Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo mới nhất gửi đến Quốc hội cập nhật về tình hình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Cơ quan này đã thực thi nhiều giải pháp kiểm soát, duy trì nợ xấu ở mức dưới 3% tổng dư nợ. Đến cuối năm 2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống là 2,46% song lại tăng lên 2,51% vào cuối tháng 7/2017 (cuối năm 2015 là 2,55%).
Trong năm 2016, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được 118,5 nghìn tỷ đồng và thêm 46,03 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2017.
Do tốc độ xử lý nợ xấu thời gian qua có dấu hiệu chậm hơn nên mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 42 thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD có hiệu lực từ ngày 15/8/2017. Nghị quyết 42 có nhiều điểm mới nhằm “cởi trói” các quy định về thẩm quyền cao hơn cho VAMC và TCTD trong xử lý tài sản đảm bảo để nhanh chóng giảm bớt nợ xấu.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”.
Hiện, các TCTD đang chủ động xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu cho giai đoạn 2017-2022. Trong đó, 6 ngân hàng được chọn thí điểm thực hiện xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, gồm: BIDV, Sài Gòn Thương Tín, ACB, Vietcombank, Techcombank, Agribank và Công ty VAMC.
Riêng về công ty VAMC, hiện nay NHNN đang chỉ đạo VAMC khẩn trương hoàn thiện Đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực hoạt động của VAMC giai đoạn 2017 – 2020 và hướng tới 2022 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Động thái đáng chú ý sau khi Nghị quyết 42 được thực thi, ngày 21/8/2017 VAMC đã thực hiện xiết nợ tài sản là toà nhà Saigon One Tower và là trường hợp đầu tiên xử lý nợ xấu theo giải pháp mới.
Tiếp đó, VAMC tiến hành xiết nợ tài sản là 8 lô đất của nhóm công ty Hoàn Cầu thế chấp tại Sacombank. Công ty Hoàn Cầu vay của ngân hàng 2.418 tỷ đồng. VAMC đã mua 2.400 tỷ đồng nợ xấu của Sacombank…
Riêng về xử lý ngân hàng 0 đồng, báo cáo của NHNN không đề cập gì đến việc xử lý 3 ngân hàng đã được mua lại 0 đồng gồm VNCB, Oceanbank và GPBank. Trước đó, cơ quan này đã có giải trình trước Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến về dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), vì chưa có cơ sở pháp lý nên NHNN vẫn còn lúng túng phương án xử lý cuối cùng đối với ngân hàng 0 đồng.
Dù NHNN trình đi trình lại phương án xử lý rất nhiều lần, nhưng Chính phủ chưa thể thông qua vì không có quy định trong luật, nên Chính phủ không đủ cơ sở để quyết định. Điều này cũng đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc sửa Luật Các tổ chức tín dụng để có đủ cơ sở pháp lý giải quyết dứt điểm các ngân hàng này cũng như các TCTD bị kiểm soát đặc biệt khác.