Nhật ký chống dịch Covid-19: Hoa vẫn nở bên ngoài song cửa

Mỗi ngày những con số người bị nhiễm Covid cứ tăng và chưa biết khi nào dừng lại. TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quy Nhơn và Hà Nội... nơi nào cũng khiến trái tim phấp phỏng lo âu.

Cuộc sống dường như đang đông đặc lại đầy ngột ngạt và con người trở nên mỏng manh hơn khiến người ta dễ mủi lòng, dễ khóc hơn!... Ngoài lúc viết (mà lúc này cũng thật khó tĩnh tâm để viết), làm việc, đọc sách, xem phim... thì khoảng thời gian được chờ đợi là quãng thời sự sáng, trưa và tối để cập nhật tình hình. Đôi khi cứ phải tự bấu tay mình rằng - có phải đây là thực ư, hay mình đang trải qua một cơn ác mộng thôi?! Những sự kiện đông đúc tưng bừng vui vẻ ngày nào giờ bỗng trở nên xa lắc...

Cô bạn nhà văn sống tại TP. Hồ Chí Minh kéo mình về thực tại bằng những chuyến đi cứu trợ không biết mệt mỏi để đem gạo mắm cho người dân khó khăn: "Chả còn lòng dạ nào để viết văn chị ơi, nhiều người cần mình lắm". Sức vóc đàn bà mà nữ nhà văn Trần Mai Hường cứ miệt mài không chịu ở trong nhà chỉ vì thấy cần cho mọi người như thế. Hoàng Anh - cô nhà báo có giọng hát tuyệt hay của báo Đại Biểu Nhân Dân thì kéo cả người thân nhà mình đi làm thiện nguyện. Bản thân cô cũng xung phong tham gia các lớp học cấp tốc về những kỹ năng cần thiết để giúp người trong đại dịch. "Khi làm việc có ích em thấy mình lạc quan và khoẻ khoắn hơn chị ạ..!". Thấy tôi lo lắng khi cô - thay vì cố thủ trong nhà cứ xông xáo mang bình oxy, gạo, mỳ, mắm muối đến những nơi cần, cô đã trấn an như vậy.

Những người bạn thân thiết ấy khiến tôi thấm thía một điều - nếu cứ ngồi than vãn, trách cứ thì dễ nhưng để làm được điều gì đó có ích cho mọi người, cho cộng đồng thì không dễ chút nào!

Những bàn tay nhăn nheo bợt trắng của bác sĩ và những nhân viên y tế. Ảnh: Báo NLĐ
Những bàn tay nhăn nheo bợt trắng của bác sĩ và những nhân viên y tế. Ảnh: Báo NLĐ

Tôi thực sự đã khóc khi xem clip về những đoàn người mệt mỏi bơ phờ từ TP. Hồ Chí Minh về quê được nhận những chai xăng, những gói xôi và được những chiến sĩ công an dẫn đường... Chưa bao giờ nghĩa đồng bào lại ấm tình đến thế. Tôi cũng không cầm được nước mắt khi nghe tiếng kèn của nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn réo rắt bay lên trong khu vực cách ly. Hoàn cảnh dịch giã hết sức ngặt nghèo, những con người đang phải chịu cách biệt với thế giới bên ngoài, lòng lo lắng tột độ vì có thể đang mang trong mình con virus quái ác… được tiếng kèn saxophone của anh xoa dịu, an ủi sẽ thấy ấm lòng, vững vàng hơn... Nghệ thuật đã lay động tâm can con người ở vẻ đẹp và sự dâng hiến đến tận cùng như thế.

Mà chỉ không riêng tôi, nhiều người đã khóc khi nhìn thấy những gương mặt mệt mỏi và hằn sâu những vết khẩu trang, bàn tay nhăn nheo bợt trắng của bác sĩ và những nhân viên y tế. Những tin nhắn của các bác sĩ bệnh viện Việt Đức xung phong, tha thiết xin được vào TP. Hồ Chí Minh chống dịch khiến bao người phải rơi lệ vì xúc động. Họ đã thực sự vì bệnh nhân, vì lời thề Hippocrates thiêng liêng, vì lợi ích của người bệnh và suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết... Tôi sáng nào cũng cầu nguyện cho họ được an lành để làm chỗ dựa và cứu giúp chúng ta những lúc nguy nan!

Có ai đó bảo rằng trong thời hiện đại mà vật chất lên ngôi còn tình người chìm xuống thì xin hãy mở lòng một chút. Thời đại nào cũng thế, tốt xấu cứ đan xen, con người sinh ra được tự do lựa chọn cách sống của mình và tôi luôn tin điều tốt đẹp bao giờ cũng nhiều hơn và luôn ẩn mình!

Dù thế nào cũng luôn hướng về phía mặt trời, như những nụ hoa vẫn luôn khoe sắc bên khung cửa sổ
Dù thế nào cũng luôn hướng về phía mặt trời, như những nụ hoa vẫn luôn khoe sắc bên khung cửa sổ

Đó cũng là sức mạnh, giữ gìn cho cuộc sống luôn hướng về phía mặt trời. Những con người mang đầy nhân tính với những điều tốt đẹp luôn mang tới cho chúng ta niềm hy vọng! Như hôm nay ngày giãn cách thứ 8, những nụ hoa tường vi bên cửa sổ nhà tôi, dù muộn màng vẫn bừng nở, như cuộc sống sẽ luôn như thế!

Có thể bạn quan tâm