọc từ bỏ một “công việc” gắn bó nhiều năm qua: giúp đỡ trẻ em tại các vùng sâu vùng xa như Hà Giang, Sơn La, Yên Bái,… mà theo như chị nói, là để “trẻ em vùng cao có cơ hội thay đổi cuộc đời”.
Từ chữ “TÂM”…
Khi được hỏi về động lực khiến chị duy trì các hoạt động từ thiện trong khi vẫn điều hành DN và đảm đương vai trò của người mẹ - người bà trong gia đình, chị Ngọc chỉ nói “rất gọn” trong hai từ: truyền thống.
“Trở thành doanh nhân mang đến cho tôi 3 điều: Động lực để phá vỡ rào cản của chính mình; Lý do thúc đẩy những tiềm năng của bản thân và Cơ hội để giúp đỡ nhiều người bằng chính sức mình” - Doanh nhân Bùi Tú Ngọc
“Một sự kiện đã in sâu vào tâm trí khi tôi chỉ là một cô bé tầm 7 tuổi. Một ngày, có một người đàn ông xa lạ xuất hiện trước gia đình tôi, quỳ sụp trước mặt bà ngoại tôi, nói rất xúc động hai từ “cảm ơn”. Hỏi ra mới biết, trong những ngày nạn đói năm 1945 hoành hành, ông ngoại tôi làm trong Sở lương thực của thành phố. Cứ mỗi lần đi kiểm tra kho lương thực hay nhân lúc phu khuân vác chuyển gạo vào kho hoặc từ thuyền xuống, ông luôn cố tình dùng xiên chọc vào các bao gạo một cách kín đáo (vì nếu quân Nhật biết thì cũng dễ bị đuổi việc hoặc thậm chí mất mạng). Khi gạo rơi xuống đất, ông bảo những người công nhân vun lại mang về cho bà tôi sàng, sảy sạch sẽ để nấu và nắm thành từng nắm nhỏ có miếng cà bên trong. Mỗi sáng, bà để hai thúng trước cửa nhà (trước cửa nhà thương Phủ Doãn - Bệnh viện Việt Đức bây giờ) để người bị đói lấy ăn. Người đàn ông lạ mặt ấy nói rằng, nhờ có nắm cơm của ông bà tôi mà rất nhiều người, trong đó có ông, mới sống sót qua nạn đói khủng khiếp đó. Câu chuyện khiến tôi cảm nhận được giá trị lớn lao khi giúp đỡ người khác”, chị Ngọc kể lại.
Đến chữ “Thức”
Nghe chị Ngọc kể về con đường kinh doanh của mình, có thể cảm nhận một sự sâu sắc trong tâm hồn chị: từ nguyên nhân khiến chị mở Tổ hợp giáo dục Equest đến cơ duyên kinh doanh dầu ô liu.
Tổ hợp giáo dục Equest, đối với chị, là giúp các học sinh Việt Nam tự tin khi có thể tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến của thế giới thông qua những gói học bổng du học. “Học sinh Việt Nam hoàn toàn có khả năng học tập tại các trường đại học hàng đầu thế giới. Nếu cha mẹ không có tiền để đầu tư, hãy khiến chính những ngôi trường đó tự đề xuất trao học bổng cho chúng”, chị Ngọc nhấn mạnh.
“Hanoli luôn trích 1% doanh thu mỗi năm để hoạt động từ thiện. Chúng tôi không gây dựng quỹ. Đó chỉ là một hành động mà Hanoli muốn dành tặng cho các trẻ em khó khăn.” - Doanh nhân Bùi Tú Ngọc
Thậm chí, việc xây dựng thương hiệu Hanoli, cũng bắt nguồn từ ý nghĩ “cải thiện thể trạng” cho thế hệ trẻ. “Cội nguồn của việc kinh doanh dầu oliu chính là hướng đến một sản phẩm chất lượng vì sức khoẻ của cộng đồng và sâu xa hơn là vì sức khoẻ của thế hệ trẻ. Tôi thấy, vóc dáng của thế hệ Việt Nam nhìn chung đều thua các nước châu Á chứ đừng nói đến các nước châu Âu. Thế hệ Việt Nam bây giờ không chỉ cần kiến thức còn phải có sức khoẻ. Mỗi một gia đình khoẻ mạnh mới có thể tạo nên xã hội tốt đẹp hơn”, chị Ngọc tiếp tục nhấn mạnh.
Các hoạt động từ thiện của chị được bắt đầu từ năm 2008 với các chuyến đi dạy học độc lập tại các trường học ở Đà Bắc (Hòa Bình). Sự kết hợp dài lâu với nhóm “Giỏ Thị” tới xã Bát Xát - Lào Cai, “Quỹ Mãi mãi tuổi 20” tới các vùng thâm sơn cùng cốc tại Nghệ An - Quảng Trị, “Câu lạc bộ Mer-C” tại Sơn La, Bắc Cạn hay hoạt động độc lập tại Đồng Văn - Hà Giang từ năm 2015… cũng không chỉ dừng lại ở sự giúp đỡ vật chất đơn thuần.
“Chúng tôi không hỗ trợ các em nhỏ bằng tiền bạc mà bằng các đồ dùng thiết thực như quần áo, đồ dùng sinh hoạt tại trường từ cấp mầm non đến trung học cơ sở. Chúng tôi kết nối với trường trung cấp kinh tế du lịch Hoa Sữa tại Hà Nội để tạo điều kiện cho các em được học nghề tại Hà Nội. Mục đích là để các em thoát khỏi môi trường sống hiện nay, nhìn thấy sự phát triển của xã hội để thay đổi nhận thức, dấy lên khát khao đổi đời cho chính mình. Tôi cung cấp cho các em “cần câu” để tự nuôi mình và giúp đỡ gia đình. Các em sẽ lan tỏa ước muốn ấy tới các bạn đồng trang lứa trong bản làng hay anh chị em mình. Thời gian để làm những điều này không tính bằng ngày mà tính bằng năm. Tuy lâu nhưng ba mẹ các em sẽ cảm nhận được con em họ đang có một cuộc sống tốt hơn từng này. Dần dần, họ sẽ tin tưởng, tự chuyển biến nhận thức để thay đổi cuộc sống của chính họ”, chị Ngọc nói.
Bạn sẽ không thể làm được điều gì nếu bạn không khát khao. Bạn cũng sẽ không thể thay đổi cuộc sống nếu bạn không hành động. Từ ước mơ và nỗ lực, từ khát khao và dám hành động, bạn mới có thể thay đổi cho chính cuộc đời mình. Đó là điều mà cô giáo – doanh nhân Bùi Tú Ngọc nhấn mạnh rất nhiều lần trong suốt cuộc trò chuyện với Thương Gia.
Doanh nhân xuất thân từ một nhà giáo như chị Ngọc luôn có một sự khác biệt. Chị kinh doanh bằng cái tâm với mong muốn mang đến những sản phẩm chất lượng cho sức khoẻ, nâng cao kiến thức tiêu dùng và sau cùng là “tầm nhận thức” của mọi người.
Cứ lắng nghe theo lời chia sẻ của chị, bất kỳ ai cũng tin rằng, sâu thẳm trong trái tim của nữ doanh nhân ấy là mong mỏi giúp trẻ em ở mọi miền Tổ quốc đều có thể sống cuộc sống tươi sáng hơn…