Những câu hỏi về đống sắt gỉ ngàn tỉ

Trong hơn 4.500 tỉ đồng đã 'đổ' vào dự án, chi phí ngân hàng lên đến hơn 1.200 tỉ đồng, tiền lãi mỗi ngày bình quân khoảng 1 tỉ đồng, nhưng nhà máy 'vẫn chỉ là đống sắt gỉ sét khổng lồ phơi mưa nắng'.
Những câu hỏi về đống sắt gỉ ngàn tỉ

Dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên mở rộng sản xuất giai đoạn 2 kéo dài 10 năm qua với hơn 4.500 tỉ đồng vốn nhưng vẫn chỉ là đống sắt gỉ

Là một dự án trọng điểm của ngành thép với vốn đầu tư hơn 8.100 tỉ đồng, nhưng giờ đây Nhà máy gang thép Thái Nguyên mở rộng sản xuất giai đoạn 2 (gọi tắt là nhà máy) đang lâm vào “thảm cảnh”, bị bỏ hoang, um tùm cỏ mọc...

Nhà máy do Công ty gang thép Thái Nguyên (Tisco) trực tiếp quản lý, vận hành trong một thời gian dài này được xem là cánh chim đầu đàn của ngành thép VN. Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai dự án mở rộng nhà máy giai đoạn 2, đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất luyện kim với thời gian thực hiện 30 tháng. Tuy nhiên, đến nay, theo Kiểm toán Nhà nước đã có quá nhiều khuất tất trong quá trình thực hiện “dự án ngàn tỉ” này. Trong hơn 4.500 tỉ đồng đã “đổ” vào dự án, chi phí ngân hàng lên đến hơn 1.200 tỉ đồng, và bình quân mỗi ngày Tisco phải trả thêm khoảng 1 tỉ đồng tiền lãi nhưng nhà máy “vẫn chỉ là đống sắt gỉ sét khổng lồ phơi mưa nắng”.

Ai phải chịu trách nhiệm trước những hệ lụy này?

Vì sao vi phạm ?

Gần 10 năm trôi qua, dư luận vẫn mong việc làm rõ trách nhiệm cụ thể của ông Trần Văn Khâm, người từng nhiều năm giữ vị trí chủ tịch, tổng giám đốc Tisco, từng trực tiếp ký hợp đồng với nhà thầu Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) để xây dựng nhà máy đặc biệt quan trọng này. Theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước và tìm hiểu của Thanh Niên, đây được xem là một trong những hợp đồng “vô tiền khoáng hậu” do phát sinh nhiều bất ổn, vi phạm cả về nguyên tắc lẫn quy định.

Theo đó, Tisco không tuân thủ điều kiện của hồ sơ mời thầu, chấp nhận “phương thức thanh toán hợp đồng không cố định” (trong quá trình triển khai dự án, giá tăng ở thời điểm nào sẽ thanh toán cho nhà thầu theo mức giá tăng ở thời điểm đó - PV) khi ký hợp đồng với MCC. Với “ưu ái” này, thực tế nhà máy liên tục bị chậm trễ tiến độ, “đẩy” tổng vốn đầu tư được duyệt ban đầu 3.843 tỉ đồng vọt lên hơn 8.100 tỉ đồng (hơn gấp đôi). Kết quả rà soát đến giữa năm 2014, chỉ riêng chi phí xây dựng nhà máy đã tăng tới 2.581 tỉ đồng, chi phí phần thiết bị tăng 382 tỉ đồng...

Nhiều hệ lụy phát sinh không những từ việc Tisco chấp nhận “cầm dao đằng lưỡi” như thế, mà còn “rất thoáng” trong việc thanh toán cho MCC. Cụ thể, trong hồ sơ dự thầu, MCC chỉ yêu cầu thanh toán 90% giá trị thiết bị sau khi nhà thầu đã giao hàng cho chủ đầu tư, nhưng trong hợp đồng Tisco lại đồng ý thanh toán 95% giá trị thiết bị khi đã giao hàng. Trên thực tế, Tisco đã thanh toán cho MCC 93% giá trị thiết bị theo hợp đồng, trong khi phần quan trọng nhất là thiết bị điều khiển nhà máy (được xem là “trái tim” để nhà máy có thể hoạt động) thì MCC vẫn chưa chuyển giao; nhiều thiết bị khác mà MCC mang sang cũng chỉ mới lắp một phần, còn lại cất trong kho và tự quản lý kho (!). “Điều này đã gây bất lợi cho chủ đầu tư”, Kiểm toán Nhà nước khẳng định.

Vì sao “treo lơ lửng” ?

Quá trình thực hiện dự án, Tisco còn báo cáo thiếu trung thực. Theo đó, khi đề nghị điều chỉnh chi phí, Tisco báo cáo chi phí xây dựng công trình chỉ tăng 15,5 triệu USD, nhưng thực tế đến tháng 6.2014 nếu tính đầy đủ cả yếu tố trượt giá, theo văn bản của Kiểm toán Nhà nước, thì Tisco đã báo cáo thiếu tới… 108 triệu USD.

Nghiêm trọng hơn, Tisco có dấu hiệu “qua mặt” cả Chính phủ trong việc tăng giá trị hợp đồng. Cụ thể, theo quy định, khi MCC đòi tăng giá trị hợp đồng, yêu cầu bắt buộc Tisco phải báo cáo Chính phủ. Thế nhưng khi phương án tăng giá trị hợp đồng chưa được phê duyệt, Tisco lại thêm một lần nữa “ưu ái” cho MCC, gia hạn thời gian hoàn thành và các mốc tiến độ cần phải hoàn thành cho nhà thầu. Kiểm toán Nhà nước khẳng định “việc nhượng bộ này làm mất lợi thế của chủ đầu tư trong phạt hợp đồng, thu hồi các khoản bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tạm ứng với số tiền 45 triệu USD”.

Trong thời gian nhiều năm ông Trần Văn Khâm giữ vị trí chủ tịch, tổng giám đốc, vì sao Tisco có động thái ưu ái kỳ lạ khi ký hợp đồng dự án ngàn tỉ với MCC; vì sao dù hai bên đã ký phụ lục hợp đồng đến lần thứ 9 với hơn 4.500 tỉ đồng vốn đã đổ ra nhưng nhà máy vẫn chỉ là một đống sắt gỉ sét khổng lồ? Trong khi đó, vấn đề then chốt nhất đối với hậu quả ngàn tỉ đồng như đã nêu là trách nhiệm cụ thể của lãnh đạo Tisco, thì vì sao vẫn còn “lơ lửng”? Và vì sao lại có sự ưu ái bố trí cho ông Trần Văn Khâm, bởi từ tháng 3.2015 đến nay dù không còn đảm nhận một cương vị lãnh đạo nào trong HĐQT hay ban giám đốc, nhưng ông vẫn được giữ cương vị Bí thư Đảng ủy Tisco với hơn 2.000 đảng viên (tương đương một Đảng bộ cấp huyện)?

Theo Thanh niên

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…