Bên con đường cao tốc đầy bụi ở phía Nam Ấn Độ, ba tòa nhà xưởng mới mọc lên sau hàng rào thép gai màu đen. Bên trong tường rào, vẫn còn vài chiếc xe - máy phục vụ các công trình còn dang dở. Vào một buổi chiều tháng 5/2023, từng nhóm nữ công nhân mặc đồng phục màu xanh - hồng hối hả từ tòa nhà này sang tòa nhà khác.
Tổ hợp nhà máy này ở Sriperumbudur, một thị trấn công nghiệp thuộc bang Tamil Nadu, là một trong những trung tâm lắp ráp iPhone quan trọng nhất của Apple bên ngoài Trung Quốc. Đây cũng là một nhà máy lớn nhất tại Ấn Độ của Foxconn - đối tác quen thuộc của Apple. Ba lần mỗi ngày, cổng vào nhà máy này mở ra để đón những chiếc xe bus chở hàng nghìn công nhân - khoảng 3/4 trong số đó là phụ nữ. Những công nhân này dành tám giờ mỗi ngày, sáu ngày mỗi tuần, trên dây chuyền lắp ráp hoặc vận hành máy móc. Nhà máy này là một trong những nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất ở Ấn Độ, với khoảng 17.000 nhân viên và sản xuất ra 6 triệu chiếc iPhone mỗi năm. Và đáng nói là nó vẫn đang trong quá trình mở rộng nhanh chóng.
CHUYỂN HƯỚNG CỦA APPLE, THAM VỌNG CỦA FOXCONN
Hầu hết trong số 232 triệu chiếc iPhone mà Apple bán ra vào năm 2022 đều đến từ các nhà máy ở Trung Quốc, trong đó nhiều chiếc có nguồn gốc từ một cơ sở Foxconn lớn duy nhất ở Zhengzhou. Nhưng những làn sóng địa chính trị đang thay đổi gần đây đã buộc Apple phải đánh giá lại việc tiếp tục đặt niềm tin tại Trung Quốc. Đầu tiên là đại dịch COVID-19, khi các biện pháp phong tỏa khắc nghiệt của Bắc Kinh đã làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngay sau khi đại dịch được khống chế, những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc xung quanh liên quan đến các vấn đề địa chính trị thể dẫn đến những hậu quả tai hại, không chỉ đối với thế giới mà còn đối với khả năng sản xuất nhiều sản phẩm đằng sau hoạt động kinh doanh trị giá 2,7 nghìn tỷ USD của Apple.
Vì vậy, Apple đang đặt cược vào Ấn Độ, một quốc gia có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc nhưng lại có dân số trẻ 1,4 tỷ người. Vào tháng 9/2022, Apple thông báo iPhone 14 sẽ được lắp ráp lần đầu tiên tại Ấn Độ. (Cho đến lúc đó, nhà máy Sriperumbudur chỉ xử lý các mẫu máy cũ hơn.) Vào tháng 4 năm nay, Giám đốc điều hành Apple Tim Cook đã bay tới Ấn Độ, nơi ông gặp Thủ tướng Narendra Modi, cam kết đầu tư sâu hơn bao giờ hết vào nước này và đích thân khai trương hai cửa hàng của Apple tại đây. Hiện tại, các công nhân tại nhà máy Sriperumbudur đang lắp ráp chiếc iPhone 15 mới, được bán chính thức vào tháng 9.
Thúc đẩy chiến lược chuyển hướng sang Ấn Độ của Apple là Foxconn. Đến năm 2024, Foxconn hy vọng sẽ tăng gần gấp bốn lần sản lượng tại nhà máy Nam Ấn Độ này lên 20 triệu iPhone mỗi năm và được cho là có kế hoạch thuê thêm hàng chục nghìn công nhân để biến điều đó thành hiện thực. Hình ảnh vệ tinh do Planet Labs cung cấp cho thấy sự mở rộng nhanh chóng của khu phức hợp, với ba tòa nhà máy mới được xây dựng trong hai năm qua và khu đất mới được khởi công trên không gian đủ rộng để chứa ít nhất ba tòa nhà nữa.
Theo phân tích của JPMorgan, Apple có thể sản xuất 25% tổng số iPhone ở Ấn Độ vào năm 2025, tăng từ mức chỉ 5% vào năm 2022.
Sự chuyển hướng sang Ấn Độ này có người thắng và kẻ thua. Foxconn có lịch sử trả lương thấp, điều kiện làm việc khắc nghiệt và đặt ra các mục tiêu khắt khe tại các nhà máy ở Trung Quốc. Và với việc có "tác động" để Apple chuyển hướng sang Ấn Độ, Foxconn cũng được cho là đang áp dụng đúng những cách thức vận hành đó tại các nhà máy mới.
Năm 2021, 159 công nhân của Foxconn đã phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm do ăn thực phẩm không hợp vệ sinh tại nhà trọ do nhà thầu phụ cung cấp. Vụ việc đó đã gây ra một làn sóng phản đối kéo dài nhiều ngày, thu hút sự chú ý của giới truyền thông đến điều kiện sống tồi tàn mà công nhân lắp ráp iPhone phải đối mặt. Tiếp theo việc nhập viện là một cuộc thanh tra của chính phủ đối với nhà máy - điều chưa từng được báo cáo trước đây - trong đó mô tả nhiều rủi ro về an toàn và vi phạm quyền của người lao động. Foxconn cho biết trong một tuyên bố rằng cuộc thanh tra của chính phủ, được thực hiện vào tháng 12/2021, đã thúc đẩy Foxconn chi 1,6 triệu USD để cải thiện sức khỏe và an toàn trong nhà máy với sự giám sát của Apple và chính quyền bang Tamil Nadu.
Tờ TIME đã có các cuộc phỏng vấn vào đầu năm năm nay với các công nhân hiện tại và tám nhà tổ chức cộng đồng trong và xung quanh nhà máy Sriperumbudur của Foxconn. Tất cả công nhân đều phát biểu với điều kiện giấu tên vì sợ rằng việc nói chuyện với giới truyền thông sẽ dẫn đến sự trả thù. “Những gì chúng tôi làm trong nhà máy này không phải là những gì chúng tôi đã được giới thiệu khi tuyển dụng”, một nữ công nhân nói với TIME. “Nhưng nó đã trở thành vấn đề sống còn của gia đình chúng tôi.”
Apple đã từ chối yêu cầu cho phóng viên đi tham quan thực tế nhà máy Sriperumbudur cũng như từ chối các cuộc phỏng vấn. Foxconn đã không trả lời các yêu cầu tương tự. Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Apple cho biết các vấn đề tại nhà máy Sriperumbudur đã được giải quyết sau vụ ngộ độc thực phẩm và nói thêm rằng các cuộc kiểm toán thường xuyên của Apple đã phát hiện ra rằng các điều kiện trong nhà máy đang liên tục được cải thiện. Foxconn cho biết sức khỏe và sự an toàn của nhân viên là “ưu tiên hàng đầu”.
NHỮNG ĐIỂM MỜ SAU THANH TRA
Vào lúc 9 giờ sáng ngày 17/12/2021, hai ngày sau vụ ngộ độc thực phẩm, một thanh tra an toàn và sức khỏe của chính quyền bang Tamil Nadu đã có mặt tại cổng nhà máy iPhone ở Sriperumbudur.
Cuộc kiểm tra phát hiện sáu công nhân tại bộ phận hàn thủ công các bộ phận iPhone lại với nhau “không được cung cấp thiết bị bảo hộ” bao gồm kính bảo hộ, găng tay chống hóa chất hoặc mặt nạ phòng độc, theo một bản sao báo cáo do thanh tra chính phủ gửi cho Foxconn. Cuộc kiểm tra cho thấy tại các khu vực của nhà máy nơi tiến hành hàn, hệ thống thông gió không đủ để ngăn chặn “sự thoát ra và phát tán khói độc vào môi trường làm việc”. Bức thư cho biết quá trình hàn đó “rất nguy hiểm đối với sức khỏe của người lao động”.
Tại một khu vực khác của nhà máy, thanh tra phát hiện công nhân “không được cung cấp kính bảo hộ phù hợp để bảo vệ mắt khỏi ánh sáng quá mức và bức xạ hồng ngoại”. Ông đã xác định được 77 bộ phận máy móc tự động thiếu cơ chế “khóa liên động” quan trọng trên cửa để ngăn hoạt động trong các điều kiện nguy hiểm và 262 trường hợp thiếu bộ phận bảo vệ trên máy ép. Báo cáo cho biết việc thiếu các cơ chế bảo vệ này có nguy cơ gây thương tích cho cơ thể. Báo cáo cho biết, sáu lò nướng công nghiệp lớn dùng để gắn các bộ phận điện nhỏ vào bảng mạch iPhone vẫn chưa được “người có thẩm quyền kiểm tra” trước khi công nhân nhà máy sử dụng chúng.
Theo báo cáo, cuộc thanh tra cũng phát hiện một số hành vi vi phạm luật lao động rõ ràng. Ít nhất 11 công nhân trong nhà máy đã bị yêu cầu làm việc quá giờ trong ba tháng liền. Ít nhất 17 công nhân đã được yêu cầu làm việc vào Chủ nhật - thường là ngày nghỉ hàng tuần duy nhất của họ - mà không được nghỉ phép thay thế trong vòng ba ngày.
Báo cáo nhấn mạnh: “Tất cả các nhà vệ sinh và bồn tiểu trong nhà máy không phải lúc nào cũng được duy trì trong điều kiện sạch sẽ và hợp vệ sinh”, đồng thời các mảnh vụn hiện diện ở tầng trệt của nhà máy gây ra rủi ro về an toàn. Thanh tra tuyên bố rằng người quản lý nhà máy đã không lưu giữ sổ đăng ký công nhân trong nhà máy hoặc sổ đăng ký tiền lương của họ. Và hơn 4.500 trong số 6.126 công nhân tại nhà máy tại thời điểm kiểm tra được cho là không phải do Foxconn tuyển dụng,
Báo cáo cũng lưu ý rằng thanh tra đã phát hiện ra nhiều hành vi vi phạm luật pháp tiểu bang. Những phát hiện tương tự cũng có thể cấu thành hành vi vi phạm “quy tắc ứng xử dành cho nhà cung cấp” dài 127 trang của Apple mà trên giấy tờ bảo đảm cho những công nhân có quyền làm việc xứng đáng trong một môi trường an toàn. Quy tắc này quy định rằng các nhà cung cấp của Apple phải cung cấp “điều kiện làm việc an toàn” bao gồm việc cung cấp thiết bị bảo hộ cá nhân, đảm bảo thông gió đầy đủ và duy trì các cơ chế an toàn thích hợp trên máy móc. Tài liệu cho biết bất kỳ việc làm thêm giờ nào đều phải mang tính tự nguyện. Công nhân phải được nghỉ ít nhất một ngày trong bảy ngày và được sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ. Apple không ngăn cản các nhà thầu của mình sử dụng các cơ quan lao động bên thứ ba để cung cấp lao động nhưng cho biết các cơ quan này phải được đăng ký hợp pháp.
Tài liệu của thanh tra Tamil Nadu gửi Foxconn cảnh báo rằng “hành động phù hợp” sẽ được thực hiện đối với công ty trong vòng bảy ngày, trừ khi công ty có thể giải thích lý do tại sao “không nên bị xử lý vì những sai phạm được phát hiện” trong quá trình kiểm tra.
Tuy nhiên, sau cuộc thanh tra cũng như các kết luận ấy, không thể xác nhận một cách chính xác những biện pháp (nếu có) mà chính quyền bang Tamil Nadu đã thực hiện sau đó. Tổng cục an toàn và sức khỏe công nghiệp Tamil Nadu, nơi thực hiện cuộc kiểm tra, đã không trả lời nhiều yêu cầu bình luận.
Về phía mình, chỉ một ngày sau cuộc kiểm tra, Foxconn đóng cửa nhà máy. Ngay sau đó, Apple cử một nhóm kiểm toán viên độc lập tới. Nhưng trong các tuyên bố công khai vào thời điểm đó, cả hai công ty đều không đề cập đến việc thanh tra chính phủ đã mô tả hàng loạt sai sót bên trong khu phức hợp nhà máy khổng lồ. Thay vào đó, cả Apple và Foxconn đều đưa ra tuyên bố nói rằng họ lo ngại về tình trạng vệ sinh kém tại các ký túc xá bên ngoài và họ sẽ nhanh chóng làm việc để giải quyết các điều kiện ở đó.
Trên thực tế, các tuyên bố này tạo ấn tượng rằng rủi ro chính đối với sức khỏe và sự an toàn của người lao động đến từ các khu ký túc xá do các nhà thầu phụ điều hành chứ không phải từ chính nhà máy của Foxconn. Nhà máy vẫn đóng cửa trong gần một tháng và quá trình mở cửa trở lại theo từng giai đoạn bắt đầu vào ngày 12/1/2022.
Apple và Foxconn thừa nhận rằng một cuộc kiểm tra đã được tiến hành tại nhà máy nhưng không bình luận về những phát hiện cụ thể. Người phát ngôn của Foxconn trả lời tờ TIME: “Chúng tôi đã thực hiện các biện pháp và giải quyết mọi vấn đề mà chính phủ nêu ra từ cuộc kiểm tra của mình”. “Sức khỏe và sự an toàn của nhân viên chúng tôi là ưu tiên hàng đầu của Foxconn.” Tuy nhiên người này không nêu rõ những vấn đề mà "chính phủ nêu ra" là gì.
Người phát ngôn của Apple cũng từ chối bình luận về những phát hiện cụ thể. “Các vấn đề tại Foxconn Sriperumbudur đã được điều tra và giải quyết cách đây một năm rưỡi và chúng tôi đã đưa cơ sở này vào tình trạng quản chế”. “Trong giai đoạn này, Foxconn đã đầu tư vào những cải tiến đáng kể và thông qua các cuộc kiểm tra hàng quý, đôi khi hàng tuần, Apple và các kiểm toán viên độc lập đã theo dõi những nâng cấp có ý nghĩa đối với cơ sở bằng các chuyến thăm và phỏng vấn nhân viên thường xuyên.” Người phát ngôn cho biết các cuộc khảo sát do Apple thực hiện cho thấy sự hài lòng của nhân viên tại nhà máy đã tăng 27% trong khoảng thời gian từ tháng 8-12/2022.