Mặc dù những thông tin về đàm phán thuế có triển vọng, thị trường tài chính thế giới phục hồi, nhưng thị trường VN-Index tiếp tục giảm điểm mạnh dưới áp lực bảo vệ tài sản và áp lực giải chấp dư nợ ký quỹ trong phiên giao dịch ngày 8/4.
VN-Index tạo khoảng trống giảm giá ngay từ đầu phiên, với rất nhiều mã tiếp tục bị bán mạnh ở giá sàn. Kết phiên, VN-Index giảm mạnh -77,88 điểm (-6,43%) về mức 1.132 điểm. VN30 giảm -83,01 điểm (-6,48%) về mức 1.197 điểm. VN-Index đang quay trở lại vùng giá cuối năm 2023.
Độ rộng trên HOSE nghiêng về tiêu cực, bi quan và sợ hãi với 349 mã giảm giá, 254 mã giảm hết biên độ với dư bán mạnh, chỉ có 9 mã tăng giá và 12 cổ phiếu giữ giá tham chiếu. Thanh khoản thị trường giảm khá mạnh so với phiên trước, với khối lượng giao dịch giảm -43,65% trên HOSE. Tuy nhiên, điều này thể hiện sự tê liệt thanh khoản ở rất nhiều mã, nhóm mã khi dư bán giá sàn, lực cầu ngắn hạn chưa gia tăng.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh với giá trị -1.727 tỷ đồng trên HOSE trong phiên hôm nay. đây cũng là phiên thứ 3 liên tiếp khối ngoại bán ròng vượt ngưỡng 1,500 tỷ đồng. Điểm tích cực là đà bán ròng có phần hạ nhiệt và nhóm nhà đầu tư ngoại có dấu hiệu mua ròng ở nhiều nhóm ngành hơn.
Tâm điểm bán ròng của khối ngoại tuần qua tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như: MBB (-413 tỷ đồng), VHM (-370 tỷ đồng), FPT (-324 tỷ đồng),... Ở chiều mua ròng, khối ngoại mua ròng một số mã như: MWG (+99 tỷ đồng), CTG (+86 tỷ đồng), SAB (+29 tỷ đồng),...
Trên thị trường phái sinh, kỳ hạn VN30F2504 giảm -88,6 điểm (-6,99%), đóng cửa tại 1.178 điểm. Chênh lệch -19,01 điểm so với VN30. Các kỳ hạn xa hơn như VN30F2505, VN30F2506, VN30F2509 có mức chênh lệch từ -4,31 điểm đến -15,81 điểm so với VN30.
Tổng khối lượng hợp đồng giao dịch giảm -12,09% so với phiên trước và thấp hơn mức trung bình 20 phiên. Xu hướng ngắn hạn của VN30F2504 có khả năng tiếp tục kiểm định hỗ trợ 1.130 điểm. Khối lượng mở (OI) hôm nay là 43.994, thấp hơn so với phiên gần nhất là 48.502, cho thấy xu hướng giảm bớt các vị thế nắm giữ.

Thị trường vẫn đang chịu áp lực bán giải chấp
Chứng khoán SHS
Ngắn hạn, hành động áp thuế ở mức cao và trên diện rộng bất ngờ được xem như là một sự kiện "Thiên nga đen" đối với thị trường tài chính, dẫn đến những phiên giao dịch giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử. VN-Index đã giảm khoảng -15% từ vùng giá 1.340 điểm và đang chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá cuối năm 2023 cũng như cuối năm 2022, tương ứng 1.000 – 1.100 điểm.
Trong ngắn hạn, thị trường bắt đầu chịu áp lực bán giải chấp dư nợ ký quỹ. Áp lực bán tiếp tục gia tăng ở rất nhiều mã, nhóm mã. VN-Index đã giảm nhanh và mạnh -15% từ vùng giá 1.340 điểm. Tuy nhiên, rất nhiều mã, nhóm mã đã giảm mạnh kéo dài với mức giảm giá 40–60% từ vùng giá cao nhất. Với diễn biến hiện tại, sự kiện “Thiên nga đen” đang tác động mạnh đến nền kinh tế và thị trường tài chính.
SHS kỳ vọng thị trường VN-Index có thể sẽ phục hồi trong vùng giá 1.020 – 1.080 điểm, sau khi chịu áp lực bán giải chấp, force sell đột biến trong vài phiên tới, nhất là với các nhóm ngành liên quan đến xuất khẩu. Vốn hóa toàn thị trường hiện tại khoảng 252 tỷ USD. SHS cho rằng nhiều mã đang trở nên rẻ tương đối so với các yếu tố nội tại của doanh nghiệp.
Nhà đầu tư cần duy trì tỷ trọng hợp lý, ưu tiên quản trị rủi ro trong bối cảnh mới hiện nay. Cần xem xét, chọn lọc những cơ hội đầu tư giá trị tốt khi thị trường đang giảm giá mạnh, với tỷ trọng dưới mức trung bình. Mục tiêu đầu tư nên hướng tới các mã có nền tảng cơ bản tốt, thuộc nhóm đầu ngành trong các ngành chiến lược, có khả năng tăng trưởng vượt trội cùng nền kinh tế.
Giữ Short với mục tiêu 1.130-1.165, dừng lỗ 1.272 điểm
Chứng khoán Yuanta
Đồ thị giá đang ở giai đoạn cuối của sóng 5 giảm giá nên kỳ vọng sẽ có nhịp hồi phục xuất hiện trong phiên kế tiếp từ vùng 1.165 điểm nếu giá giảm vào đầu phiên. Chiến lược theo xu hướng ngắn hạn, nhà đầu tư xem xét nắm giữ Short với mục tiêu 1.130- 1.165, dừng lỗ 1.272 điểm.
Thị trường sẽ tiếp diễn đà lao dốc
Chứng khoán Kiến Thiết
Chỉ số VN-Index có phiên bán tháo thứ 3 liên tiếp cuốn bay gần 200 điểm chỉ trong vòng 3 phiên. Tâm lý thị trường vô cùng tiêu cực, cổ phiếu trên thị trường giảm sàn hàng loạt, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đồng loạt giảm hết biên độ cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang vô cùng tiêu cực. Thanh khoản khớp lệnh sụt giảm mạnh -44.4% cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư.
Với tình trạng dư bán sàn hiện tại và tâm lý tiêu cực thì nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp diễn đà lao dốc trong các phiên tới. Ở thời điểm hiện tại nhà đầu tư không nên vội vàng bắt đáy, thị trường vẫn chưa có dấu hiệu tạo đáy rõ ràng. Chúng tôi kỳ vọng ngưỡng hỗ trợ 1.045 điểm có thể cản đà rơi thị trường trong các phiên tới khi các kết quả đàm phán sơ bộ dần được hé lộ.
Nhà đầu tư hạn chế bắt đáy ở thời điểm hiện tại
Chứng khoán Tân Việt
Nhìn chung, đà giảm vẫn đang rất mạnh và chỉ số vẫn cần thêm thời gian để thiết lập vùng cân bằng mới. Trong các phiên giao dịch kế tiếp, áp lực dự báo sẽ vẫn tiếp tục chủ đạo, nhà đầu tư hạn chế bắt đáy ở thời điểm hiện tại.
Xu hướng ngắn hạn của VN-Index xác nhận giảm điểm. Chỉ số kỳ vọng sớm thiết lập vùng cân bằng mới.
Nhà đầu tư nên hạn chế sử dụng chiến thuật Long
Chứng khoán MB
Basis tiếp tục chiết khấu rộng hơn ở mức -19,01 điểm cho thấy nhà đầu tư vẫn cho rằng phái sinh sẽ tiếp tục giảm điểm trong phiên ngày mai, khi thông tin về mức thuế từ nước Mỹ vẫn ảnh hưởng mạnh tới tâm lý nhà đầu tư. Các vùng hỗ trợ hiện tại rất khó xác định khi có thể bị xuyên qua một cách dễ dàng.
Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư với chiến thuật LONG nên hạn chế sử dụng, chỉ nên trading với nhu cầu tìm kiếm lợi nhuận ở mức thấp ở các mốc hỗ trợ mạnh. Chiến lược giao dịch ngắn hạn, SHORT tại các nhịp tăng của phái sinh với kỳ vọng phái sinh về vùng 1.100 điểm.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thương gia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.