Tại kết luận, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, Ban quản lý dự án Thăng Long, Liên danh Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Công ty TNHH Xây dựng Trung Chính (Liên danh Vinaconex - Trung Chính) để xảy ra sai phạm khi thực hiện dự án cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi đất tại xã Xuân Hưng và Suối Cát, huyện Xuân Lộc là nghiêm trọng.
Cụ thể, các đơn vị thu hồi đất đã thực hiện ra ngoài dự án cho phép cải tạo thu hồi đất, thi công vượt cote, tạo vách đứng không đúng phương án được chấp thuận…
Vì vậy, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu Ban quản lý dự án Thăng Long, Liên danh Vinaconex - Trung Chính khẩn trương khắc phục, thực hiện nghiêm các nội dung của UBND tỉnh giao, không để phát sinh sai phạm.
Cùng với đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng giao huyện Xuân Lộc chỉ đạo Công an huyện này cùng các phòng, ban chuyên môn kiểm tra hiện trạng, xử lý vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản, môi trường đối với vị trí vi phạm tại xã Xuân Hưng.
Còn Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương đo đạc, xác định mức độ sai phạm để tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định trước ngày 25/8.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu Liên danh Vinaconex - Trung Chính thuê đơn vị chức năng đo vẽ sau kết thúc thu hồi, xác định khối lượng thu hồi theo thực tế và theo kết quả đo vẽ, nghĩa vụ tài chính đã thực hiện và thực hiện bổ sung lớp đất màu, hoàn thổ cải tạo đất, trồng cây xanh trong tháng 8/2023.
Riêng vị trí thực hiện dự án tại đồi Bình Minh, xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc, Liên danh Vinaconex - Trung Chính có trách nhiệm thỏa thuận với người dân có đất tại khu vực này để thống nhất phương án cải tạo tại chỗ, tạo vách taluy chống sạt lở, ổn định mái dốc công trình, nghiêm cấm việc chở vật liệu tại vị trí này ra khỏi khu vực.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đồng ý cho các doanh nghiệp khai thác ở bốn dự án cải tạo đất nông nghiệp, kết hợp thu hồi vật liệu san lấp xây dựng để đáp ứng vật liệu làm đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, nhưng phải xác định khối lượng đất đã thu hồi để thực hiện nghĩa vụ tài chính về khoáng sản, môi trường.
Đồng thời, doanh nghiệp xác định khối lượng còn lại ở các mỏ, khối lượng đất mặt đã thu gom để thi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Làm rõ mốc thời gian kết thúc thu hồi đất và hoàn thiện cải tạo đất. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã có dấu hiệu vi phạm, không tuân thủ các các cam kết…
Được biết, dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km, nối Đồng Nai và Bình Thuận, khởi công vào tháng 9/2020 với tổng vốn đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, quy mô 6 làn xe. Toàn bộ dự án được chia làm 4 gói thầu, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dài gần 52 km với 2 gói thầu XL03 và XL04, đoạn qua tỉnh Bình Thuận dài hơn 47 km với 2 gói thầu XL01 và XL02.
Điểm đầu cao tốc nằm trên đoạn tuyến nối từ quốc lộ 1A đi Mỹ Thạnh, tỉnh Bình Thuận thuộc điểm cuối dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Còn điểm cuối giao với tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn thuộc huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.