Thêm "hàng" cho thị trường chứng khoán, kỳ vọng gắn IPO với niêm yết thành một quy trình

Trong khi doanh nghiệp ngại lên sàn vì chưa thấy nhà đầu tư có thể mua được phần vốn thì từ phía nhà đầu tư mong muốn vào thị trường, vấn đề của họ lại là chưa nhìn thấy cơ hội đầu tư do vắng các doanh nghiệp lớn, tiềm năng…

thi-truong-chung-khoan-trong-nuoc-sut-giam-manh-thoi-gian-qua-9572.jpeg

Tại tọa đàm "Thị trường chứng khoán Việt Nam – Động lực mới, cơ hội mới" diễn ra sáng ngày 23/7, các chuyên gia cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua 24 năm hình thành và phát triển. Đây là một chặng đường tuy không quá dài nhưng đã ghi nhận những kết quả và để lại nhiều dấu ấn đối với quá trình phát triển kinh tế – xã hội nói chung cũng như thị trường tài chính của Việt Nam nói riêng.

Việc nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi được kỳ vọng không những sẽ góp phần nâng cao hình ảnh môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung mà còn giúp hình thành một thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển sôi động hơn, minh bạch hơn, có thêm nhiều doanh nghiệp mới niêm yết, thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia; từ đó giúp thị trường chứng khoán thực sự trở thành một kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế và đem lại nhiều cơ hội cho các chủ thể tham gia thị trường.

24 NĂM KHẲNG ĐỊNH CHÍNH MÌNH

Chia sẻ về hành trình phát triển 24 năm, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam có chặng đường phát triển chưa dài. So với các thị trường trong khu vực, thời gian hình thành và phát triển của Việt Nam chỉ bằng một phần tư các thị trường xung quanh như Philippines, Malaysia, Thái Lan,...

Tuy nhiên, có thể thấy trong thời gian 24 năm, thị trường đã có những bước tiến vượt bậc và hiện đã vươn tới là một trong những thị trường khá lớn trong khu vực. Thị trường bắt đầu với hai cổ phiếu, đến nay đã có hơn 1.800 cổ phiếu được đăng ký niêm yết và giao dịch trên thị trường.

Mức vốn hóa thị trường hiện cũng đã lên tới 70% của GDP (trên 300 tỷ USD). Con số này không thấp, có thể đứng thứ 30 đến 35 trong danh sách các thị trường chứng khoán có mức vốn hoá lớn nhất trên thế giới.

Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam rất sôi động với mức thanh khoản trong năm 2024 luôn luôn ở mức gần 1 tỷ USD (khoảng 24.000 tỷ trong mỗi phiên giao dịch), chưa tính đến khối lượng giao dịch trên thị trường trái phiếu Chính phủ (khoảng 8.000 – 10.000 tỷ đồng/phiên) cùng với trái phiếu doanh nghiệp (khoảng 3.000 tỷ đồng). Do đó, có thể nói thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường sôi động nhất trong khu vực Đông Nam Á.

ong-bui-hoang-hai-pho-chu-tich-ubcknn-5726.jpg
Ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Về mặt ý nghĩa, ông Bùi Hoàng Hải cho hay thị trường trong 24 năm qua đã tạo ra một giá trị rất lớn đối với nền kinh tế. Đầu tiên là thúc đẩy việc cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước. Hiện có khoảng 1.800 doanh nghiệp đang niêm yết và giao dịch, gần một nửa trong số đó là các doanh nghiệp có nguồn gốc từ cổ phần hóa.

Nhiều doanh nghiệp Nhà nước mở rộng sản xuất kinh doanh, hoạt động hiệu quả và mang lại nhiều giá trị cho các nhà đầu tư cũng như Nhà nước.

"Đối với doanh nghiệp tư nhân, trên thị trường hiện có rất nhiều tập đoàn tư nhân đang niêm yết. Nếu không có thị trường chứng khoán, chỉ với năng lực nội tại hay từ nguồn vốn ngân hàng thì khó có thể có được những tập đoàn kinh tế lớn đang niêm yết trên thị trường hiện nay, trong đó, nhiều tập đoàn đã đứng trong Top 500 trong khu vực Đông Nam Á", ông Hải chia sẻ.

Về đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, bà Lê Thị Lệ Hằng, Giám đốc Chiến lược Chứng khoán SSI cho biết nhà đầu tư nước ngoài đánh giá tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam là rất lớn, với dân số trẻ, GPD tăng trưởng cao nhất trong các thị trường láng giềng và nguồn vốn FDI dồi dào.

Tuy nhiên, thị trường còn những mặt hạn chế như phải ký quỹ 100% trước khi giao dịch, gây khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài; tỷ lệ room nước ngoài cũng là một rào cản lớn; và thị trường không có quá nhiều lựa chọn mới trong những năm vừa qua, có thể thấy trong rổ VN30 chưa có ý tưởng nào mới để tạo xúc tác cho thị trường.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất kỳ vọng vào việc Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi dù chỉ là của FTSE Russell, điều này tạo tiền đề cho việc nâng hạng tiếp theo tại MSCI.

GIẢI QUYẾT BÀI TOÁN “KHAN HÀNG”

Trước thềm nâng hạng, một trong những câu chuyện được nhiều nhà đầu tư quan tâm là việc thúc đẩy thêm doanh nghiệp lên sàn trong bối cảnh khan hiếm hàng hoá mới trên thị trường. Đứng dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Bùi Hoàng Hải cho biết, trong quá trình 24 năm kể từ khi thành lập thị trường chứng khoán, Chính phủ, Bộ Tài chính cũng như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có định hướng rõ ràng là hạn chế tối đa can thiệp bằng các biện pháp hành chính vào thị trường. Do vậy, sẽ không diễn ra câu chuyện dùng biện pháp hành chính để ép doanh nghiệp niêm yết hay từ bỏ thị trường.

“Mối quan hệ giữa nhiều doanh nghiệp lớn và nâng hạng thị trường là mối quan hệ hữu cơ. Nhiều doanh nghiệp lớn chưa niêm yết vì họ chưa nhìn thấy khối lượng nhà đầu tư lớn có thể mua được phần vốn lớn của họ và họ không muốn tỷ lệ sở hữu bị dàn trải quá. Do đó, việc hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp lớn niêm yết nhiều hơn cũng là giải pháp chúng tôi cố gắng để nâng hạng thị trường. Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn vào thị trường khi họ nhìn thấy có nhiều doanh nghiệp lớn. Đây là mối quan hệ hai chiều.”, ông Hải nhấn mạnh.

Về mặt kỹ thuật, ông Hải cho biết hiện tại IPO và niêm yết vẫn là 2 quá trình riêng biệt. Một số doanh nghiệp sau khi IPO sẽ trải qua khoảng thời gian kéo dài cho đến khi niêm yết. Trong khi đó, đối với nhà đầu tư tài chính nước ngoài, sau khi mua cổ phiếu, việc phải chờ từ 3 tháng trở lên không có giao dịch, không có thanh khoản sẽ là rào cản rất lớn, thậm chí một số quỹ hiện đang cầm những cổ phiếu không được niêm yết.

Để giải quyết câu chuyện này, ông Bùi Hoàng Hải cho biết Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang rà soát, sửa đổi các quy định để tích hợp 2 quy trình IPO và niêm yết thành 1. Sau khi được sửa đổi, việc niêm yết sẽ gần như được tiến hành ngay khi IPO một cách thực chất.

ba-le-thi-le-hang-giam-doc-chien-luoc-cong-ty-co-phan-chung-khoan-ssi-6030.jpg
Bà Lê Thị Lệ Hằng, Giám đốc Chiến lược Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI

Bà Lê Thị Lệ Hằng đánh giá việc kết hợp IPO và niêm yết thành 1 quy trình là ý kiến rất hay, sẽ rút ngắn thời gian cho một số doanh nghiệp, qua đó tạo động lực cho doanh nghiệp niêm yết.

Bên cạnh đó, bà Hằng đề xuất nên thúc đẩy các doanh nghiệp FDI lên sàn để gia tăng hàng hoá trên thị trường. Theo bà, điều lăn tăn duy nhất khi nhóm doanh nghiệp có vốn nước ngoài này lên sàn là rủi ro bán cổ phần, chuyển tiền ra nước ngoài. Lo ngại này hoàn toàn có thể được kiểm soát bởi các cơ chế về giữ tiền, tái đầu tư. Cơ quan quản lý có thể chia sẻ với doanh nghiệp để đưa ra lộ trình phù hợp.

Theo đại diện SSI, hiện các quỹ đầu tư nội địa ở Việt Nam chỉ có 10% đầu tư vào doanh nghiệp chưa niêm yết, với yêu cầu các doanh nghiệp này phải niêm yết trong vòng 1 năm, nếu không quỹ sẽ phải bán ra cổ phiếu. Đây là một cách mà các quỹ tạo alpha (hệ số đo lường hiệu quả đầu tư) khi đầu tư vào doanh nghiệp chưa niêm yết.

Bà Lê Thị Lệ Hằng đề xuất cơ quan quản lý nên cân nhắc một chế tài tương tự tại hệ thống giao dịch UPCoM. Hiện UPCoM có nhiều doanh nghiệp năng động nên được giao dịch niêm yết chính thức.

Tại tọa đàm, ông Bùi Hoàng Hải cũng nêu thực trạng, hiện nay cũng có một số doanh nghiệp khá lớn đang đăng ký giao dịch trên UPCoM và chưa đi vào niêm yết. Nguyên nhân là do ý chí của bản thân doanh nghiệp. Đồng thời, UPCoM là sàn giao dịch cho các doanh nghiệp chưa niêm yết chưa đáp ứng tiêu chuẩn. Có những doanh nghiệp có quy mô kinh doanh rất lớn và tình hình sản xuất rất tốt vẫn chưa niêm yết được có thể là do yếu tố kỹ thuật như báo cáo tài chính có những khoản ngoại trừ, các yếu tố này dù bé nhưng nếu chưa giải quyết được được thì sẽ rất khó khăn để được niêm yết.

Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, cơ quan này đang thực hiện tái cấu trúc để phân chia lại các mảng của thị trường chứng khoán, sắp xếp các doanh nghiệp trong các mảng của thị trường 1 cách phù hợp.

“Câu chuyện sắp xếp của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải dựa trên cơ sở tự nguyện của doanh nghiệp, không có tính chất bắt buộc và không để xảy ra tình trạng bất ổn, đảm bảo tính ổn định của thị trường”, ông Bùi Hoàng Hải nói.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm