Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam vừa công bố báo cáo chiến lược tháng 7/2024 với điểm nhấn nhiều động lực sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán vượt ngưỡng kháng cự 1.300 điểm.
TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ CẢ NĂM 2024 SẼ ĐẠT 6,2%
Điểm qua một chút về kinh tế vĩ mô, báo cáo của Yuanta Việt Nam cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 2 của Việt Nam đạt 6,93%, cao hơn nhiều so với quý 1 (5,87%) và cùng kỳ quý 2/2023 (4,05%) nhờ sự dẫn dắt của lĩnh vực công nghiệp xây dựng và lĩnh vực dịch vụ. Nhìn chung kinh tế trong nước hồi phục ngày càng rõ nét và tháng sau tốt hơn tháng trước.
Cụ thể, tình hình kinh tế tháng 6 cho thấy nhiều tín hiệu khả quan hơn tháng 4 và 5 khi các dữ liệu về hoạt động sản xuất, tiêu dùng, xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt hơn cũng như các yếu tố nền tảng vĩ mô như lãi suất liên ngân hàng, tỷ giá và giá vàng đều hạ nhiệt.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng so với tháng trước và tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Điểm đáng chú ý là số đơn hàng mới và đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh bất chấp giá bán tăng và áp lực chi phí đầu vào. Nhu cầu lao động tăng trở lại hứa hẹn tạo sức tiêu dùng tăng mạnh hơn trong thời gian tới.
Trong khi đó, nhu cầu hàng hóa từ các nước xuất khẩu chính đã tăng trở lại khi nền kinh tế tại các nước xuất khẩu chủ lực đang hồi phục tốt hơn. Điểm tích cực là xuất siêu đã quay trở lại trong tháng 6 sau khi nhập siêu trong tháng 5, điều này sẽ hỗ trợ thêm có vấn đề tỷ giá đang dần hạ nhiệt.
Hoạt động đầu tư vẫn là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, trong khi vốn đăng ký và giải ngân FDI tháng 6 tăng trưởng mạnh mẽ trở lại thì hoạt động đầu tư công vẫn đang được đốc thúc mạnh mẽ. Ngoài ra, tình hình đăng ký thành lập doanh nghiệp mới và số vốn đăng ký đều tăng trưởng so với tháng 5 và cùng kỳ năm ngoái.
Các dữ liệu vĩ mô cho thấy điều kiện kinh doanh ổn định hơn khi: tỷ giá hạ nhiệt nhờ sự can thiệp và điều tiết của Ngân hàng Nhà nước; giá vàng hạ nhiệt và thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới sau nhiều biện pháp từ Chính phủ. Mặc dù lãi suất huy động tăng nhẹ và tạo mức nền mới nhưng lãi suất cho vay vẫn ở mức thấp và thanh khoản thị trường liên ngân hàng đã ổn định hơn.
Riêng lạm phát vẫn là một yếu tố cần phải theo dõi dù chỉ tăng nhẹ trong tháng 6 do áp lực từ chi phí đầu vào, chi phí vận tải tăng, bên cạnh việc tăng lương cơ bản áp dụng từ 1/7 cũng sẽ tạo thêm gánh nặng lên lạm phát.
Với đà hồi phục kinh tế trong nước và thế giới ngày càng rõ ràng hơn, Chứng khoán Yuanta đánh giá tốc độ tăng trưởng GDP trong quý 3 sẽ tiếp tục cao hơn quý 2, giảm nhẹ trong quý 4 do mức nền quý 4/2023 khá cao và tăng trưởng kinh tế cả năm đạt khoảng 6,2%, tương đương mức điều chỉnh hồi cuối quý 1.
VN-INDEX VẪN CÓ THỂ VƯỢT 1.300 ĐIỂM
Xét riêng về thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index đóng cửa tháng 6 ở mức 1.245 điểm (giảm 1,3% so với tháng 5) với thanh khoản “đi lùi”. Đồng thời, đồ thị giá của chỉ số VN-Index chưa thể vượt được mức kháng cự tâm lý 1.300 điểm.
Tuy nhiên, nhóm phân tích đánh giá thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực, do đó Chứng khoán Yuanta kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ sớm vượt được mức kháng cự 1.300 điểm trong tháng tới.
Bên cạnh đó, kỳ vọng Fed sớm hạ lãi suất trong tháng 9, yếu tố hỗ trợ cho đà tăng trong quý 3. Đồng thời, các dữ liệu vĩ mô tích cực cùng với dữ liệu tăng trưởng tích cực của các doanh nghiệp niêm yết trong quý 2 cũng hỗ trợ cho đà tăng của thị trường trong tháng 7.
“Định giá thấp ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cùng với đó mức P/E dự phóng của chỉ số VN-Index ở mức 12.x tương đương lợi suất 8,3% cho thấy thị trường chứng khoán vẫn đang hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác kể cả khi lãi suất tiết kiệm đang có xu hướng tăng trở lại”, báo cáo nêu rõ.
Dựa trên những dữ liệu đưa ra, Chứng khoán Yuanta đã đưa ra khuyến nghị những nhóm cổ phiếu chú ý tháng 7. Đó là vận tải (VTP, SGP, ACV, HAH, PVT); công nghệ (FPT, CMG); hóa chất (LAS, CSV, BFC, DGC, DDV); sản xuất thực phẩm (DBC, CLX, PAN); sản xuất dầu khí (PLX); dịch vụ tài chính (FTS, BVS, VDS, CTS, BSI); du lịch và giải trí (SCS, HVN); ngân hàng (TCB, HDB, ACB, MBB) và điện (REE).