Phó Chủ tịch VCCI: Quy mô thị trường tài chính xanh còn nhỏ, chưa có cơ chế khuyến khích dòng vốn tư nhân

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo động lực phát triển mới là quá trình chuyển đổi về tư duy, nhận thức và hành động...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Phó Chủ tịch VCCI: Quy mô thị trường tài chính xanh còn nhỏ, chưa có cơ chế khuyến khích dòng vốn tư nhân
Phó Chủ tịch VCCI: Quy mô thị trường tài chính xanh còn nhỏ, chưa có cơ chế khuyến khích dòng vốn tư nhân

Phát biểu tại diễn đàn “Doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới”, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, hiện nay, phát triển kinh tế phải đi đôi với khôi phục các động lực tăng trưởng truyền thống và khơi thông, tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới.

Thực tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo động lực phát triển mới là quá trình chuyển đổi về tư duy, nhận thức và hành động. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong các chuyển đổi trên.

Bên cạnh những thuận lợi, thời cơ là những khó khăn, thách thức đan xen. Trong đó, khó khăn lớn là nguồn lực đầu tư. “Chỉ riêng chuyển đổi xanh, theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn đến 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, thị trường tài chính xanh quy mô còn nhỏ, chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh”, ông Phòng cho hay.

Hơn nữa, những động lực tăng trưởng mới khác như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ... dù các bộ ngành đã kịp thời đề xuất và xây dựng các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh nhưng đến nay nhiều văn bản, quy định pháp luật còn đang trong quá trình hoàn thiện.

z5341026934240-a0c71311edc652122454ec36e2235cf4-9566.jpg
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Tại diễn đàn, các chuyên gia, Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân cũng đã gợi mở các giải pháp, kiến nghị để khơi thông các động lực tăng trưởng mới. Trong đó, đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể như: nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.

Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào các ngành: sản xuất chip bán dẫn, năng lượng mới (hydrogen)…

Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp cần chủ động cập nhật, tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; tiên phong đổi mới sáng tạo…

Nhìn lại tình hình kinh tế thời gian qua, ở thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng do tổng cầu suy giảm; lạm phát đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt, nợ công thế giới đã tăng lên mức kỷ lục, xung đột quân sự giữa Nga và U-crai-na phức tạp hơn, bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng gia tăng.

Cùng với đó, các nền kinh tế đối tác lớn của Việt Nam lại đang phải đối mặt với tình trạng nợ công cao. Triển vọng tăng trưởng của các quốc gia này cũng không quá tích cực và điều này sẽ ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.

Còn kinh tế Việt Nam mặc dù có nhiều điểm sáng nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung quý 1/2024, cả nước có 59,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 20 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Còn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 73,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước; Bình quân một tháng có gần 24,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Như vậy, so sánh giữa số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong quý 1/2024, tổng số doanh nghiệp nước ta giảm 14,1 nghìn doanh nghiệp, bình quân một tháng giảm 4,7 nghìn doanh nghiệp.
Do vậy, để nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã đưa ra 3 đề xuất.

Thứ nhất, đẩy nhanh cải cách môi trường kinh doanh, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính.

Thứ hai, tập trung tháo gỡ các khó khăn về tiếp cận các thị trường xuất khẩu, đẩy nhanh tạo thuận lợi thương mại, khuyến khích đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm và khai thác hiệu quả các thị trường ngách.

Thứ ba, hoàn thiện và triển khai hiệu quả khung chính sách cải thiện năng suất lao động, gắn với thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng kỹ năng và chuyển đổi kỹ năng cho người lao động để thích ứng với các mô hình kinh tế mới, chính thức hóa khu vực kinh tế phi chính thức, và thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đối với khu vực doanh nghiệp trong nước.

Có thể bạn quan tâm