Cũng theo VNDirect, nếu không tính giao dịch thỏa thuận mua ròng VHM trị giá khoảng 650 triệu USD vào ngày 15/6, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng lên tới 772 triệu USD cổ phiếu Việt Nam trong nửa đầu năm 2020.
Trong giai đoạn từ tháng 2-5.2020, khối ngoại bán ròng khoảng 715 triệu USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây được xem là giai đoạn rút vốn dài kỷ lục của khối ngoại trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.
Kết thúc tháng 5, trước làn sóng hồi phục của thị trường, nhiều dự báo khối ngoại sẽ quay trở lại vào tháng 6 vì đã “lỡ tàu” cơ hội trong hai tháng trước đó.
Tuy nhiên bước vào tháng 6, thị trường điều chỉnh. Từ đỉnh ngắn hạn 900 điểm vào ngày 10/6, Vn-Index đã lùi về mức 825,11 điểm vào cuối tháng, cùng với đó dòng tiền trên thị trường cũng giảm mạnh.
VNDirect cho biết, về các nhóm ngành cổ phiếu trên thị trường trong 6 tháng qua thì hóa chất là ngành có diễn biến tốt nhất trong nửa đầu năm 2020, tiếp theo là ngành Viễn thông và Thép. Những ngành trụ cột của chỉ số Vn-Index như Ngân hàng và Thực phẩm có giảm giá thấp hơn so với Vn-Index.
Ngược lại, ngành Đồ uống, Bảo hiểm, Bất động sản, Bán lẻ và Du lịch & Giải trí là những ngành sụt giảm mạnh nhất trong nửa đầu năm 2020. Những lĩnh vực này chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19.
VIC là cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất tới chỉ số Vn-Index trong nửa đầu năm 2020, ghi nhận mức sụt giảm 20% so với thời điểm đầu năm. Các cổ phiếu tác động tiêu cực khác bao gồm GAS, SAB, VHM và VCB.
Ngược lại, HPG là cổ phiếu hỗ trợ nhiều nhất cho Vn-Index trong nửa đầu năm 2020, với giá cổ phiếu ghi nhận mức tăng 15% so với đầu năm. Các cổ phiếu tác động tích cực khác bao gồm CTG, VPB, NVL và GVR.
Thanh khoản bình quân phiên trong nửa đầu năm 2020 tăng 24% so với cùng kỳ lên 5.800 tỷ đồng khi dòng tiền trong nước vào thị trường chứng khoán tăng mạnh.
Theo dữ liệu của Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), trong tháng 6 đầu năm 2020, VSD đã cấp mã số giao dịch chứng khoán cho 254 nhà đầu tư nước ngoài gồm 27 tổ chức và 227 cá nhân. Đây là tháng cấp mã số giao dịch nhiều nhất cho các nhà đầu tư ngoại trong 6 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, việc này cũng chưa thể tạo ra lực thúc đẩy giao dịch mua vào mạnh mẽ của dòng vốn ngoại trên thị trường. Một trong những nguyên nhân là trong tháng 6 các qũy đầu tư tái cơ cấu danh mục và chốt giá trị tài sản ròng (NAV) bán niên 2020 cho nên lực bán ra mạnh hơn.