Trong đó, có nội dung đáng chú ý, TP. HCM không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng mới nhà ở phục vụ tái định cư, mà chủ yếu sử dụng nhà ở thương mại và nhà ở xã hội để bố trí tái định cư.
Theo UBND TP. HCM, giai đoạn 2019 - 2020, TP triển khai thực hiện 301 dự án trọng điểm, với tổng số hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng khoảng 19.100 trường hợp.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, sẽ triển khai thực hiện 226 dự án trọng điểm, với tổng số hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng khoảng 24.900 trường hợp.
Đối với 5 huyện gồm Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Cần Giờ, Nhà Bè, thành phố ưu tiên dành quỹ đất có quy hoạch phù hợp để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án chỉnh trang đô thị, công ích trên địa bàn.
Đáng chú ý, TP. HCM sẽ tập trung phát triển khoảng 20.000 căn nhà ở xã hội, thực hiện tái định cư tại chỗ cho người dân tại các dự án xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ, không kéo dài việc thoả thuận bồi thường, sớm tái định cư chỗ ở của người dân tại vị trí cũ.
Đồng thời, rà soát, bố trí quỹ đất cũng như sử dụng nguồn vốn ngân sách thu được từ các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới có nghĩa vụ thực hiện điều tiết 20% quỹ đất phục vụ nhà ở xã hội theo hình thức nộp bằng tiền, để phát triển nhà ở xã hội phục vụ tái định cư.
Điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ chương trình chỉnh trang đô thị; trong đó, có chương trình tháo dỡ chung cư cũ xuống cấp nguy hiểm trên địa bàn, vốn đang bị “ách” từ nhiều năm nay.
Theo UBND TP. HCM, công tác tái định cư phải được xem xét giải quyết một cách toàn diện, không chỉ giải quyết nhà ở mà cần phải đảm bảo không gian sống phù hợp, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội.
Tái định cư phải gắn với việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Đó là, đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm, phục hồi thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân sau khi di dời, tái định cư.
>>TP. HCM hạn chế dùng ngân sách nhà nước xây nhà tái định cư