Phân bổ vốn đầu tư công nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025: Không quá 30% cho địa phương

Bộ Kế hoạch & Đầu tư muốn nêu rõ quy định về tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương đối với vốn trong nước, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để việc phân bổ nguồn vốn diễn ra hợp lý và đúng quy định.
Phân bổ vốn đầu tư công nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025: Không quá 30% cho địa phương

Tại Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ: 

Vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương bố trí cho nhiệm vụ, chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi đầu tư của ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật về NSNN và thuộc đối tượng đầu tư công quy định tại Điều 5 của Luật Đầu tư công.

Đối với vốn trong nước: Dành tối đa không quá 30% để bổ sung có mục tiêu cho địa phương và được phân bổ theo ngành, lĩnh vực, không bao gồm vốn các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia.

Mức vốn còn lại được phân bổ như sau: Phân bổ cho các bộ, cơ quan Trung ương theo ngành, lĩnh vực. Các bộ, cơ quan Trung ương chịu trách nhiệm phân bổ cụ thể cho các chương trình, dự án theo đúng quy định của pháp luật và theo các nguyên tắc, thứ tự ưu tiên quy định.

Đồng thời, phân bổ cho các nhiệm vụ, chương trình, dự án cụ thể bao gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân…

Đối với vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài: Phân bổ trên cơ sở định hướng thu hút và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong giai đoạn 2021-2025, nhu cầu của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đối với các dự án đang triển khai, các dự án chuyển tiếp, các dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề cập đến vấn đề thứ tự ưu tiên bố trí vốn kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm theo từng ngành, lĩnh vực, chương trình của bộ, cơ quan Trung ương và địa phương theo các tiêu chí: 

- Phân bổ đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định tại Khoản 4 Điều 101 của Luật Đầu tư công (nếu có).

- Phân bổ đủ vốn để hoàn trả vốn ứng trước kế hoạch nhưng chưa có nguồn để hoàn trả trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước.

- Phân bổ vốn cho các dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn.

- Phân bổ vốn để thực hiện nhiệm vụ quy hoạch.

- Phân bổ vốn cho dự án khởi công mới đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 5 Điều 51 của Luật Đầu tư công.

Để thực hiện các quy định này, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương chịu trách nhiệm sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án trong phương án bố trí vốn đầu tư trung hạn và hằng năm phù hợp với khả năng cân đối vốn và định hướng ưu tiên phát triển của ngành, lĩnh vực địa phương mình.

Có thể bạn quan tâm