Nhiều môi giới bắt tay với doanh nghiệp có dự án “ma” lừa đảo nhà đầu tư

Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp dựng lên dự án “ma”, thu hút nhà đầu tư bằng cách cho môi giới “thổi phồng, lôi kéo” thực hiện hành vi lừa đảo…

san-moi-gioi-2899-1624941614.jpg
Môi giới bất động sản cần được đào tạo bài bản . Ảnh minh hoạ

Theo báo cáo tuần 1 tháng 9 của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), cơ chế pháp luật cũng như quản lý môi giới bất động sản còn bỏ ngỏ tạo kẽ hở cho các cá nhân tự cho là môi giới. Từ đó, những người này tiếp tay các công ty bất động sản dàn cảnh để bán dự án “ma”, lừa đảo khách hàng khiến niềm tin của nhà đầu tư bị xói mòn, làm xấu đi hình ảnh môi giới bất động sản chân chính.

HÌNH THỨC LỪA ĐẢO NGÀY CÀNG TINH VI

Trong nhiều năm qua, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã ưu ái trao quyền cho các chủ đầu tư dự án bất động sản được tự quyết định phương thức đưa sản phẩm của mình đến với khách hàng. Mỗi năm, các nhà phát triển, chủ đầu tư bất động sản tạo ra hàng trăm ngàn sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng dịch vụ và nhà ở.

Nhưng, song song với đó, thời gian trước đã có không ít các công ty bất động sản “nói một đằng, làm một nẻo”, lập ra “dự án ma”, đưa ra thị trường những sản phẩm nhập nhèm về điều kiện bán hàng hoặc thiếu các thủ tục pháp lý... rồi sử dụng chiêu bài “chim mồi” và hiệu ứng đám đông để câu khách hàng.

D91-hinhminhhoa.jpg
Thời điểm năm 2020, rất nhiều địa phương phải in biển cảnh báo về chiêu trò này

Hậu quả của nó đã để lại là gây nhiều bất ổn cho thị trường bất động sản với những vụ khách hàng, nhà đầu tư khiếu nại, kiện cáo, tranh chấp, biểu tình....

Sau thời gian chiêu trò này bị phát hiện, hàng loạt dự án “ma” bị xử phạt, các cơ quan Quản lý Nhà nước liên tục đưa ra văn bản cảnh báo, tỷ lệ khách chịu "lên xe đi thăm dự án" vơi dần.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngay cả khi thị trường đang khó khăn, vẫn rất nhiều người bị “lừa” với các hình thức lừa đảo tinh vi hơn. Điển hình mới đây nhất là vụ lừa đảo của Công ty Lộc Phúc.

Theo xác nhận của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, để đưa các nhà đầu tư “vào tròng”, doanh nghiệp đã tuyển một lượng lớn nhân sự đóng vai làm môi giới bất động sản, sau đó hướng dẫn họ vào các trang mạng xã hội lấy hình ảnh những căn nhà đẹp, đăng lên website của công ty và các nền tảng khác để giới thiệu bán.

Nhiều người có nhu cầu mua nhà ở sẽ được hẹn gặp tại một địa điểm rồi đưa khách lên xe chở về một địa điểm hoàn toàn không liên quan tới nơi giới thiệu dự án ban đầu. Lúc này, trên xe được bố trí sẵn những “diễn viên quần chúng” được thuê giả làm “cò mồi” lôi kéo, dụ dỗ khách hàng cùng tham gia.

bds-kt-6510.jpg
Đối tượng cầm đầu Công ty Lộc Phúc tại cơ quan điều tra

Hầu hết khách hàng bị thao túng với những lời tư vấn quá “bùi tai” và các bài chim mồi, đánh vào tâm lý khách hàng như có khách chốt cọc liên tục, khách mua gần hết lô đẹp, chiết khấu giảm giá chỉ trong ngày duy nhất, rút thăm trúng thưởng...

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải tất cả nhà đầu tư đều vì hám lợi mà mắc bẫy lao vào những dự án “ma”. Bên cạnh những nhà môi giới vừa có tâm vừa có tầm, một bộ phận không nhỏ “cò” nhà đất hám lợi tận dụng thời cơ để lừa khách hàng, đặc biệt là khách hàng sẵn tiền nhưng kiến thức còn non, không thể chọn lọc được thông tin tiếp nhận.

“Nhiều vụ việc kéo dài từ năm này sang năm khác, với phương thức kinh doanh bất động sản “ma” như kiểu đa cấp với số nạn nhân lên đến hàng ngàn... là hệ lụy do thiếu hiểu biết, là thiệt thòi do thị trường và pháp luật hiện hành đang thiếu cơ chế ràng buộc đối với các đối tượng trung gian tư vấn, cung cấp thông tin sản phẩm, dự án bất động sản”.

CỨNG RẮN HƠN NỮA VỀ MẶT LUẬT PHÁP

Thực tế hiện nay, dù có các quy định xử phạt, môi giới bất động sản vẫn là ngành nghề gần như không có rào cản khi gia nhập hay rút lui, mọi người, mọi chủ thể, mọi cá nhân đều dễ dàng tham gia.

Luật pháp hiện hành đã có các quy định xử phạt môi giới bất động sản không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc không chính xác hồ sơ, thông tin về bất động sản cũng như kinh doanh dịch vụ môi giới mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hết hạn.

M-o-b-n-t-n-n-nhanh-nh-t-3.jpg
Rất nhiều môi giới gia nhập thị trường ở thời điểm sốt đất

“Tuy nhiên, mức phạt không nhiều, dao động từ 10 - 25 triệu đồng. Hơn thế nữa cũng chưa có quy định là cơ quan nào là quản lý, phản ánh ở đâu với ai, phạt xong thì sao, làm sao dân biết...?”, VARs nhấn mạnh.

Thông thường, đến thời điểm sốt nóng, lao động từ các ngành nghề khác gia nhập vào làm môi giới với tốc độ tăng trưởng rất nhanh, từ xe ôm, người bán nước tới công chức nhà nước... đều có thể tham gia kết nối thực hiện giao dịch. Thực tế, đây cũng chẳng phải là môi giới bất động sản đúng nghĩa.

Các cá nhân này không được đào tạo, không có kiến thức hành nghề, hoạt động mang tính tự phát, không chịu sự quản lý chuyên nghiệp của bất kỳ cơ quan nào. Họ chỉ quan tâm làm sao để giao dịch diễn ra nhanh nhất, lợi dụng thời cơ “thổi giá” nhà đất để chuộc lợi, ôm hàng, lừa đảo khách hàng... gây lũng đoạn thị trường.

Do đó, để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư hoặc người mua nhà khi tham gia giao dịch, cần có cơ chế pháp luật ràng buộc về vai trò, trách nhiệm của môi giới bất động sản trong việc tư vấn, cung cấp thông tin.

Tất cả những người hành nghề tư vấn môi giới cho khách hàng phải hoàn thành đúng, đủ các quy định trước khi hoạt động, trong đó bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề môi giới.

VARs cho biết, chứng chỉ này sẽ được mã hóa, số hóa dưới hình thức thẻ hành nghề, hình thành hệ thống thông tin dữ liệu để cơ quan Nhà nước quản lý. Người có thẻ sẽ là người giao dịch cuối cùng, xác nhận thông tin cần thiết tư vấn cho khách hàng; mã thẻ sử dụng khi ký hợp đồng sẽ là căn cứ để đánh giá trách nhiệm liên đới khi giao dịch xảy ra vấn đề và như vậy người hành nghề bắt buộc hoạt động nghiêm túc, có uy tín.

Ngoài ra, cần phải có những giải pháp đồng bộ từ phía chính sách của Nhà nước cùng việc phát huy tối đa vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp có liên quan. Bên cạnh đó, VARs cho rằng, sẽ rất khó để thực thi những vấn đề nêu trên nếu chỉ có sự quản lý trực tiếp của Nhà nước.

bds.jpeg
Luật cần điều chỉ cụ thể về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong thị trường bất động sản

Vì vậy, để hướng đến một thị trường dịch vụ bất động sản chuyên nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam theo chiều hướng lành mạnh và bền vững, cần phải có những giải pháp đồng bộ từ phía chính sách của Nhà nước cùng việc phát huy tối đa vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, cụ thể là nghề môi giới bất động sản.

“Mạnh dạn bổ sung vào Luật kinh doanh bất động sản các điều khoản cụ thể về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức xã hội nghề nghiệp về bất động sản và môi giới bất động sản. Điều này không chỉ giúp Nhà nước trong việc quản lý, giám sát thị trường bất động sản, tiết kiệm ngân sách quốc gia, mà còn rất phù hợp với chuẩn mực pháp luật của nhiều quốc gia”, VARs nêu thêm.

Nói về vụ việc của Công ty Lộc Phúc, thông tin từ Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, cơ quan này đã bắt quả tang Tổng Giám đốc cùng 142 nhân viên, diễn viên 'chân gỗ' lừa đảo bán bất động sản 'ma'.

Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian gần đây, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai liên tiếp nhận được tin báo của các nạn nhân ở TP.HCM và Đồng Nai tố cáo Công ty Lộc Phúc, địa chỉ tại số 34 Tiền Giang, Phường 2, Quận Tân Bình, TP.HCM có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn lập dự án ảo trên đất nông nghiệp thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai. Giá một lô đất chỉ khoảng vài trăm triệu, nhưng chúng vẽ lên dự án, rồi rao bán với giá 2 đến 3 tỷ đồng.

Qua công tác nghiệp vụ, sáng ngày 31/8, Ban Chuyên án phát hiện các đối tượng trong Công ty này đang tổ chức sự kiện mở “sàn giao dịch” để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại một “dự án ma” thuộc xã An Viễn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát Cơ động, Công an huyện Trảng Bom thuộc Công an tỉnh Đồng Nai đã chia thành nhiều tổ công tác, ập vào khống chế bắt quả tang đối tượng Nguyễn Văn An (sinh năm 1996), Tổng Giám đốc Công ty cùng 185 đối tượng liên quan (trong đó, có 122 nhân viên, 20 đối tượng được thuê đóng giả khách hàng, 43 khách hàng là nạn nhân của Công ty) đưa về Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đấu tranh, làm rõ.

Đồng thời lúc này, một tổ công tác khác đã phối hợp với Công an TP.HCM tiến hành khám xét trụ sở Công ty, niêm phong, thu giữ 50 thùng tài liệu, nhiều máy tính, thiết bị điện tử, hơn 2,4 tỷ đồng, 18 ngàn yên Nhật; 3,5 ngàn USD; 24,3 lượng vàng; 2 xe ô tô 4 chỗ ngồi; 5 xe ô tô loại 52 chỗ để phục vụ công tác điều tra, mở rộng Chuyên án.

Tổ chức hoạt động lừa đảo này được dàn dựng hết sức tinh vi, có kịch bản phân công, phân cấp, phân vai rất chặt chẽ, cụ thể, chi tiết cho từng thành viên, phải bằng mọi cách để đưa nạn nhân vào bẫy do chúng giăng sẵn nhằm chiếm đoạt tài sản. Điều đáng nói, trong số những nhân viên được Công ty này thuê để lừa đảo khách hàng có rất nhiều em hiện đang là sinh viên.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…