Sáng 19/7, Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức diễn đàn thường niên Đối thoại tháng 7 với chủ đề “Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức”.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bà Vũ Thị Chân Phương cho biết việc nâng hạng thị trường không chỉ thu hút những tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia, thúc đẩy nguồn vốn gián tiếp mà còn có thể tăng cường năng lực quản trị công ty, nâng cao hình ảnh cũng như góp phần vào việc thúc đẩy tiến trình thoái vốn cũng như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Bên cạnh đó, nâng hạng thị trường còn là một giải pháp để cấu trúc dòng tiền nhà đầu tư trên thị trường. Những cá nhân đang chiếm trên 90% thanh khoản thị trường, trong khi khối này thường chịu tác động tâm lý. Đó là nguyên do thị trường chứng khoán Việt Nam chưa ổn định trong một số giai đoạn.
“Muốn ổn định thị trường, cơ cấu nhà đầu tư tổ chức thường phải chiếm 50 - 60% như những nước phát triển, khi đó thị trường của chúng ta mới có thể ổn định, tránh câu chuyện tâm lý khiến thị trường lúc lên lúc xuống mà không hiểu lý do vì sao”, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ.
GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY NÂNG HẠNG THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
Theo bà bà Vũ Thị Chân Phương, thời gian qua, Uỷ ban Chứng khoán luôn chú trọng tới công tác thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Số lượng nhà đầu tư nước ngoài tham gia ngày càng gia tăng; dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng đã hiện diện ngày càng nhiều ở các doanh nghiệp với nhiều vai trò khác nhau, từ cổ đông chiến lược, cổ đông lớn hay nhà đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp trên thị trường thông qua các quỹ đầu tư.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng giá trị danh mục đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 45,64 tỷ USD, tương đương 19% quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu.
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã, đang khẩn trương rà soát và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý để từng bước gỡ các nút thắt trong việc xem xét nâng hạng theo các tiêu chí của các tổ chức quốc tế, đồng thời phối hợp tích cực với các Bộ, ngành liên quan quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm đáp ứng các tiêu chí của các tổ chức đánh giá xếp hạng thị trường hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi, cụ thể:
Về pháp lý, Ủy ban Chứng khoán đã và đang tích cực làm việc với các thành viên thị trường, các tổ chức trong và ngoài nước để đề ra giải pháp khả thi đối với những vướng mắc chính trong việc xem xét nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi thông qua dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung 4 thông tư về giao dịch, về đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ, về hoạt động của công ty chứng khoán và về công bố thông tin nhằm sửa đổi 2 quy định về yêu cầu ký quỹ trước trước giao dịch và yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Đến nay, Bộ Tài chính đang trong quá trình hoàn thành dự thảo cuối cùng của Thông tư. Dự kiến trong tháng 7 này, Bộ sẽ đăng tải toàn bộ nội dung của dự thảo này cùng các nội dung tiếp thu, giải trình lên trang web của Bộ Tài chính trước khi ban hành.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước, các giải pháp, quy định mới trong dự thảo Thông tư là phù hợp và có tính khả thi cao. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước kỳ vọng việc ban hành Thông tư sẽ tác động tích cực đến quá trình xét nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Song song với đó, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán đã và đang tiếp tục làm việc với bộ ngành có liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để cùng phối hợp đưa ra các giải pháp đáp ứng các tiêu chí nâng hạng.
Các bộ, ngành đang tích cực triển khai các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam, như việc sửa đổi quy định pháp lý liên quan đến thủ tục mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp theo hướng giảm thiểu thủ tục và rút ngắn thời gian mở tài khoản, cập nhật và công bố đầy đủ tỉ lệ sở hữu nước ngoài tối đa đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hạn chế tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, tích cực chủ động làm việc thường xuyên với các tổ chức xếp hạng, các nhà đầu tư quốc tế lớn nhằm tuyên truyền về chủ trương, định hướng và sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong công tác nâng hạng thị trường; tăng cường phối hợp với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài để giải đáp thắc mắc và ghi nhận, tháo gỡ các khó khăn của nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam; tranh thủ sự ủng hộ của nhà đầu tư nước ngoài về mục tiêu nâng hạng.
Tiếp đến, cơ quan quản lý thường xuyên trao đổi, phối hợp và trao đổi với các công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký để các thành viên thị trường cập nhật thông tin mới nhất về việc sửa đổi khung pháp lý nhằm hỗ trợ các thành viên thị trường có sự chủ động để chuẩn bị sẵn sàng về hệ thống kết nối, hệ thống vận hành, nguồn lực về vốn và các giải pháp quản trị phù hợp khi các văn bản pháp lý được ban hành và đưa vào triển khai thực hiện.
Người đứng đầu Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, việc nâng hạng phụ thuộc vào sự đánh giá khách quan của các tổ chức xếp hạng quốc tế thông qua trải nghiệm thực tế của các nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, dưới sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh sự nỗ lực cao nhất của cơ quan quan quản lý, để đem lại kết quả như kỳ vọng cần sự tham gia và quyết tâm của các bộ, ngành có liên quan.
“Đồng thời, rất cần sự chung sức của các thành viên thị trường trong cung cấp dịch vụ, các công ty niêm yết, đặc biệt là các tổ chức niêm yết lớn trong vấn đề công bố thông tin minh bạch, công bố thông tin bằng tiếng Anh, quản trị công ty theo thông lệ tốt…", bà Vũ Thị Chân Phương nhấn mạnh.
KHỐI NGOẠI “XẢ RÒNG” DO THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN CHƯA NÂNG HẠNG
Tại diễn đàn, đã có rất nhiều chuyên gia bàn luận về động thái bán ròng mạnh của nhà đầu tư nước ngoài từ năm 2023 đến nay. Tính riêng từ đầu năm 2024, khối ngoại bán ròng 2 tỷ USD. Nếu tính từ năm 2020, nhóm này bán ròng khoảng 4 tỷ USD.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho biết có 3 lý do chính mà nhà đầu tư nước ngoài là đối tác của FiinGroup đã đưa ra.
Thứ nhất, nhà đầu tư nước ngoài phân bổ lại tài sản, đặc biệt là rút khỏi thị trường mới nổi do họ không kỳ vọng vào việc Fed giảm lãi suất. Tiếp đến, nhà đầu tư nước ngoài cũng hiện thực hóa một phần lợi nhuận khi rủi ro tỷ giá ở thị trường Việt Nam khá lớn. Ngoài ra, khối ngoại cũng có tâm lý lo lắng khi thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều đặc thù, bên cạnh đó là triển vọng về sự phục hồi của bất động sản và rủi ro tỷ giá vẫn còn hiện hữu.
Đáng chú ý, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital cho hay, 4 năm nay nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 4 tỷ USD, riêng năm nay là 2 tỷ USD. Nếu như trước đây nhà đầu tư nước ngoài biết đến Việt Nam có Hà Nội, TP. HCM để du lịch và làm ăn thì gần đây họ thấy ở Việt Nam không có nhiều yếu tố mới và thú vị để thu hút sự quan tâm của họ. Trong khi nhiều thị trường khác có điều đó.
Tuy nhiên, thị trường cũng có nhiều yếu tố khách quan khó tác động. Yếu tố lớn nhất là tăng lãi suất của Mỹ 2 năm nay ảnh hưởng nhiều tâm lý nhà đầu tư và chiến lược đầu tư theo thị trường chỉ số trong khi thị trường cận biên đang gặp thất bại hoàn toàn.
Đặc biệt là khi thị trường chứng khoán Việt Nam chưa nâng hạng cũng tác động vào tư duy của nhà đầu tư nước ngoài. Việc thuyết phục các định chế tài chính với mong muốn đầu tư vào Việt Nam trở nên khó khăn hơn do Việt Nam không nằm trong chỉ số nên khoản đầu tư này dự kiến chỉ là ngoại lệ. Ngoài ra, biến động mạnh của nền kinh tế cũng ảnh hưởng đến quan điểm rủi ro của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, ông Lê Thanh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC chia sẻ thêm về kế hoạch thoái vốn tại những doanh nghiệp do SCIC đang sở hữu lớn. Theo đó, ông Tuấn cho biết các nhà đầu tư tổ chức trong và nước ngoài muốn tham gia mua bán cổ phần nhà nước không dễ.
Khối ngoại đang muốn mua lại phần của Nhà nước và Nhà nước cũng muốn bán để tăng cung hàng nhưng hiện giờ thoái vốn và cổ phần hóa khó thu hút nhà đầu tư tổ chức. Nguyên nhân được cho là phải thực hiện thông qua con đường đấu giá, công bố thông tin theo quy định... những điều này không thu hút được sự tham gia nhà đầu tư tổ chức.
"Gần đây nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia các thương vụ thoái vốn của SCIC nhưng hiện giờ chúng ta phải đấu giá, chưa theo quy trình của nước ngoài, đó là trở ngại lớn của nhà đầu tư tổ chức khi tham gia thoái vốn hóa của nhà nước", ông Tuấn cho biết.
Theo thống kê của FiinGroup, nhà đầu tư nước ngoài hiện đang sở hữu khoảng 14% trên thị trường cổ phiếu Việt Nam. Tại thời điểm cuối năm 2023, tỷ lệ sở hữu nước ngoài lần lượt là 19,83% (HOSE), 10,99% (HNX) và 4,24% (UPCoM).
Mặc dù còn phụ thuộc sự hấp dẫn của cổ phiếu để thu hút nhà đầu tư tổ chức, tuy nhiên tỷ lệ sở hữu được tự do chuyển nhượng (freefloat) của thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức tương đối thấp, ước tính ở mức 45,5%. Do đó, cùng với tiến trình thoái vốn Nhà nước ở nhiều doanh nghiệp, dư địa để thu hút thêm nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước còn rất lớn.