Nhà đầu tư có thể kỳ vọng khả năng nới rộng nhịp hồi phục của thị trường

Nhà đầu tư có thể kỳ vọng khả năng nới rộng nhịp hồi phục nhưng vẫn cần quan sát diễn biến cung cầu để đánh giá trạng thái thị trường, tận dụng diễn biến hồi phục để chốt lời ngắn hạn hoặc cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro...

Phiên giao dịch ngày 15/1 kết thúc với sắc xanh bao phủ toàn thị trường, khi cả ba chỉ số chính đều tăng điểm, phản ánh tâm lý lạc quan của nhà đầu tư. Chỉ số VN-Index tăng 0,58%, tương ứng 7,11 điểm, đóng cửa ở mức 1.236,18 điểm.

Thanh khoản đạt hơn 466 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch lên tới 10.390 tỷ đồng. VN30-Index tăng mạnh hơn 8điểm (0,65%), kết thúc tại 1.297,64 điểm với giá trị giao dịch 4.389 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index tăng 0,58%, đóng cửa ở mức 219,55 điểm, khối lượng giao dịch đạt hơn 62 triệu cổ phiếu với giá trị 881 tỷ đồng. UPCoM-Index tăng nhẹ 0,17%, chốt phiên tại 92,27 điểm, khối lượng giao dịch đạt hơn 27 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 388 tỷ đồng.

Những cổ phiếu lớn dẫn dắt đà tăng của VN-Index hôm nay bao gồm MSN, tăng mạnh 2.100 đồng (3,3%), đóng góp 0,75 điểm; HVN tăng 1.000 đồng (3,96%), đóng góp 0,55 điểm; và HPG tăng 350 đồng (1,35%), mang lại 0,55 điểm cho chỉ số. VPB và GVR cũng ghi nhận mức tăng lần lượt 1,38% và 1,62%, tiếp tục củng cố sắc xanh trên thị trường.

Ngược lại, một số cổ phiếu lớn vẫn chịu áp lực điều chỉnh nhẹ. VCB giảm 300 đồng (-0,33%), làm mất 0,41 điểm khỏi VN-Index; CTG giảm 200 đồng (-0,54%), ảnh hưởng tiêu cực 0,26 điểm. LGC và BCM lần lượt giảm 6,87% và 1,14%, làm giảm 0,20 điểm mỗi mã. STB giảm nhẹ 300 đồng (-0,85%), nhưng không ảnh hưởng nhiều đến xu hướng chung của thị trường.

Phiên giao dịch hôm nay khép lại với sắc xanh lan tỏa trên hầu hết các nhóm ngành, phản ánh tâm lý tích cực của nhà đầu tư khi dòng tiền đổ mạnh vào các cổ phiếu trụ cột. Chỉ số VN-Index tăng điểm vững chắc, nhờ sự hỗ trợ từ các nhóm ngành chủ chốt như tài nguyên cơ bản, xây dựng và vật liệu, cùng các mã cổ phiếu lớn trong ngành ngân hàng, bất động sản.

Xây dựng và vật liệu là nhóm ngành ghi nhận mức tăng ấn tượng dẫn đầu thị trường với chỉ số tăng 1,29%. Nhiều cổ phiếu nổi bật như FCN, HT1, HVH, CTI đều đóng cửa trong sắc tím.

Ngoài ra, các mã khác tăng tích cực như HHV (+5,93%), MST (+2,9%) KDM (+9%) và LCG (+5,53%) thu hút dòng tiền mạnh mẽ. Cổ phiếu VCG và C4G cũng tăng lần lượt 5,12% và 5,2%, phản ánh sự quan tâm lớn của nhà đầu tư vào các mã hưởng lợi từ đầu tư công.

Nhóm hóa chất tăng 1,03%, với các mã như GVR (+1,62%), PLC (+3,7%), DGC (+0,4%), AAA (+0,9%) và VTZ (+1,19%) đóng góp tích cực. Ngành tài nguyên cơ bản tăng 0,86%, dẫn đầu bởi KSB (+5,29%) và NKG (+4,91%). Các cổ phiếu thép như HPG (+1,35%) và HSG (+2,63%) cũng góp phần làm sôi động ngành này.

Ngành thực phẩm và đồ uống tăng 0,84%, với MSN (+3,3%) và PAN (+4,59%) dẫn đầu đà tăng. SAB và VHC cũng ghi nhận mức tăng lần lượt là 0,92% và 1,06%, củng cố sắc xanh cho toàn ngành.

Ngành ngân hàng tăng 0,33%, với các mã nổi bật như HDB (+2,36%), VPB (+1,38%), và MSB (+1,4%). Tuy nhiên, một số cổ phiếu lớn như CTG (-0,54%) và VCB (-0,33%) ghi nhận mức giảm nhẹ, nhưng không ảnh hưởng lớn đến xu hướng chung.

Bất động sản tăng 0,5%, với các mã đáng chú ý như NVL (+2,79%), KBC (+3,28%), và PDR (+2,17%). Dù vậy, BCM (-1,14%) và IDC (-0,56%) chịu áp lực bán, khiến đà tăng của ngành bị kìm hãm phần nào. Các mã nhỏ như VRE (+2,48%) và CEO (+3,45%) cũng thu hút dòng tiền đáng kể.

Dịch vụ tài chính tăng 1,12%, nhờ sự dẫn dắt của SHS (+3,57%) và VIX (+2,32%). Đặc biệt, SBS tăng trần (13%). Các mã lớn như SSI (+0,84%), HCM (+1,27%), và VND (+1,78%) đều tăng điểm, cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư vào ngành này.

Công nghệ thông tin và dầu khí đều tăng nhẹ lần lượt 0,31% và 0,37%, với PLX (+0,63%) và OIL (+1,58%) là những điểm sáng trong nhóm dầu khí. FPT, cổ phiếu lớn của ngành công nghệ thông tin, cũng tăng 0,28%, ELC (+ 0,8%), CMG (+0,7%), SAM (+2,1%) thể hiện sự ổn định của ngành này.

Diễn biến chỉ số VN-Index trong thời gian qua

Sự hồi phục sẽ tiếp tục có sự phân hóa giữa các nhóm ngành

Chứng khoán AIS

Chỉ số VN-Index ghi nhận diễn biến tích cực từ đầu phiên và duy trì đà tăng cho tới hết phiên. Với việc thanh khoản vẫn còn ở mức thấp (dưới mức trung bình 20 phiên gần nhất), chúng tôi cho rằng sự hồi phục sẽ tiếp tục có sự phân hóa giữa các nhóm ngành.

Điểm tích cực là VN-Index vẫn duy trì vận động trong vùng cân bằng 1.220-1.235 điểm và không xuất hiện áp lực bán gia tăng. Kháng cự gần nhất của đợt hồi phục lần này là khu vực 1.245-1.250 điểm (quanh vùng giá trị đường MA50 ngày). Các vị thế chốt lời ngắn hạn, hoặc cơ cấu cổ phiếu yếu trong danh mục nên được cân nhắc khi VN-Index tiếp cận vùng kháng cự này.

Nhiều khả năng diễn biến giằng co chưa sớm kết thúc

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Chỉ số VN-Index phục hồi nhẹ trở lại trong phiên 15/1 với độ rộng nghiêng nhiều về các mã tăng. Trạng thái bán chủ động áp đảo phần nào đã có sự hạ nhiệt khi xuất hiện lực cầu đẩy giá biên độ rộng ở một số nhóm ngành và phe mua đã cho thấy tín hiệu cố gắng kiểm soát hoạt động giao dịch. Mặc dù vậy, dòng tiền vẫn khá thận trọng ở nhóm vốn hóa lớn, nên nhiều khả năng diễn biến giằng co chưa sớm kết thúc.

Cân nhắc tiếp tục giải ngân từng phần với các cổ phiếu lớn

Chứng khoán Asean

Chúng tôi cho rằng, thị trường chứng khoán trong nước vẫn sẽ theo diễn biến rung lắc là chủ đạo, nhưng sẽ có nhịp hồi trong các phiên sắp tới khi tâm lý tiêu cực về sự bất ổn của các yếu tố vĩ mô, cũng như kỳ vọng về áp lực lạm phát đối với các chính sách của ông Trump sau khi nhậm chức đã phản ánh vào biến động của các thị trường thời gian vừa qua.

Đồng thời, những bất ổn này đã và đang đi vào giai đoạn cuối cùng. Nhà đầu tư có thể cân nhắc tiếp tục giải ngân từng phần với các cổ phiếu lớn có nền tảng cơ bản và triển vọng kinh doanh tích cực, sẵn sàng lượng tiền mặt để thiết lập vị thế chắc chắn khi thanh khoản thị trường đang cạn kiệt và định giá rất hấp dẫn.

Nhà đầu tư có thể kỳ vọng khả năng nới rộng nhịp hồi phục

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)

Thị trường hồi phục và quay lại vùng 1.235 – 1.240 điểm sau diễn biến lùi bước với thanh khoản thấp trong phiên trước. Thanh khoản tăng so với phiên trước, cho thấy dòng tiền có động thái hỗ trợ thị trường.

Thị trường đã được nâng đỡ và dần nới rộng nhịp hồi phục sau tín hiệu hỗ trợ ngày 13/1/2025. Động thái nâng đỡ này có thể sẽ tiếp diễn trong thời gian tới để tạo thêm cơ hội thăm dò cung cầu tại vùng hỗ trợ mà thị trường đã đánh mất trong ngày 10/1/2025, vùng 1.243 điểm.

Do vậy, nhà đầu tư có thể kỳ vọng khả năng nới rộng nhịp hồi phục nhưng vẫn cần quan sát diễn biến cung cầu để đánh giá trạng thái thị trường. Tạm thời có thể tận dụng diễn biến hồi phục của thị trường để chốt lời ngắn hạn hoặc cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Có thể bạn quan tâm