UBND tỉnh Ninh Thuận đã có Quyết định số 2162/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục Dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500MW tại xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.
Cụ thể, dự án được thực hiện tại xã Phước Diêm (Thuận Nam) với tổng vốn đầu tư hơn 49.000 tỷ đồng. Trong đó, chi phí thực hiện dự án khoảng 41.000 tỷ đồng; chi phí dự phòng khoảng 8.000 tỷ đồng; tổng chi phí đền bù di dân và tái định cư (tạm tính) khoảng 100 tỷ đồng.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, Dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500MW, có phạm vi và quy mô đầu tư gồm: xây dựng 01 nhà máy điện khí sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp, công suất 1.500MW. Hệ thống cung cấp và xử lý nguyên liệu.
Xây dựng cảng nhập LNG đáp ứng quy mô sản lượng LNG thông qua cảng 4,8 triệu tấn/năm, bao gồm: 02 cảng lỏng; giai đoạn 1 xây dựng 01 bên; đê chắn sóng phía Đông; các công trình hạ tầng, phụ trợ phục vụ toàn bộ khu cảng nhập LNG. Kho chứa LNG công suất 4x1,2 triệu tấn/năm; quy mô 04 bồn chứa, mỗi bồn có sức chứa 180.000m3.
Dự án giai đoạn 1 đầu tư toàn bộ hạ tầng kho chứa LNG và xây dựng, lắp đặt trước 01 bồn phục vụ nhu cầu dự án công suất 1.500MW. Kho tái hóa khí bao gồm 04 trạm tái hóa khí, công suất 4x1,2 triệu tấn/năm. Đầu tư toàn bộ hạ tầng khu tái hóa khí và xây dựng, lắp đặt trước 01 trạm tái hóa khí phục vụ nhu cầu dự án công suất 1.500MW. Hệ thống đường ống dẫn khí từ trạm tái hóa khí đến nhà máy điện khí LNG giai đoạn 1, công suất 1,2 triệu tấn/năm.
Hệ thống truyền tải điện xây dựng sân phân phối 500kV với quy mô đảm bảo truyền tải công suất toàn bộ trung tâm điện lực LNG 6.000MW. Dự án giai đoạn 1 đầu tư các ngăn lộ phục vụ dự án công suất 1.500MW.
Xây dựng các công trình hạ tầng, kỹ thuật phục vụ cho toàn bộ Trung tâm điện lực LNG 6.000MW: Kênh lấy nước, kênh xả nước, xử lý nước thải, hệ thống cấp nước ngọt, tuyến ống nước sạch D400 khoảng 19,5km đấu nối vào tuyến ống nước sạch D400 hiện hữu tại cổng khu công nghiệp Phước Nam và tuyến ống nước thô D400 dài khoảng 5,5km đấu nối vào tuyến ống nước thô D400 hiện có tại vị trí ngã 3 Quốc lộ 1A đi Thương Diêm...
Dự kiến tiến độ đầu tư dự án hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và khởi công dự án trong quý III/2021. Hoàn thành xây dựng và đưa dự án vào hoạt động trong quý III/2024. Thời hạn hoạt động dự án 50 năm kể từ ngày cấp quyết định chủ trương đầu tư.
Mục tiêu của dự án nhằm góp phần đảm bảo cung cấp điện cho khu vực miền Nam trong bối cảnh các nguồn nhiệt điện chậm tiến độ và một số dự án dừng triển khai như Nhà máy điện hạt nhân; tăng cường độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất do truyền tải xa,...
Dự án sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thông qua việc thu hút đầu tư với lượng vốn khoảng 49.000 tỷ đồng, góp phần tạo ra nhiều việc làm cho doanh nghiệp và người dân địa phương. Ngoài ra, dự án tác động đến lực lượng lao động trong nước có điều kiện để nâng cao kiến thức, tay nghề thông qua môi trường làm việc và trình độ quản lý tiên tiến của các nhà đầu tư, nhà thầu nước ngoài.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án Nhà máy điện khí LNG tại các Trung tâm điện khí LNG Cà Ná.
Thủ tướng cũng đồng ý đề nghị của Bộ Công thương tại văn bản số 2380 (ngày 1/4/2020) về việc bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đối với Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná.