Phân cấp mạnh cho chính quyền đặc khu

Trong phiên họp tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu), trong đó tập trung thảo luận tổ chức chính quyền đặc khu.
Phân cấp mạnh cho chính quyền đặc khu

TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ ủng hộ quan điểm phân cấp, phân quyền mạnh cho chính quyền đặc khu.

Hiện có 2 quan điểm là phân cấp rất mạnh và phân cấp ở mức độ vừa phải cho chính quyền đặc khu. Ông ủng hộ quan điểm nào?

Đặc khu là khu vực được phân định ranh giới địa lý rõ ràng và được bảo đảm về mặt an ninh; có cơ chế quản lý hành chính riêng biệt; là khu vực được hưởng các ưu đãi vượt trội về thuế, hải quan và có các đặc quyền cụ thể. Trên thế giới hiện có khoảng 4.500 đặc khu tại 140 quốc gia, có nhiều quốc gia thành công với mô hình đặc khu, nhưng cũng có không ít quốc gia thất bại.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự thành công của đặc khu, trong đó có việc phân cấp, phân quyền, giao quyền tự chủ mạnh cho đặc khu; xây dựng bộ máy quản lý hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thủ tục hành chính đơn giản, công khai và minh bạch. Cũng có nhiều nguyên nhân khiến một số quốc gia theo đuổi thành lập đặc khu thất bại. Ngoài vị trí không thuận lợi, tạo ra chi phí đầu tư lớn, chính sách ưu đãi thiếu tính cạnh tranh, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu…, còn có nguyên nhân rất cơ bản là phân cấp cho chính quyền đặc khu hạn chế, mô hình quản lý và tổ chức bộ máy cồng kềnh.

Chính vì vậy, tôi ủng hộ quan điểm phải phân cấp thật mạnh cho chính quyền đặc khu, người đứng đầu đặc khu. Chỉ có như vậy mới tạo ra một môi trường đầu tư, kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D), dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, công nghiệp văn hóa, dịch vụ hậu cần cảng biển và sân bay, thương mại, tài chính…

Nhiều người ủng hộ quan điểm này, nhưng cũng có ý kiến lo ngại sự lạm quyền do tập trung quyền lực vào cá nhân người đứng đầu đặc khu?

Dự thảo Luật đưa ra 2 phương án về tổ chức bộ máy chính quyền đặc khu, trong đó, Chính phủ mong muốn Quốc hội ủng hộ phương án một, đó là không tổ chức HĐND và UBND tại đặc khu, mà thực hiện thiết chế Trưởng đặc khu do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn đặc khu. Phương án 2 là bộ máy đặc khu được thiết chế tương tự cơ quan hành chính cấp huyện. Tôi cho rằng, phương án 1 bảo đảm tinh gọn bộ máy, đáp ứng yêu cầu quản lý tập trung, năng động, linh hoạt, điều hành nhanh nhạy; xác định rõ và đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, khắc phục được tình trạng “núp bóng” tập thể để né tránh trách nhiệm, có tính đột phá mạnh mẽ.

Quyền lực được tập trung vào một người, một nhóm người thường dẫn đến lạm quyền, cửa quyền, độc quyền nếu không có sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ. Như vậy, bên cạnh trao quyền, phân cấp mạnh cho tổ chức bộ máy hành chính đặc khu, đặc biệt là Trưởng đặc khu, phải có chế tài, thiết chế để giám sát, kiểm soát quyền lực nằm trong hệ thống pháp luật.

Theo ông, giám sát bằng cách nào?

Để kiểm soát quyền lực đối với Trưởng đặc khu, Ban Soạn thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đề xuất bổ sung thiết chế Hội đồng Đặc khu. Hội đồng Đặc khu không phải là HĐND hay UBND, mà là cơ quan hành chính do Thủ tướng Chính phủ thành lập, hoạt động thường xuyên, có thành phần bao gồm đại diện cơ quan nhà nước, chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư chiến lược, đại diện cộng đồng doanh nghiệp tại đặc khu và thành viên khác.

Hội đồng Đặc khu chỉ làm 3 nhóm nhiệm vụ chính là tư vấn, phản biện về một số vấn đề quan trọng trước khi Trưởng đặc khu quyết định; cảnh báo với Trưởng đặc khu về những rủi ro, hạn chế, bất cập trong hoạt động của đặc khu; và đánh giá về công tác quản lý, điều hành của Trưởng đặc khu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh Hội đồng Đặc khu, còn cụ thể hóa thẩm quyền, phương thức giám sát của HĐND cấp tỉnh để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của cơ chế giám sát, kiểm soát do các chủ thể này thực hiện. Phương án này hiện được nhiều người ủng hộ.

Trao quyền tối đa cho Trưởng đặc khu, họ phải làm quá nhiều nên xảy ra vi phạm là điều không thể tránh khỏi, vì trên thực tế làm ít sai ít, làm nhiều sai nhiều. Thưa ông, nếu không có quy định miễn trừ trách nhiệm thì không ai dám nhận chức Trưởng đặc khu?

Tôi cho rằng, không nên đặt ra vấn đề miễn trừ trách nhiệm cho bất cứ cá nhân nào làm việc trong các cơ quan nhà nước ở đặc khu, kể cả Trưởng đặc khu. Bất cứ ai vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý. Nếu đặt ra vấn đề miễn trừ thì không khác gì đặt Trưởng đặc khu lên trên luật pháp, đứng ngoài luật pháp, sẽ dẫn tới sự chuyên quyền, độc đoán, chủ quan duy ý chí.

Vì vậy, để bộ máy quản lý nhà nước ở đặc khu hoạt động năng động, hiệu quả thì Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và các văn bản pháp luật phải quy định cụ thể, rõ ràng quyền hạn, trách nhiệm của Trưởng đặc khu. Nếu Trưởng đặc khu với nhiều quyền lực đặc biệt, đặc thù, thực hiện đúng quy định của pháp luật, không tư lợi, không vì lợi ích cục bộ, cá nhân, mà vì cộng đồng, vì sự phát triển của đặc khu, dẫn đến có những quyết định thiếu chính xác thì không bị xử lý với bất cứ hình thức nào. Ngược lại, đã vi phạm thì phải xử lý, không miễn trừ.

Có thể bạn quan tâm