Chị là người gây dựng và phát triển công ty Home Deco Canada của gia đình.
Trao đổi với Thương Gia về giá trị cốt lõi mà chị chắt lọc được trong giai đoạn này, chị Thủy nhấn mạnh: “Liên kết và liên kết. Muốn đi xa phải có bạn đồng hành”.
Thưa chị! Đại dịch COVID-19 đã gây thảm họa cho toàn thế giới và khó khăn cho nền kinh tế. Khoảng thời gian hai năm nay, hoạt động kinh doanh, sản xuất và thương mại của chị thế nào?
Khi xảy ra đại dịch COVID-19, trừ một vài lĩnh vực gặp thời phát triển như thương mại điện tử, vận chuyển hàng hóa nội đô hay cao hơn là sản xuất vaccine, thuốc trị COVID... còn thì hầu hết mọi lĩnh vực đều gặp khó. Người người hoang mang, lo lắng, tôi lúc đó không nghĩ được gì xa, chỉ mong sự bình an cho mình, gia đình và người lao động trong doanh nghiệp của mình.
Cũng may là khoảng 1 năm rưỡi kể từ khi bắt đầu đại dịch, Việt Nam giữ được sự bình yên với số ca nhiễm và tử vong ở trong nhóm thấp nhất thế giới. Hơn nửa năm nay, khi dịch bùng mạnh bởi biến chủng Delta thì tỷ lệ tiêm chủng đã ở mức cao – hơn 80%. Thế nên, so với thế giới thì số người nhiễm và tử vong của Việt Nam được đánh giá là ở mức thấp.
Tôi cố gắng duy trì sản xuất bằng cách chia nhỏ công việc cho người lao động để ai cũng có việc và thu nhập, dù ít hơn thời điểm trước dịch. Ngoài việc sản xuất hàng cho các đại lý trong hệ thống bán lẻ của công ty cũng như cung cấp sản phẩm cho các đối tác phân phối khác... tôi cũng tranh thủ cho công nhân may chăn, ga, gối và chuyển đến các tổ chức từ thiện. Tôi cũng cố gắng chia sẻ khó khăn với bà con gặp khó, nhất là ở TP Hồ Chí Minh, khoảng tháng 8-9/2021 - giai đoạn khó khăn nhất khi dịch bệnh bùng phát mạnh.
Nhờ suy nghĩ tích cực và những việc làm sẻ chia cùng cộng đồng như vậy mà tôi thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn. Mặc dù làm kinh doanh, lợi nhuận được đặt lên hàng đầu vì đó là sự sống còn của doanh nghiệp, nhưng đại dịch cho thấy, tiền không phải là tất cả. Lúc khó khăn mới hiểu thấu được cái tình. Người ta thấy hạnh phúc khi được chia sẻ cho người khó hơn mình là vậy.
Chị có nói đến vấn đề liên kết làm ăn – cũng không mới vì các cụ ta có câu “buôn có bạn, bán có phường”. Vì sao chị lại chắt lọc ra ý nghĩa của việc liên kết vào lúc này?
Ngày xưa các cụ buôn có bạn, bán có phường nhưng dẫu sao cũng chỉ trong phạm vi nhỏ, mang tính kẻ chợ. Nay hội nhập với thế giới, chúng ta phải biết liên kết, nếu không sẽ chỉ như thuyền thúng bơi ra biển khơi. Tôi đi nhiều nước, tìm hiểu các kênh nhập khẩu và phân phối, thấy hầu như đều quay về các chủ lớn. Thậm chí ở Canada, các ông chủ lớn phần lớn ở bên Mỹ. Họ nhập khẩu về Mỹ rồi phân phối sang Canada vì thị trường Canada nhỏ do số dân ít. Để đưa hàng hóa vào thị trường lớn như Mỹ, ta phải vào được kênh nhập khẩu – phân phối của họ, đáp ứng những tiêu chuẩn của họ mà nếu không liên kết được chuỗi sản xuất, logisic... thì sẽ rất khó để chen chân vào được.
Từ khi mở cửa, các hãng nước ngoài vào Việt Nam đặt hàng gia công nhiều. Người tiêu dùng giờ cũng không xa lạ gì với hàng loạt các nhãn hiệu nổi tiếng như Zara, H & M, Mango, Guicci, Adidad, smarphone của hãng Samsung, các loại linh kiện, chip điện tử... được sản xuất tại Việt Nam. Người ta cũng không xa lạ gì khi mà với một chiếc ô tô hay máy tính, linh kiện này sản xuất ở Việt Nam, linh kiện kia sản xuất ở Trung Quốc hay Thái Lan... Đó chính là hoạt động liên kết đã được xác lập thành chuỗi mang tính toàn cầu.
Nhiều doanh nhân trẻ người Việt cũng tự xây dựng được thương hiệu của mình. Họ tự hoặc thuê thiết kế rồi đặt làm sản phẩm tại các nhà máy, xưởng sản xuất. Những sản phẩm đó đã được nghiên cứu kỹ thị hiếu, thị trường, giá cả, đáp ứng với tiêu chuẩn xuất khẩu . Họ không nhất thiết phải xây dựng nhà xưởng với chi phí máy móc, nhân công, quản lý cao. Trong sản xuất kinh doanh, mỗi người làm một phân khúc. Tôi biết có nhiều em làm rất tốt công việc này.
Bản thân tôi trong hai năm khó khăn vì đại dịch, nhờ có liên kết mà tôi trụ lại được. Bên cạnh việc sản xuất hàng hóa cho các đại lý của công ty mình, tôi còn sản xuất và cung cấp sản phẩm cho hệ thống cửa hàng phân phối của công ty Vua Nệm - có chuỗi cửa hàng bán lẻ khắp cả nước.
Cũng nhờ có liên kết mà những khoản đầu tư của tôi vào lĩnh vực bất động sản đã thăng hoa ngay cả trong đại dịch. Đó vừa là điều bất ngờ với thị trường, với chính tôi và cũng là giá trị mà tôi đã rút ra khi mình biết liên kết với những “người khổng lồ”.
Các bạn trẻ bây giờ nắm bắt thông tin giới showbiz – kinh doanh rất nhanh. Nữ ca sĩ kiêm người mẫu Zendaya đã có màn trình diễn mãn nhãn trong trang phục của hãng thời trang Tommy Hilger; Nữ hoàng nhạc pop Taylor Swift đã kết hợp với nhà thiết kế hàng đầu nước Anh Stella McCartney ra mắt bộ sưu tập từ áo phông, jacket, đầm và phụ kiện... Họ kết hợp với nhau để xây dựng tên tuổi và thương hiệu sản phẩm.
Hay như hình ảnh ngôi sao hàng đầu của TikTok - Charli D’Amelio cầm một ly cà phê Dunkin đá trước khi bắt đầu khiêu vũ. Chỉ thế thôi mà có hàng triệu lượt hiển thị video miễn phí cho thương hiệu cà phê của Dunkin. Charli D’Amelio trở thành đại sứ thương hiệu chính thức cho Dunkin. Thậm chí Dunkin còn tung ra một loại đồ uống có giới hạn thời gian với tên của Charli D’Amelio trên đó, điều này đã góp phần vào sự gia tăng doanh số bán hàng của Dunkin tại Mỹ trong quý 3 năm 2020.
Đó là những sự liên kết hết sức ngọt ngào, rất thời thượng và quan trọng nhất là giá trị to lớn của nó đã được khẳng định.
Trân trọng cảm ơn chị. Chúc chị một mùa xuân mới hạnh phúc và thành công!