Nhận diện cơn sốt đất năm 2021

Cơn sốt đất đầu năm 2021 nếu không kiên quyết ngăn chặn kịp thời sẽ gây ra hậu quả vô cùng lớn về thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh, thậm chí sẽ trở thành các dự án ma và vùng đất “chết” …
Nhận diện cơn sốt đất năm 2021

Sốt đất “ảo” diễn ra mọi nơi

Nhìn lại 3 tháng đầu năm cơn sốt đất càn quét qua các địa phương cho thấy một điểm chung, hiện tượng tăng giá, đẩy giá phần lớn diễn ra tại khu vực đất làng xóm, đất phi nông nghiệp, đất nông nghiệp, thậm chí đất rừng, đất dự kiến gần khu vực xây dựng sân bay…

Đầu tiên phải kể đến sự tăng “phi mã” đất Hóc Môn, Cần Giờ, Củ Chi (TP. HCM), rồi đến Bình Phước, Phan Thiết, Bình Dương… Đặc điểm chung của những nơi sốt đất đều được giới cò đẩy thông tin quy hoạch đô thị, sân bay. Đây là những lô đất không nằm trong dự án có đầy đủ pháp lý, hay chưa có quy hoạch chi tiết mà đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất ruộng vườn… được các môi giới tự do tung tin, đẩy giá tạo sự khan hàng. 

Tại các vùng ven đô của Hà Nội tình trạng cũng không kém, khi đất Đồng Chanh, đất Ba Vì chủ yếu là nơi “đồng không mông quạnh”, được thổi lên xây dựng khu nghỉ dưỡng, homestay, nhà vườn… để giá đất nhảy múa từng ngày.

Một số quận, huyện của Hà Nội khi nghe thông tin nằm trong đồ án quy hoạch hai bên bờ sông Hồng, giới cò cũng đẩy giá lên mặt bằng mới, khiến nhà nhà lao vào cơn sốt đất bất chấp nguy hiểm sẽ chôn vốn, mất tiền.

Theo thống kê của kênh thông tin batdongsan.com.vn, tốc độ tăng giá quý I/2021 so với quý IV/2020 khắp các tỉnh lân cận Hà Nội cao hơn khá nhiều, đơn cử như Thái Nguyên tăng 15%, Ba Vì 76%, Bắc Ninh 10%, Hoà Bình 102%, Hưng Yên 26%, Quốc Oai 20%.

Tốc độ tăng giá rao bán đất tại Đà Nẵng 7%, Huế 19%, Tam Kỳ 30%. Còn phía Nam, tỉ lệ tăng giá rao bán đất tại khu vực xung quanh TP. HCM cũng có sự tăng đột biến, như Nhơn Trạch 15%, Nhà Bè 16%, Cần Giờ 23%, Tân Uyên 7%, Dầu Tiếng 16%...

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), nguyên nhân là do BĐS là kênh đầu tư an toàn, nguồn cung tại một số địa phương trong đó có Hà Nội và TP. HCM hạn chế, nên mất cân đối cầu nhiều – cung ít.

“Đợt sốt đất nền tại một số địa phương lần này có điểm chung là các dự án có giấy phép xây dựng không có biến động lớn, mà biến động ở vị trí, khu vực không nằm trong quy hoạch như đất ở làng xóm, đất phi nông nghiệp, thậm chí đất phi nông nghiệp”, ông Hà nhấn mạnh.

Còn GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT nhìn nhận, tình trạng sốt đất nguyên nhân do năm 2021 là năm đầu tiên bắt đầu kỳ quy hoạch 10 năm tới. Nhiều địa phương cần phải đưa ra ý tưởng quy hoạch sân bay, hệ thống giao thông, hệ thống đô thị nhà ở, xây dựng – quy hoạch lại tổ chức hành chính địa phương nâng huyện lên quận, thành lập thành phố mới… Trong đó, chỉ có một số được phê duyệt, còn lại mới chỉ là dạng ý tưởng hoặc đang xây dựng đồ án.

Chia sẻ về nguyên nhân tăng giá đất, ông Đặng Văn Quang, Giám đốc Cty Quản lý và Đầu tư BĐS Thái Nam cho rằng, trước tiên phải nói đến hiệu ứng lan toả, dây chuyền, đó là khi BĐS ở TP.HCM tăng thì Hà Nội cũng có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đã làm suy giảm niềm tin của giới đầu tư vào sản xuất, du lịch, bán lẻ…cộng thêm lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp, tiền từ chứng khoán được chuyển sang khiến BĐS trở thành một kênh đầu tư cạnh tranh.

Đất khu vực phố Bắc Cầu, quận Long Biên tăng từ 15-20% vì thông tin Đồ án quy hoạch hai bên sông Hồng
Đất khu vực phố Bắc Cầu, quận Long Biên tăng từ 15-20% vì thông tin Đồ án quy hoạch hai bên sông Hồng

Cắt sốt bằng mọi giá

Nhận định về cơn sốt đất năm 2021, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó TGĐ kênh thông tin batdongsan.com.vn cho hay, bức tranh cơn sốt đất thời gian qua dường như những điều kiện tương tự đang lặp lại giai đoạn 2006 - 2007, khi tiền đổ từ chứng khoán sang BĐS và đến năm 2008 - 2009, thị trường đóng băng, thanh khoản thị trường suy giảm mạnh gây nên tình trạng vỡ bong bóng BĐS. 

“Không thể dự đoán một cách chính xác nhưng có những điểm tương đồng đó là sóng chứng khoán đi trước sóng BĐS, tuy nhiên không có nghĩa toàn bộ rủi ro. Bởi câu chuyện năm 2006 - 2007 có vấn đề mấu chốt đó là kiểm soát tín dụng chưa thực sự tốt, tăng trưởng tín dụng lên tới 40%. Còn hiện nay Chính phủ đã kiểm soát tín dụng vào BĐS rất tốt”, ông Quốc Anh cho hay. 

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho hay, các thông tin về tăng giá đất ở nhiều vùng đều chỉ là những tin đồn, các thông tin đều mới chỉ ở ý tưởng, chủ trương và chưa được phê duyệt. Đất ngoài ruộng, ngoài vườn, đất trong dân bỗng dưng lại tăng giá. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư sau này của các khu vực đó.

Bởi khi vào thực hiện dự án doanh nghiệp đó sẽ không dám làm nếu tính chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, nếu đầu tư không có lợi thì họ sẽ rút ra. Như vậy, khu vực đó sẽ trở thành quy hoạch treo trong nhiều năm, giá trị sẽ lại tụt xuống giống như ở Ba Vì, Mê Linh, Hoài Đức trước đây.

Trước tình trạng sốt đất, 4 Bộ: Xây dựng, TN&MT, Tài chính và Kế hoạch Đầu tư đã vào cuộc để ngăn chặn tình trạng này. Đồng thời, một số tỉnh thành cũng đã ban hành văn bản ngăn chặn cơn sốt đất như Quảng Ninh, Hoà Bình, Bắc Ninh…

Tuy nhiên, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, nhiệm vụ lớn nhất của cơ quan quản lý thị trường BĐS Việt Nam lúc này là “cắt sốt” bằng mọi cách. Chính quyền các đô thị lớn như Hà Nội hay TP. HCM phải đặt việc cắt sốt đất là nhiệm vụ trọng tâm để ngăn chặn cơn sốt đất lan ra toàn thị trường. Trong đó phải có công cụ thuế để “cắt sốt”. Tuy nhiên, điều đáng tiếc hiện nay hệ thống thuế BĐS của Việt Nam chưa được đổi mới, do đó chưa thể dùng công cụ thuế để cắt sốt đất.

Đồng thời, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương làm rõ thông tin lợi - hại để cảnh báo cho người dân, cần mạnh tay giải tán tất cả các “chợ cóc” BĐS do “cò” đất lập ra tại các vùng đang nóng sốt. Vì vậy các nhà đầu tư kể cả đầu tư dự án và các nhà đầu tư thứ cấp nên cân nhắc kỹ về mặt thông tin trước khi đưa ra quyết định nào đó.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…