Trước tình hình sốt đất đang diễn ra tại nhiều địa phương, ngày 20/3, Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VNRea) đã đưa ra một số khuyến nghị.
Ông Nguyễn Văn Đính Tổng Thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng địa phương phải vào cuộc, kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, thực hiện các dự án đầu tư, giao dịch đất đai,... đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luât; cần gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương khi xảy ra hiện tượng sốt đất.
Ông lấy ví dụ, các địa phương cần quản lý đối tượng tham gia chuỗi rao, chào bán; cung cấp đầy đủ thông tin chủ trương phát triển kinh tế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đặc biệt, các địa phương cần chú ý kịp thời phát hiện và xử lý hoạt động tung tin thất thiệt, ảnh hưởng đến thị trường, nhất là những tin tức tạo dựng làm sốt đất, gây bất ổn.
Về phía Nhà nước, VNRea cho rằng, cần thiết phải điều chỉnh pháp luật theo hướng số hoá quy hoạch, sản phẩm bất động sản để người dân có thể thuận tiện tra cứu thông tin. Đồng thời, cần quản lý sàn giao dịch và môi giới bất động sản chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Kể từ sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thị trường bất động sản đã chứng kiến giá đất tăng ở nhiều địa phương. Theo kết quả khảo sát của Hội môi giới bất động sản, giá đất đã sôi sục ở nhiều nơi, trung bình tăng 10% sau một tháng. Thậm chí một số nơi tăng 2 - 3 lần chỉ trong 1 - 2 tháng. Thậm chí, tại nhiều nơi, người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất. Tiền gửi ngân hàng cũng được rút ra để đi đầu tư.
Tại nhiều địa phương, xuất hiện hiện tượng tung tin không đúng sự thật về quy hoạch và phát triển dự án. "Thậm chí có trường hợp lợi dụng những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo nhà nước, tạo dựng tài liệu giả để tung tin, tạo sóng. Điều này tác động rất xấu đến lợi ích của các nhà đầu tư thiếu kiến thức, kinh nghiệm", ông Nguyễn Văn Đính cho hay.
Trên thi trường còn xuất hiện các trường hợp rao bán đất không phù hợp với quy định pháp luật như: đất rừng, đất ruộng, vườn... Nhiều "cò mồi" thường xuyên quy tụ, tập hợp ở những khu vực này, tạo ra sự sôi động, tung nhiều thông tin không có cơ sở, đẩy giá lên từng giờ, từng ngày để lôi kéo các nhà đầu tư vào cuộc.
Với cơn sốt đất lần này, Hội môi giới bất động sản cho rằng, nguyên nhân tăng giá có một phần do khung giá đất được chính quyền các địa phương đồng loạt điều chỉnh tăng từ 15 - 20%.
Ngoài ra, nguồn cung hạn chế do việc phê duyệt đầu tư tự án chưa có tín hiệu khả quan, trong khi nhu cầu nhà ở rất lớn, đặc biệt với các phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở xã hội, dự án đất nền.
Nhu cầu đầu tư, gửi tiền vào đất tăng mạnh, đột biến do đầu tư các ngành kinh tế khác không hiệu quả bởi dịch bệnh. Chưa kể, lãi suất ngân hàng giảm sâu cộng với việc đầu tư ngắn hạn thời gian vừa qua vào chứng khoán và vàng có lãi lớn nên nhiều nhà đầu tư nhanh chóng chốt lãi và găm giữ bằng đất.
Hệ quả của việc sốt đất, theo ông Nguyễn Văn Đính, sẽ làm giảm nguồn lực phát triển ở nhiều ngành, lĩnh vực khác. Đồng thời, cản trở mạnh việc kêu gọi, thu hút đầu tư chính thống vào địa phương vì giá đất tăng khiến các chi phí khác tăng theo.
Cùng đó, nhiều loại tài nguyên trên đất đai bị xâm phạm, chuyển đổi chức năng không phù hợp quy định pháp luật. Điều này làm lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng phát triển kinh tế, thậm chí gây bất ổn cho địa phương tại những khu vực đó.
Mặc dù sốt đất đang xảy ra cục bộ tại một số địa phương nhưng vẫn gây bất ổn cho thị trường bất động sản toàn quốc nói chung và sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản Việt Nam cũng như việc triển khai các chính sách phát triển nhà ở của Nhà nước.