Đại diện cho tiếng nói của DNNVV, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam phát biểu đầy khẩn thiết tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
Sẽ tạo bước phát triển đột phá cho DNNVV
Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV đưa ra Hội nghị lần này về cơ bản nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao về tính cần thiết phải sớm ban hành.
Theo ông Tô Hoài Nam, các nguyên tắc hỗ trợ đưa ra tại Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV bảo đảm xuyên suốt, lâu dài. Các nội dung hỗ trợ này sẽ tác động nhiều mặt đến cộng đồng DNNVV, đặc biệt trong việc giúp hình thành nhiều chuỗi giá tị mới, đặc biệt trong khu vực nông nghiệp, tình trạng “được mùa mất giá” sẽ giảm.
Ông Nam cũng mong muốn tăng cường thêm nội dung hỗ trợ pháp lý đối với DNNVV vì khu vực này đang rất yếu về mảng pháp lý
Ông Dương Đăng Huệ - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và bồi dưỡng nghiệp vụ thuộc Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự và Kinh tế (Bộ Tư pháp), thì gọi đây là dự Luật tốt nhất.
Ông Nguyễn Văn Phúc - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá dự án luật được chuẩn bị bài bản, công phu, nếu Quốc hội thông qua sẽ là bước phát triển về hỗ trợ DNNVV.
Theo ông Phúc, khi làm Luật này vướng ở quan điểm ban hành luật sau để tạo đột phá về một lĩnh vực nào đấy thì lại trái với một số quy định của những luật ban hành trước. Ông Phúc cho rằng, Quốc hội nên thay đổi tư duy, các luật sau nghiên cứu sâu hơn về 1 chuyên đề thì phải sửa luật hiện hành để tạo đột phá trong luật sau. “Cho sửa Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, nhưng lại không cho động vào Luật Thuế là không hợp lý”, ông Phúc nói, đồng thời kiến nghị nên đổi tên Luật thành Luật Phát triển DNNVV.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, nếu cho rằng luật này không được đụng vào luật khác, thì phải xem lại luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Quan điểm này cần phải thay đổi. Không chỉ Luật này, tới đây, dự kiến ban hành Luật về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, nếu cho rằng có chính sách rồi, không được đụng đến những chính sách hiện hành thì không thể tạo ra cơ chế chính sách mang tính đột phá cho sự phát triển các đặc khu kinh tế.
Về phía cơ quan thẩm tra, ông Dương Quốc Anh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến ủng hộ những tiến bộ của dự thảo Luật. Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cũng đã cố gắng chắt lọc để nâng cao tính khả thi của dự án luật này trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, đã tập trung vào những vấn đề trọng tâm trọng điểm.
Tuy nhiên, đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, trong dự thảo Luật có nhiều nội dung liên quan đến phần việc của Bộ Tài chính (thuế, ngân sách, trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Tài chính được Chính phủ giao dự thảo Nghị định về quỹ bảo lãnh tín dụng), Ban soạn thảo đã xin ý kiến Bộ Tài chính nhưng đến nay Bộ này vẫn không có ý kiến. Ngoài ra, dự thảo Luật mở ra quy định cho vay bằng tín chấp đối với DNNVV. Muốn cho vay bằng tín chấp thì phải có đánh giá tín nhiệm, cần có sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước, nhưng Ngân hàng Nhà nước bảo không phải phần việc của NHNN.
Luật chung nhưng phải cho DN thấy họ được hỗ trợ gì
“Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Nhà nước chỉ là bà đỡ, hướng dẫn tạo điều kiện, không xây dựng luật theo tư duy bao cấp. Các quy định cần được rà soát cẩn thận, chặt chẽ, tránh xin cho tiêu cực.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý Luật Hỗ trợ DNNVV là luật chung, nhưng không có nghĩa chỉ đưa ra khung chính sách chung chung như kiểu Nghị quyết, vì cộng đồng DNNVV đang trông chờ Luật này khi ban hành ra có được chính sách để DN phát triển. Luật chung nhưng vẫn phải có chính sách cụ thể, DN nhìn vào đó thấy rõ sẽ được hỗ trợ gì.
Kết luận lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, các ý kiến cơ bản thống nhất phạm vi điều chỉnh của Dự Luật; thống nhất Luật nêu vấn đề nguyên tắc, luật chung, nhưng cũng phải có vấn đề cụ thể, DNNVV thấy được có điểm gì đổi mới để yên tâm phát triển.
Đồng thời khẳng định phải sửa một số luật để phù hợp với luật này như Luật Thuế, Luật Đất đai, Luật các tổ chức tín dụng, … với lộ trình sửa từ nay đến năm 2019.
Hỗ trợ của Luật này phải xác định là hỗ trợ gián tiếp không phải hỗ trợ trực tiếp. Đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra cung cấp thêm cho các đại biểu về thông tin thực hiện Luật này cần bao nhiêu nguồn lực từ ngân sách, nói rõ để đại biểu Quốc hội yên tâm quyết định.
Các đại biểu cơ bản đồng tình 3 tiêu chí xác định DNNVV là lao động, vốn, doanh thu. Nhưng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ nếu theo tiêu chí này thì có bao nhiêu DNNVV trong tổng số 550 nghìn DN hiện nay.
Ông Hiển cũng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ cơ chế khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển sang DN và tác động chính sách như thế nào vì hiện có trên 4 triệu hộ kinh doanh chưa phải doanh nghiệp.
Về thuế, cần sửa đổi chính sách thuế để khuyến khích DN. Luật này nên quy định có chính sách ưu đãi về thuế, thấp hơn mức thuế phổ thông theo quy định của Luật thuế và ưu đãi phải có thời hạn.
Tiếp cận hỗ trợ tín dụng và các quỹ phải trên cơ sở nguyên tắc thị trường, có cơ chế bảo lãnh tín dụng và bù lãi suất nhưng phải phù hợp với khả năng của ngân sách.
Ông Hiển cũng nhấn mạnh để thực hiện hỗ trợ mặt bằng sản xuất cho DNNVV cần rà soát lại Luật Đất đai. Đây là chính sách rất quan trọng, nếu hỗ trợ được mặt bằng cho DN trong khu, cụm công nghiệp thì sẽ tạo điều kiện phát triển rất tốt cho DN.
Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ tiếp tục được đưa ra thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 4 này, trước khi trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV dự kiến diễn ra tháng 5 tới.
Theo baodauthau.vn