Thời gian qua, bầu cử Tổng thống Mỹ là câu chuyện được giới đầu tư quan tâm bậc nhất. Nhiều giả thiết đưa ra rằng việc cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử sẽ mang đến “cơn gió đông” cho thị trường chứng khoán, bởi trong 4 năm nhiệm kỳ của ông Trump, chỉ số S&P 500 có diễn biến tốt hơn rất nhiều so với các nhiệm kỳ tổng thống khác.
Hiện nay, nhà đầu tư phố Wall đang có trào lưu mang tên “Trump trade”, tức là đầu tư theo những ngành hưởng lợi dưới thời kỳ ông Trump nắm quyền, bao gồm các lĩnh vực bất động sản, tài chính, năng lượng truyền thống. Các nhà đầu tư hạ kỳ vọng tại các ngành năng lượng tái tạo, nhóm ngành tiện ích - utilities (khí đốt, nước, điện…). Điều đáng chú ý là, dưới thời kỳ ông Trump nắm quyền, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có diễn biến tốt.
Chia sẻ tại Hội thảo "Tìm cơ hội đầu tư nửa cuối năm", bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, trong năm đầu tiên ông Trump đắc cử, VN-Index tăng 58%, 2 năm sau đó tăng 46% và cuối nhiệm kỳ của ông Trump thì đại dịch Covid-19 bùng phát nhưng tổng kết sau 4 năm, VN-Index vẫn tăng 65%.
“Sau 2 năm ông Trump đắc cử, các ngành diễn biến tốt tại thị trường chứng khoán Việt Nam cũng là các ngành ngân hàng, dầu khí và công nghiệp… Tức là các ngành cổ phiếu truyền thống", bà Hiền chia sẻ.
Những điều diễn ra trong quá khứ không chắc sẽ diễn ra trong tương lai, nhưng các nhà đầu tư sử dụng số liệu trong quá khứ để dự đoán tương lai, nên đây cũng là thống kê thú vị để nhà đầu tư theo dõi.
CHỨNG KHOÁN VẪN LÀ KÊNH ĐẦU TƯ “HÁI RA TIỀN”
Đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam nửa cuối năm 2024, bà Hiền kỳ vọng, VN-Index sẽ duy trì đà tăng lên mức 1.350 điểm và chứng khoán vẫn là kênh mà nhà đầu tư cá nhân lựa chọn nhờ nhiều yếu tố tích cực. Đó là kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất; nền kinh tế đang phục hồi. Cùng với đó, các doanh nghiệp niêm yết, tạm gọi là nhóm doanh nghiệp tốt nhất của nền kinh tế hiện nay, cũng sẽ phục hồi lợi nhuận. Theo ước tính của MBS, trong năm 2024, các doanh nghiệp niêm yết sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận khoảng 20% và khoảng 15% trong năm 2025.
Cuối cùng, dù lãi suất có xu hướng tăng lên nhưng mức độ tăng lên từ nay tới cuối năm không quá nhiều. Nếu lãi suất từ nay tới cuối năm có tăng thêm từ 50-70 điểm cơ bản thì vẫn thấp hơn giai đoạn Covid-19.
Nhiều yếu tố hỗ trợ, song thị trường chứng khoán cũng phải đối mặt với 3 rủi ro cần lưu ý: lạm phát, tỷ giá và nhà đầu tư nước ngoài liên tục rút ròng khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam. Từ đầu năm tới nay, nhà đầu tư nước ngoài rút ròng khỏi thị trường 1,6 - 1,7 tỷ USD. Điều này xuất phát từ việc tỷ giá đang yếu đi và lãi suất của Fed vẫn cao hơn, đồng thời xuất phát từ việc thị trường chứng khoán Việt Nam không có nhiều hàng hoá.
"Điểm hấp dẫn khẩu vị đầu tư chính là hàng hoá trên thị trường. Trong 2 - 3 năm gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài ưa chuộng cổ phiếu thuộc các nhóm bán dẫn, công nghệ thì thị trường chúng ta gần như không có hàng hoá. Tôi lo ngại vấn đề này sẽ không được giải quyết trong tương lai gần. Vì vậy, rủi ro nhà đầu tư nước ngoài rút ròng sẽ là một gánh nặng với thị trường", bà Hiền phân tích.
Về mặt định giá, theo ước tính của MBS, thị trường chứng khoán Việt Nam đang rơi vào khoảng P/E 14,5 lần. Các cổ phiếu vốn hoá lớn P/E khoảng 13 lần, vốn hoá vừa và nhỏ P/E 17 lần. Điều này có nghĩa là trong các đợt tăng mạnh vừa qua của thị trường, nhà đầu tư đã phần nào bỏ quên các cổ phiếu vốn hoá lớn với mức độ tăng trưởng lợi nhuận ổn định, khiến các cổ phiếu này có định giá thấp hơn.
"Tôi cho rằng về cuối năm, các cổ phiếu vốn hoá lớn, tăng trưởng ổn định, định giá thấp hơn thị trường chung sẽ là cơ hội đầu tư, tích luỹ trong thời điểm này", bà Hiền cho biết.
BUFFET CỔ PHIẾU - CHỌN “MÓN” GÌ CHO CUỐI NĂM 2024?
Cũng tại Hội thảo, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS cho biết, hiện nay, tâm lý nhà đầu tư toàn cầu, chính sách vĩ mô, thị trường tài chính, chứng khoán... đều đang rất quan tâm đến chính sách tiền tệ và lãi suất của các nước lớn, đặc biệt là Mỹ.
Ông Khánh dự báo, có khả năng trong tháng 9 tới đây, Fed sẽ giảm 25 điểm cơ bản và có thể thêm 1 lần nữa vào tháng 11 hoặc tháng 12. Trong bối cảnh vĩ mô còn nhiều ẩn số, kinh tế Việt Nam vẫn có sự khởi sắc tốt, thể hiện qua con số tăng trưởng GDP quý 1, quý 2 khả quan.
"Mặc dù vẫn có các nhóm gặp khó khăn như bất động sản, hàng không, tuy nhiên các nhóm như hóa chất, thép, thủy sản, công nghệ viễn thông… vẫn đạt kết quả nổi trội. Đó là một trong những căn cứ để các chuyên gia kinh tế, chuyên gia quản lý quỹ hướng tới, tập trung đến cơ hội nào trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn đang gặp khó khăn. Vấn đề cần quan tâm hiện tại đó là chúng ta phải tìm ra những cơ hội ẩn giấu trong đó chứ không phải ngồi đợi các con sóng lớn, dòng tiền ồ ạt khi thị trường bùng nổ", ông Lê Đức Khánh nhấn mạnh.
Về mặt kỹ thuật, vị chuyên gia này phân tích, dãy số Fibonacci là dãy vô hạn các số tự nhiên bắt đầu bằng 1 và 1, sau đó các số tiếp theo sẽ bằng tổng của 2 số liền trước nó. Điều này có nghĩa, trong 1 năm sẽ có những thời điểm thị trường tuân theo những quy luật nhất định. Ví dụ, thị trường 3 tháng tăng thì tháng 4 giảm, tháng 5 tăng tháng 6 sẽ nửa tăng nửa giảm, tháng 7 giảm thì tháng 8 sẽ phải tích cực hơn. Trong bối cảnh như vậy, VN-Index khả năng rất cao sẽ nhận đáy chính xác ở khoảng 1.200 - 1.220, khu vực được hỗ trợ bởi đường MA200.
"Thị trường sẽ tạo đáy trong khoảng từ 3 - 8 phiên, kéo dài đến hết tháng 7 điều chỉnh và có thể tháng 8 thị trường sẽ tích cực hơn. Nhìn chung, xu hướng của thị trường năm nay vẫn là uptrend. Tôi nghĩ rằng năm ngoái VN-Index tăng 12% thì năm nay tăng khoảng 18%, tốt hơn năm ngoái không phải là điều gì quá lạc quan khi mà nền kinh tế đã khởi sắc hơn. Với những tín hiệu chúng ta thấy thị trường đang tích lũy để bứt lên hoặc giảm thì nhiều năm vừa qua, quy mô vốn hóa của thị trường đã tăng lên rất nhiều rồi thì không có lý gì mà chỉ số VN-Index có thể nằm dưới 1.200 lâu như thế cả và hoàn toàn có thể đạt mức 1.350", đại diện Chứng khoán VPS cho hay.
Đồng thời, ông Lê Đức Khánh cho rằng, nửa cuối năm 2024 và đặc thù trong năm 2024 này sẽ là cơ hội của các cổ phiếu riêng lẻ, những cổ phiếu có sự nổi trội về kết quả kinh doanh, cổ phiếu có sự thay đổi từ khó khăn mà đi lên hoặc những cổ phiếu đang tăng trưởng mà có kết quả kinh doanh đột phá… trong các lĩnh vực như hóa chất, ngành thép, dệt may, bất động sản khu công nghiệp…, thậm chí kể cả trong những lĩnh vực chưa được chú ý lắm.
"Tôi nghĩ rằng, nửa cuối năm 2024 là thời gian của những cổ phiếu đơn lẻ trong từng nhóm ngành, mà các nhóm như công nghệ viễn thông, tài chính, hóa chất, thép là được ưa thích hơn cả. Do vậy, các nhà đầu tư nên chú ý rằng, từ nay đến cuối năm hoặc năm tới, thị trường hồi phục, chúng ta hãy nhìn vào doanh nghiệp nào bắt đầu có kết quả kinh doanh, dòng tiền xu hướng ổn định, cải thiện tốt hơn thì chắc chắn sẽ nhận được nhiều sự chú ý hơn", theo ông Khánh.