Nhiều công ty chứng khoán bị xử phạt ngay trong tháng đầu năm 2022

Ngay trong tháng đầu của năm mới 2022, một loạt công ty chứng khoán đã bị cơ quan quản lý xử phạt do vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Nhiều công ty chứng khoán bị xử phạt ngay trong tháng đầu năm 2022

Cụ thể, ngày 28/01/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định số 68/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần (CTCP) chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội).

Theo đó, CTCP chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương bị xử phạt với số tiền 125 triệu đồng theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 26 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán do vi phạm quy định về hạn chế giao dịch ký quỹ.

Được biết, tại một số ngày giao dịch trong năm 2021, CTCP chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương đã giải ngân cho vay đối với cổ phiếu của chính Công ty phát hành (APS). Trước đó, năm 2020, Công ty này cũng đã cho khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ đối với mã chứng khoán không thuộc danh sách chứng khoán được phép giao dịch ký quỹ (IDJ).

Bên cạnh đó, Công ty này cũng bị UBCKNN xử phạt với số tiền 40 triệu đồng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do không bảo đảm nhân viên làm việc tại bộ phận nghiệp vụ có đủ chứng chỉ hành nghề chứng khoán phù hợp với nghiệp vụ thực hiện. 

Đồng thời, bị phạt 250 triệu đồng theo quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều 24 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do cung cấp dịch vụ chứng khoán nhưng chưa báo cáo UBCKNN. Được biết, Công ty đã cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán cho khách hàng nhưng chưa báo cáo và chưa được UBCKNN chấp thuận.

Bên cạnh tổng mức xử phạt lên đến 415 triệu đồng, CTCP chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương còn bị hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ dịch vụ ứng trước tiền bán trong thời hạn 02 tháng đối với hành vi vi phạm cung cấp dịch vụ chứng khoán nhưng chưa báo cáo UBCKNN theo quy định tại điểm a Khoản 7 Điều 24 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.

Cũng trong ngày 28/01/2022, UBCKNN đã ban hành quyết định xử phạt một công ty chứng khoán khác là CTCP chứng khoán Trí Việt (Quận Ba Đình, TP. Hà Nội). Cụ thể, theo Quyết định số 65/QĐ-XPVPHC, UBCKNN đã xử phạt CTCP chứng khoán Trí Việt với số tiền 60 triệu đồng do bố trí người chưa có chứng chỉ hành nghề chứng khoán thực hiện nghiệp vụ, vị trí mà theo quy định pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán.

Đồng thời, xử phạt 250 triệu đồng đồng theo quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều 24 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do cung cấp dịch vụ chứng khoán nhưng chưa báo cáo UBCKNN khi cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán cho khách hàng, phối hợp với tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán, nhưng chưa báo cáo và chưa được UBCKNN chấp thuận.

Bên cạnh đó, CTCP chứng khoán Trí Việt cũng phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ dịch vụ ứng trước tiền bán, phối hợp với tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán trong thời hạn 02 tháng đối với hành vi vi phạm cung cấp dịch vụ chứng khoán nhưng chưa báo cáo UBCKNN theo quy định tại điểm a Khoản 7 Điều 24 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.

Ngày 26/01/2022, Thanh tra UBCKNN ban hành Quyết định số 19/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP chứng khoán Tiên Phong (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh). Được biết, Công ty này đã có hành vi vi phạm hành chính không công bố thông tin theo quy định pháp luật.

Trước đó, tháng 12/2020, CTCP chứng khoán Tiên Phong có ký hợp đồng đặt cọc với CTCP Đầu tư Sài Gòn Thủ Thiêm để nhận chuyển nhượng bất động sản làm trụ sở với giá trị hợp đồng là 650 tỷ đồng và thực hiện đặt cọc 500 tỷ đồng cho CTCP Đầu tư Sài Gòn Thủ Thiêm, chiếm 123,7% tổng tài sản của Công ty (số liệu tính theo Báo cáo tài chính bán niên 2020 đã soát xét) nhưng không thực hiện công bố thông tin theo quy định. Với hành vi vi phạm này, CTCP chứng khoán Tiên Phong đã bị Thanh tra UBCKNN xử phạt với số tiền 85 triệu đồng.

Ngày 25/01/2022, UBCKNN ban hành Quyết định số 57/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với CTCP chứng khoán SSI (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh). Theo đó, với hành vi vi phạm hành chính thành lập phòng giao dịch trong nước khi chưa được UBCKNN chấp thuận bằng văn bản, SSI đã bị xử phạt 125 triệu đồng theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 25 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.

Ngày 12/01/2022, Thanh tra UBCKNN ban hành Quyết định số 12/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính CTCP chứng khoán Phố Wall (Quận Đống Đa, TP. Hà Nội) với số tiền 85 triệu đồng do vi phạm quy định về hạn mức cho vay giao dịch ký quỹ. Theo Quyết định xử phạt, số lượng chứng khoán cho vay chứng khoán giao dịch ký quỹ đối với mã chứng khoán FID tại các thời điểm ngày 01/01/2020, 31/03/2020, 30/06/2020, 31/12/2020, 31/03/2021 và 30/6/2021 vượt 5% tổng số chứng khoán niêm yết của một tổ chức niêm yết.

Ngay từ đầu năm, hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra thị trường chứng khoán đã được UBCKNN triển khai quyết liệt nhằm bảo đảm thị trường phát triển ổn định bền vững, công khai, minh bạch.

Đại diện UBCKNN cho biết, trong năm 2022, cơ quan này sẽ tăng cường quản lý giám sát, cưỡng chế thực thi để kịp thời phát hiện và hạn chế rủi ro tiềm ẩn trên thị trường chứng khoán. Công tác thanh, kiểm tra hoạt động của công ty đại chúng, công ty không đại chúng khi huy động vốn, công tác thanh, kiểm tra đối với hoạt động của thị trường chứng khoán sẽ được tăng cường và triển khai quyết liệt.

Cùng với đó, sẽ tiếp tục tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình phát hành, cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đối với các doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo...

Tại Nghị quyết số 12/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2022, Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài chính tăng cường giám sát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán.

Theo đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chủ động thực hiện hoặc khẩn trương đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp quản lý thị trường chứng khoán, góp phần minh bạch các hoạt động đầu tư trên thị trường, ngăn ngừa các hành vi trục lợi, phát triển thị trường bền vững hơn. Bên cạnh đó, tăng cường giám sát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...