Hai hiệp định Thương mại tự do và Bảo hộ đầu tư (EVFTA và IPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đã chính thức được ký. Câu hỏi đặt ra là, Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì từ hai hiệp định này?
Chiều qua, tại phiên họp báo quốc tế, diễn ra ngay sau khi Lễ ký EVFTA và IPA kết thúc, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, việc ký kết hai hiệp định này, trước hết sẽ nâng tầm quan hệ hai bên, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói.
“Cùng với các hiệp định thương mại tự do khác, thì hai hiệp định này sẽ tạo nền tảng quan trọng để thúc đẩy xuất nhập khẩu. Tăng trưởng thương mại có thể lên tới 20% trong những năm đầu tiên. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng sẽ đóng góp cho tăng trưởng GDP và tăng trưởng bền vững của Việt Nam”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Theo Bộ trưởng, việc cắt giảm thuế quan theo EVFTA sẽ giúp người dân và doanh nghiệp hai bên dễ dàng hơn trong tiếp cận thị trường của nhau. Tuy nhiên, do thị trường châu Âu có đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, các yêu cầu về thực thi pháp luật về đầu tư, vệ sinh an toàn thực phẩm… nên doanh nghiệp cần phải nghiên cứu để tổ chức lại, đảm bảo năng lực cạnh tranh, phát triển phù hợp với thị trường châu Âu.
“Nếu được như vậy thì không chỉ có điều kiện tiếp cận với thị trường châu Âu mà còn nhiều thị trường khác”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Trước đó, vào ngày 28/06/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động đối với Việt Nam của hai hiệp định EVFTA và IPA.
Kết quả đánh giá tác động cho thấy, thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động. Thu ngân sách nhà nước cũng có thể được cải thiện và tăng trong trung hạn và dài hạn.
Cụ thể, theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thông qua tác động tới đầu tư, thương mại, cải thiện năng suất và các tác động tới cải thiện môi trường thể chế.
Trong ngắn hạn, tăng trưởng thương mại do giảm các hàng rào thuế quan và phi thuế quan có tác động tích cực mạnh hơn đến tăng trưởng GDP của nền kinh tế.
Còn trong trung và dài hạn, đầu tư nước ngoài và sự cải thiện năng suất là những nhân tố chính tác động đến tăng trưởng GDP và tăng trưởng thương mại.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì nhìn chung, cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hoá giữa Việt Nam và EU mang tính bổ trợ thay vì cạnh tranh. Tuy nhiên, lợi thế bổ trợ thương mại đang có xu hướng giảm dần.
Kết quả tính toán cho thấy, EVFTA có tác động tích cực tới kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sang EU, song do năng lực xuất khẩu của Việt Nam không thể tăng tương ứng, nên tăng xuất khẩu sang thị trường EU sẽ có một phần lớn là do chuyển hướng thương mại từ các thị trường khác.
Trong trường hợp tận dụng tốt cắt giảm thuế quan và phi thuế quan cũng như thuận lợi từ các yếu tố địa chính trị - kinh tế, xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm với mức cao hơn, trung bình từ 5,21-8,17% trong giai đoạn 2019-2023; 11,12-15,27% giai đoạn 2024-2028 và 17,98-21,95% giai đoạn 2029-2033.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, trong trung và dài hạn, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là nhân tố khiến xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh nhất, tiếp đến là tác động của việc cắt giảm thuế và giảm các hàng rào phi thuế quan, và sự cải thiện năng suất.
Trong khi đó, liên quan tới ngân sách nhà nước, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc cắt giảm thuế quan theo cam kết EVFTA có tác động hai chiều đến nguồn thu của ngân sách nhà nước. Đó là sẽ giảm thu do giảm thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu; và tăng từ thu nội địa do tác động tích cực của thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế.
“Giảm thu ngân sách do tác động của EVFTA sẽ cao trong năm đầu tiên ngay khi Hiệp định có hiệu lực và giảm dần trong các năm tiếp theo đến cuối lộ trình. Còn mức tăng thu ngân sách sẽ tăng dần theo mức độ tác động của Hiệp định tới tăng trưởng”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán.
“Lợi ích của Hiệp định EVFTA về thu ngân sách sẽ được phát huy tốt hơn trong trung và dài hạn.
Về những tác động theo ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tham gia Hiệp định EVFTA mang lại cơ hội lớn đối với nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Chẳng hạn, nhóm hàng nông sản (gạo; đường, thịt lợn; lâm sản; thịt gia súc gia cầm; đồ uống và thuốc lá…); nhóm ngành chế biến chế tạo (một số sản phẩm thâm dụng lao động như dệt, may mặc, da giày... tiếp tục có tốc độ tăng thêm rất cao, đặc biệt là sau năm 2025 khi phần lớn hàng rào thuế quan bị xóa bỏ)…
Nhóm ngành dịch vụ cũng được cho là sẽ chịu nhiều tác động, đặc biệt là dịch vụ vận tải, tài chính và bảo hiểm, các dịch vụ phục vụ kinh doanh khác
Bên cạnh đó, một số ngành như các sản phẩm từ gỗ, sản phẩm khoáng và phi kim loại, sản phẩm giấy… sẽ giảm xuất khẩu sang EU do năng lực xuất khẩu (lao động và các nguồn lực khác) sẽ dịch chuyển sang các ngành khác
Cũng liên quan đến nhóm hàng, nhưng trên khía cạnh xuất khẩu, thì theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhóm hàng được dự báo tăng nhập khẩu nhiều nhất từ EU là phương tiện và thiết bị vận tải, máy móc thiết; điện thoại và linh kiện điện tử, thực phẩm chế biến, đồ uống, thuốc lá và hoá chất.
Do xuất khẩu sang EU tăng nhanh hơn nhập khẩu từ EU, về cơ bản Hiệp định EVFTA tiếp tục làm gia tăng thặng dư thương mại của Việt Nam với EU.
Theo Hà Nguyễn/Baodautu
>> Việt Nam và EU chính thức ký hiệp định tự do thương mại EVFTA và bảo hộ đầu tư IPA