Ngược lại với nhà ở xã hội, phân khúc hạng sang, cao cấp lại chiếm tỷ trọng rất lớn. Điều này dẫn đến nhiều bất cập trong giải quyết nhà ở cho công dân, những người có nhu cầu mua nhà giá rẻ khó tiếp cận nguồn cung phù hợp, còn phân khúc hạng sang nhiều nhưng không đủ tiền mua.
Dự án không nhiều lại còn chậm
Theo báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng TP.HCM về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022, công tác phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố tính đến ngày 21/12/2022, thành phố chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội hoàn thành và đưa vào sử dụng tại thành phố Thủ Đức với quy mô 260 căn.
Còn lại 9 dự án nhà ở xã hội đang thi công với quy mô gần 6.491 căn gồm 4 dự án nhà ở xã hội độc lập quy mô 3.004 căn và 5 dự án sử dụng quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội quy mô 3.227 căn. Có 2 dự án nhà cho công nhân thuê đang thi công với quy mô 1.400 căn.
Đối với nhà ở thương mại, từ đầu năm đến nay Sở Xây dựng đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm hình thành trong tương lai của 25 dự án nhà ở thương mại với quy mô 12.147 căn, tổng giá trị cần huy động là 252.337 tỷ đồng.
Đáng chú ý, phân khúc cao cấp, giá bán trên 40 triệu đồng/m2, chiếm tới 78,3%, còn lại là phân khúc trung cấp, từ 20 - 40 triệu đồng/m2, không có phân khúc căn hộ bình dân, dưới 20 triệu đồng/m2.
Là một trong những thị trường bất động sản sôi động nhất nhưng thời gian qua phân khúc nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp tại TP.HCM lại khá ít. Điều này cũng diễn ra tại nhiều địa phương khác trên cả nước khi phân khúc nhà ở giá rẻ không đáp ứng đủ nhu cần của công nhân, người lao động.
Thậm chí, không chỉ hạn chế về số lượng, rất nhiều dự án nhà ở xã hội còn chậm tiến độ. Đơn cử, dự án nhà ở xã hội FLC Garden City Đại Mỗ, do một công ty con của Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư, theo tiến độ, quý 2/2022 là thời gian dự kiến chủ đầu tư bàn giao nhà, nhưng hiện tại dự án vẫn chưa hoàn thành.
Một trường hợp khác là dự án nhà ở xã hội Sao Hồng tại huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Từ khi mở bán, dự án này nhận được sự quan tâm của nhiều công nhân, người thu nhập thấp trên địa bàn. Thế nhưng, chủ đầu tư hẹn bàn giao cho người lao động từ quý 1/2021, song đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn đang trong quá trình xây dựng và chưa biết khi nào sẽ hoàn thiện, bàn giao.
Vì sao không đủ cung cho thị trường?
Trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực xây dựng tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vừa qua, ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, nguồn cung nhà ở xã hội không nhiều, do vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong phát triển.
Cụ thể, về quy định pháp luật vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi tại Luật Nhà ở và các luật khác liên quan. Trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua – bán nhà ở xã hội còn phức tạp và kéo dài. Việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở xã hội đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách chưa tốt.
Ngoài ra, Luật Nhà ở hiện hành chưa có quy định cho phép tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trong khi trên thực tế nhu cầu này rất lớn.
Đặc biệt, ngân sách trung ương cũng chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Hơn nữa nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội; nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình...
Bên cạnh đó, dự án nhà ở xã hội còn thiếu quỹ đất, về mặt chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp cũng không nhiều. Việc dành quỹ đất 20% thuộc các khu đô thị mới, các dự án nhà ở thương mại chưa được thực hiện triệt để hoặc chưa được sử dụng đúng mục đích.
Hiện nay quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại vị trí thuận lợi ở các đô thị lớn thiếu trầm trọng; nhiều khu công nghiệp được hình thành, nhưng chưa bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân.
“Mặc dù Nhà nước đã có nhiều ưu đãi cho nhà ở xã hội, tuy nhiên các cơ chế chính sách ưu đãi hiện nay chưa đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhất là nhà ở xã hội cho thuê”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhận xét.