"Cuộc chơi" lớn ở Ninh Thuận
Cách đây 2 năm, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận 2016, ông Lưu Xuân Vĩnh – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận từng nói " trong 4 năm tới bất động sản du lịch sẽ là đầu tàu trong chiến lược kiềng 3 chân phát triển kinh tế Ninh Thuận: bất động sản, du lịch và năng lượng sạch. Ưu tiên tạo quỹ đất chuẩn bị cho nhiều dự án lớn đầu tư, phát triển khu đô thị hiện đại ven biển, nhà ở, văn phòng cao cấp…"
Nhưng, cuộc chơi lớn dường như bây giờ mới bắt đầu tại Ninh Thuận. Tại hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận 2018 diễn ra hồi tháng 8 vừa qua đã chứng kiến sự quan tâm của hàng loạt đại gia địa ốc, du lịch nghỉ dưỡng. Có thể kể tới những cái tên như Vinpearl, FLC, T&T, Crystal Bay, TDH Ecoland,…
Một yếu tố rất quan trọng khác tạo nên động lực thúc đẩy phát triển du lịch ở địa phương này, đó là cuối tháng 8 vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115 cho phép Ninh Thuận hưởng hàng loạt cơ chế đặc thù để phát triển kinh tế, trong đó phát triển cơ sở hạ tầng và du lịch, đưa khu vực từ Bình Tiên đến Mũi Dinh thành vùng du lịch trọng điểm của quốc gia.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã có quyết định về cơ chế thu hút đầu tư, phát triển du lịch, theo đó là địa phương có ưu đãi đầu tư cao nhất nước.
Vì thế, gần đây không ít ông lớn BĐS đã có động thái đầu tư lớn vào Ninh Thuận. Một số nhà đầu tư tiên phong đã được chính quyền địa phương đồng ý chủ trương, cho phép nghiên cứu khảo sát đề xuất quy hoạch hàng loạt dự án BĐS du lịch lớn, trải dọc bờ biển Ninh Thuận dài chừng 100km.
Trong đó, thể hiện tầm nhìn và đi tiên phong hiện nay phải kể tới tập đoàn Crystal Bay, đứng sau là doanh nhân Nguyễn Đức Chi. Hiện tập đoàn này đang đề xuất đầu tư vào Ninh Thuận 4 dự án lớn với quy mô lên tới 10.000 phòng khách sạn 4-5 sao, trong đó 3 dự án mới đây đã được chính quyền địa phương đồng ý chủ trương về phương án quy hoạch kiến trúc.
Đó là tổ hợp SunBay Park Hotel & Resort quy mô 3.300 phòng khách sạn 5 sao cùng công viên nước sát cạnh công viên Bình Sơn, tổ hợp Ninh Chữ Sailing Bay quy mô 3.740 phòng cùng khu phố thương mại, công viên chuyên đề ở cửa biển Ninh Chữ, và dự án Khu du lịch Bãi Cốc trong – Bãi Cốc ngoài khoảng 270 phòng.
Dự án lớn đang đổ bộ vào Ninh Thuận
Theo tiết lộ của ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc kinh doanh tập đoàn Crystal Bay, ông muốn xây dựng một hệ sinh thái du lịch với ý tưởng mới mẻ bằng một sản phẩm du lịch đặc biệt "Một kỳ nghỉ - Hai vùng di sản" dựa trên lợi thế về lữ hành. "Chúng tôi có các công ty về dịch vụ lữ hành trong nước và quốc tế (chiếm hơn 70% thị phần khách Nga – PV), Crystal Bay có các công ty vận tải biển và các dịch vụ vui chơi giải trí, có các công ty quản lý khách sạn và các công ty phát triển BĐS du lịch", ông Sơn nói.
Ông Sơn cho biết, du lịch Việt Nam đang có mức tăng trưởng cao nhất thế giới nhưng tính cạnh tranh chưa cao và tỷ lệ khách quay trở lại chỉ đạt 5-6% là tỷ lệ quá thấp.
Vì thế những nơi tiềm năng như Ninh Thuận rất cần những sản phẩm du lịch khác biệt để níu chân khách du lịch.
Vì sao lọt vào tầm ngắm của đại gia địa ốc?
Ninh Thuận là địa phương nằm chính giữa của "tam giác du lịch" Nha Trang - Đà Lạt - Phan Thiết, có bãi biển đẹp, nhiều địa điểm lịch sử văn hóa lâu đời…nên có nhiều cơ hội để phát triển du lịch. Tuy nhiên, địa phương này lại đang gặp phải một thách thức không nhỏ, đó là cơ sở hạ tầng còn yếu kém, cơ sở lưu trú chưa đủ cao cấp để giữ chân khách du lịch ở lại với những điểm đến nổi tiếng.
Hầu hết các địa phương có nhiều tiềm năng lớn để phát triển du lịch giống như Ninh Thuận lại đang có cùng một hạn chế, đó là thiếu hụt lớn về lượng phòng khách sạn 4-5 sao. Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hiện mới có 48 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với diện tích khoảng 1.800 ha, tổng vốn đầu tư gần 15.300 tỷ đồng.
Toàn tỉnh hiện có 132 khách sạn, cơ sở lưu trú với 2.843 phòng. Trong đó, chỉ có 3 khách sạn ba đến năm sao với 343 phòng. Trong khi đó riêng Nha Trang hiện có tới gần 13.000 phòng, Đà Nẵng 17.500 phòng,…
Mặc dù khách quốc tế đến Ninh Thuận trong năm 2017 tăng tới 24% nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng trung bình của cả nước (29%) và thấp hơn nhiều so với Nha Trang (69%).
Khách quốc tế đến Nha Trang tăng gấp 4 lần trong 5 năm qua, trong đó 81% là khách Trung Quốc và Nga. Dòng khách này đang có xu hướng dịch chuyển tới những địa phương vệ tinh như Bình Thuận, Ninh Thuận.
Vì thế, Ninh Thuận đang có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch. Khoảng cách từ sân bay Cam Ranh đi Ninh Thuận chừng 1 giờ bằng đường bộ. Do đó, hiện tại địa phương này mới chủ yếu đón dòng khách từ Trung Quốc tới thăm các danh lam thắng cảnh hàng ngày do chưa có đủ cơ sở lưu trú.
Theo thống kê của Crystal Bay, trong năm 2017, có 1/5 lượng khách Nga đến sân bay Cam Ranh di chuyển bằng xe về Mũi Né do thiếu sản phẩm tại Khánh Hoà. Và hiện tập đoàn này bắt đầu đưa những chuyến bay charter để đưa khách Nga tới Phú Quốc.
Với những điều kiện thuận lợi như trên, nhiều khả năng trong vài năm tới du lịch Ninh Thuận sẽ bùng nổ với hàng loạt dự án lớn. Có cơ sở lưu trú đảm bảo chất lượng, Ninh Thuận sẽ là điểm đến mới, "thiên đường" nghỉ dưỡng mới của khách du lịch trong và ngoài nước.
Theo Trí thức trẻ