Nhập siêu lớn từ Hàn Quốc: Hiểu thế nào cho đúng?

Hàn Quốc đã nhanh chóng vượt Trung Quốc trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam. Nhưng điều này liệu có bất thường và đáng lo?
Nhập siêu lớn từ Hàn Quốc: Hiểu thế nào cho đúng?

Nhập siêu lớn từ Hàn Quốc, lỗi tại Samsung, LG?

Khi Hàn Quốc vượt qua Trung Quốc và trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam (thực tế là từ tháng 4/2017, chứ không phải là bây giờ - sau khi Tổng cục Hải quan chính thức công bố số liệu xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm, với nhập siêu từ Hàn Quốc là trên 16 tỷ USD, còn từ Trung Quốc là 14,1 tỷ USD), dư luận đã đổ dồn ánh mắt vào Samsung, LG - hai nhà đầu tư lớn của Hàn Quốc tại Việt Nam hiện nay.

Lý giải tình trạng nhập siêu lớn từ Hàn Quốc, tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2017 mới đây, đại diện Bộ Công thương đã khẳng định, chuyện nhập khẩu và nhập siêu lớn từ Hàn Quốc có liên quan đến các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam, như Samsung, LG...

“Các tổ hợp sản xuất thiết bị di động của Samsung tại Việt Nam, các nhà máy của LG tại Hải Phòng đã nhập khẩu một số lượng lớn máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, nên đã đẩy kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc lên cao”, vị này nói.

Quả đúng là câu chuyện nhập siêu từ Hàn Quốc có liên quan tới các nhà đầu tư này. Trước đây, Việt Nam cũng đã nhập khẩu khá lớn từ Hàn Quốc, song số lượng và tốc độ chỉ tăng lên nhanh chóng từ năm 2008 - thời điểm Samsung bắt đầu đầu tư lớn vào Việt Nam, kéo theo làn sóng đầu tư từ quốc gia này sang Việt Nam.

Nếu chỉ nhìn cán cân thương mại Việt - Hàn dưới góc độ song phương thì sẽ thiếu đi tính toàn diện của thương mại toàn cầu.

Hiện tại, Samsung đã đầu tư tại Việt Nam trên 17 tỷ USD, còn LG là trên 5 tỷ USD. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư của các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam lũy kế tính đến hết tháng 6/2017 đã lên tới 54,5 tỷ USD, chiếm 17,7% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam.

Từ đầu năm tới nay, việc Samsung Display, rồi LG Display tăng vốn đầu tư để mở rộng nhà máy đã khiến lượng nhập khẩu từ Hàn Quốc tăng lên. Bên cạnh nguyên phụ liệu sản xuất, thì một lượng ngoại tệ không nhỏ đã được dành để nhập khẩu dây chuyền, thiết bị.

Trong bối cảnh đó, nhập khẩu và nhập siêu lớn từ Hàn Quốc là dễ hiểu. Thêm nữa, cũng theo nhận định của Bộ Công thương, với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc đã có hiệu lực, thương mại song phương đã có những bước tiến mới.

Với mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu dạng linh kiện, nguyên liệu từ Hàn Quốc sang Việt Nam chỉ là 0%, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn chịu mức thuế nhập khẩu thông thường, thì việc doanh nghiệp chuyển hướng sang nhập khẩu từ Hàn Quốc là chuyện dĩ nhiên.

Hiểu thế nào cho đúng?

Đã bắt đầu có những cảnh báo về việc Việt Nam nhập siêu quá lớn từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, chính ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đã khẳng định, điều này không có gì bất thường. Nguyên nhân được lý giải từ việc các nhà đầu tư lớn của Hàn Quốc nhập khẩu nhiều máy móc trong 6 tháng đầu năm. Nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu, nguyên phụ liệu dệt may từ Hàn Quốc tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Còn theo nhận định của TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), bản chất của việc thâm hụt thương mại với hai đối tác lớn nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc rất khác nhau. Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là hàng hóa phục vụ tiêu dùng ở tất cả các lĩnh vực, trong khi nhập khẩu hàng hóa từ Hàn Quốc chủ yếu là tư liệu sản xuất.

Xét trên các yếu tố trên, thì việc nhập siêu lớn từ Hàn Quốc hiện nay là không bất thường và cũng chưa có gì đáng lo.

Thậm chí, một chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng như hiện nay, phải nhìn câu chuyện nhập siêu dưới góc độ toàn cầu, chứ không thể “xé lẻ”, tách bạch riêng từng thị trường. “Chúng ta nhập siêu từ Hàn Quốc 16 tỷ USD, nhưng từ đó lại mang lại xuất siêu cho các thị trường khác”, vị này nói.

Theo phân tích của chuyên gia này, chẳng hạn Samsung tuy nhập khẩu một lượng khá lớn nguyên phụ liệu từ Hàn Quốc để sản xuất các thiết bị di động, nhưng không phải tất cả sản phẩm của Samsung được xuất ngược về Hàn Quốc, mà là xuất khẩu đi khắp nơi trên toàn cầu. Do vậy, nếu chỉ nhìn cán cân thương mại Việt - Hàn dưới góc độ song phương thì sẽ thiếu đi tính toàn diện của thương mại toàn cầu.

Và thực tế, các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn đang xuất siêu, chứ không phải nhập siêu. Nhập siêu lớn thuộc về các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm, Việt Nam chỉ xuất khẩu trên 1,7 tỷ USD các loại điện thoại di động và linh kiện sang Hàn Quốc, trong khi xuất khẩu trên 2 tỷ USD mặt hàng này sang Hoa Kỳ. Tương tự, con số xuất khẩu sang Ấn Độ là trên 240 triệu USD, sang Anh trên 861 triệu USD, sang Brazil 408 triệu USD, sang Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất 1,9 tỷ USD, sang Đức 860 triệu USD…

Samsung nhập khẩu từ Hàn Quốc, nhưng bù lại, họ đã đóng góp tới trên 40 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu cho Việt Nam trong năm ngoái và nhiều khả năng lên tới 50 tỷ USD trong năm nay. Thậm chí, với tỷ lệ nội địa hóa của hai tổ hợp SEV và SEVT ở Bắc Ninh và Thái Nguyên đã lên tới 57%, thì giá trị gia tăng mà Samsung mang lại cho kinh tế Việt Nam là không hề nhỏ.

Với LG hay các nhà đầu tư khác của Hàn Quốc cũng vậy, họ nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Hàn Quốc, nhưng xuất khẩu sang nhiều nước khác. “Có nhập siêu từ Hàn Quốc mới có xuất siêu sang Mỹ, sang châu Âu”, chuyên gia trên khẳng định.

Cũng tương tự như trước đây, khi Việt Nam bàn chuyện phụ thuộc vào một thị trường lớn, chính ông Trần Thanh Hải đã nhấn mạnh câu chuyện “có nhập siêu từ Trung Quốc mới có xuất siêu sang Mỹ, sang châu Âu”. Tất nhiên, quá phụ thuộc vào một thị trường chưa bao giờ là tốt, song cần đặt thương mại song phương ở góc nhìn đa phương như vậy để hiểu đúng về nhập siêu từ Hàn Quốc.

Theo Nguyên Đức/baodautu.vn

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...