Máy ATM dễ bị quá tải dịp cuối năm, do nhu cầu rút tiền tăng đột biến. Ảnh: Đức Thanh
Nhu cầu tiền mặt tăng vọt
Thời điểm cuối năm, nhu cầu giao dịch, thanh toán bằng tiền mặt của người dân tăng cao, nhất là tại các tỉnh tập trung nhiều KCN. Chẳng hạn, tại Bắc Ninh - địa phương có tới hơn 100.000 công nhân - áp lực rút tiền mặt càng vào cuối năm càng lớn.
Bà Đào Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh Bắc Ninh cho biết, do lường trước được nhu cầu tiền mặt thường tăng vọt vào cuối năm, NHNN tỉnh đã chủ động phương án tiền mặt để đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời, với cơ cấu mệnh giá hợp lý, cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
“NHNN tỉnh cũng đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn chủ động xây dựng phương án cụ thể để đáp ứng kịp thời nhu cầu tiền mặt của doanh nghiệp và khách hàng, chủ động phương án tiền mặt cho máy ATM, chủ động phương án dự phòng để tránh gây ách tắc”, bà Phượng nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại những địa phương tập trung nhiều KCN như Bắc Ninh, Bắc Giang…, cảnh tắc nghẽn hay quá tải tại các máy ATM chưa diễn ra, dù nhu cầu rút tiền có tăng hơn trước. Chị Hằng, một công nhân tại KCN Vân Trung (Bắc Giang) cho biết, giờ tan ca, những ngày nhận lương, ATM có hơi đông và phải xếp hàng, song tình trạng máy ATM hết tiền, nghẽn mạng… đã giảm hẳn so với trước.
Bà Lê Thị Hoàng Hà, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh Bắc Giang cho biết, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 16 ngân hàng thương mại cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ; 159 máy ATM, tăng 11 máy so với trước.
“Vài năm gần đây, hoạt động của máy ATM trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có chuyển biến tích cực. Tại các KCN và các địa bàn đông dân cư, hoạt động của máy ATM được đảm bảo thông suốt, các ngân hàng luôn theo dõi định mức tồn quỹ và xử lý kịp thời khi máy ATM có sự cố”, bà Hà cho biết.
Ngân hàng lên kế hoạch “trực chiến”
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, nhiều ngân hàng cho biết đã chuẩn bị mọi phương án sẵn sàng cung ứng kịp thời tiền mặt cho người dân, doanh nghiệp trong dịp Tết.
Ông Nguyễn Trọng Chí, Phó giám đốc Ngân hàng Agribank Chi nhánh Bắc Ninh cho biết, Agribank hiện có 35 máy ATM trên toàn tỉnh. Ngay từ bây giờ, Ngân hàng đã yêu cầu bộ phận quản lý ATM cử cán bộ trực theo dõi thường xuyên mức tồn quỹ ATM, kịp thời tiếp tiền để không xảy ra tình trạng máy hết tiền.
“Chúng tôi phối hợp với các nhà mạng và đơn vị bảo trì, đảm bảo máy ATM hoạt động thông suốt, không phát sinh hỏng hóc trong dịp Tết, có cán bộ trực 24/24 về kỹ thuật và đường dây nóng để tiếp nhận phản hồi của khách hàng khi có sự cố xảy ra”, ông Chí nói.
Tương tự, tại Bắc Giang, Ngân hàng Vietcombank - ngân hàng có hệ thống máy ATM lớn nhất trên địa bàn, chủ yếu nằm ở các KCN - cũng đang tăng mức độ tiếp tiền cho các máy ATM. Ông Trần Xuân Dũng, Phó giám đốc Vietcombank Bắc Giang cho hay, ngân hàng này đã bổ sung nhân sự cho bộ phận ATM để cán bộ có thể tra soát, giám sát, theo dõi tất cả các máy ATM, kịp thời phát hiện sự cố hay dấu hiệu sắp hết tiền để xử lý kịp thời. Công tác bảo trì, bảo dưỡng máy ATM, đường truyền, camera cũng được thực hiện thường xuyên hơn trong dịp giáp Tết, để tránh xảy ra trục trặc, sự cố.
Mặc dù tăng cường nhân lực và lượng tiền sẵn sàng tiếp tế cho ATM dịp áp Tết, song các ngân hàng đều thừa nhận, áp lực giao dịch trên ATM gần Tết rất cao, khả năng quá tải có thể xảy ra ở một số thời điểm. Chỉ tính riêng một công ty may, giờ tan tầm có 6.000 công nhân ra cùng rút tiền thì cảnh quá tải là khó tránh. Chưa kể, mỗi KCN không chỉ có một công ty.
Chính vì vậy, các ngân hàng khuyến nghị doanh nghiệp khi chi tiền lương, thưởng Tết, cần có kế hoạch sớm để tránh tạo áp lực quá lớn lên ATM. Mặt khác, các ngân hàng cũng phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để chi trả tiền mặt cho doanh nghiệp trả lương, thưởng trong trường hợp cần thiết.
“Dịp Tết Nguyên đán năm ngoái, chúng tôi phối hợp với một số doanh nghiệp để chi trả lương, thưởng cho công nhân, người lao động ngay tại đơn vị. Trong đó, Công ty May Bắc Giang có gần 13.000 công nhân, chúng tôi chi trả lương thưởng trực tiếp tới 110 tỷ đồng; Công ty cổ phần May Yên Thế, với gần 2.000 công nhân, chúng tôi chi khoảng 17 tỷ đồng… Năm nay, nếu các doanh nghiệp trả lương quá cận Tết và có nhu cầu trả tiền mặt để công nhân đỡ phải ra rút tiền tại máy ATM, chúng tôi cũng sẽ đáp ứng”, ông Dũng cho biết.
Dù có rất nhiều kịch bản đối phó với nguy cơ ATM quá tải, nghẽn mạng, song các ngân hàng cũng khuyến cáo, người dân nên rút lượng tiền mặt hợp lý đủ để chi tiêu trong dịp Tết, tránh rút thừa dẫn tới lãng phí. Đồng thời, nên lựa chọn hình thức thanh toán qua Mobile Banking, Internet Banking.