Phó Thủ tướng báo cáo, giải trình về 3 vấn đề lớn liên quan đến phê chuẩn CPTPP

Tại phiên thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan diễn ra vào sáng 5/11, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã giải trình, làm rõ 3 vấn đề
Phó Thủ tướng báo cáo, giải trình về 3 vấn đề lớn liên quan đến phê chuẩn CPTPP

Bày tỏ trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã tham gia đóng góp ý kiến tại Hội trường cũng như tại các tổ đối với việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Chính phủ xin tiếp thu các ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội đối với việc sau khi Hiệp định CPTPP được phê chuẩn, Chính phủ sẽ có các chương trình, kế hoạch để triển khai thực thi Hiệp định này.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã báo cáo giải trình thêm với các vị đại biểu Quốc hội về 3 vấn đề lớn. Thứ nhất, đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP. Thứ hai là vấn đề về lao động. Thứ ba là về sửa đổi bổ sung một số luật.

Theo đó, về việc đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, trong quá trình đàm phán Hiệp định này, bằng nhiều biện pháp khác nhau, Chính phủ đã tổ chức nhiều hình thức để lấy ý kiến rộng rãi của các hiệp hội cũng như các ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá Hiệp định này. Đây là những đối tượng chịu tác động trực tiếp của Hiệp định CPTPP và sau khi đàm phán xong Hiệp định này, Chính phủ đã đưa lên mạng từ tháng 2/2016 toàn văn Hiệp định TPP và Hiệp định CPTPP. Thực tế lấy toàn bộ văn bản của Hiệp định TPP và chỉ miễn, tạm hoãn thực hiện 20 lĩnh vực trong sở hữu trí tuệ, đã được đưa lên để lấy ý kiến tham gia của các đối tượng chịu tác động trực tiếp của Hiệp định CPTPP.

Sau khi đàm phán, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đánh giá, định lượng về tác động của Hiệp định này đối với các chỉ số kinh tế cơ bản và tổng quát như tăng trưởng GDP, tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu cung như tác động đến các lĩnh vực sản xuất trong nước và đánh giá tác động này đã được gửi kèm theo báo cáo của Chính phủ đến các vị đại biểu Quốc hội. Ngoài ra, các chuyên gia độc lập của Ngân hàng Thế giới cũng có báo cáo, nghiên cứu rất sâu về đánh giá tác động của Hiệp định TPP trước đây và Hiệp định CPTPP cũng như tác động đối với các nền kinh tế trong đó có Việt Nam. Đây là nguồn tham khảo quan trọng khi chúng ta đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP. Cũng như báo cáo của Chính phủ đã nêu, chủ yếu các lợi ích cốt lõi của Việt Nam được bảo đảm, chúng ta cũng giành được những bảo lưu và linh hoạt cụ thể để thực hiện Hiệp định này một cách hiệu quả và có lợi cho đất nước.

Trong quá trình thực thi Hiệp định, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành thường xuyên cập nhật đánh giá tác động đến tổng thể nền kinh tế cũng như từng lĩnh vực cụ thể để xây dựng các giải pháp điều hành một cách phù hợp sau khi phê chuẩn Hiệp định này. Chính phủ đã có báo cáo kèm theo trong báo cáo giải trình của Chính phủ, trong đó có Phụ lục 7 đưa ra những định hướng cơ bản cho việc thực thi Hiệp định và tiếp tục chỉ đạo Bộ Công Thương và phối hợp với các bộ ngành để xây dựng kế hoạch chi tiết phân công lộ trình triển khai một cách chủ động và các nội dung của kế hoạch đưa ra trong bản thuyết minh của Chính phủ cũng nêu những định hướng lớn, đề ra những chương trình hành động cụ thể để triển khai Hiệp định này.

Thứ hai, đối với vấn đề lao động, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Hiệp định CPTPP không đưa ra tiêu chuẩn riêng về lao động mà chủ yếu khẳng định lại các tiêu chuẩn lao động đã nêu trong tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Việt Nam với tư cách là thành viên của ILO cũng như các thành viên của Hiệp định CPTPP có nghĩa vụ tôn trọng và thực thi. Trong các điều khoản này có điều khoản cho phép thành lập các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Quy định của ILO cũng khẳng định là tất cả các tổ chức của người lao động phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước sở tại, phải hoạt động phù hợp với tôn chỉ, mục đích và phương thức hoạt động đã được đăng ký với cơ quan Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Các tổ chức của người lao động không được có các hoạt động nào có khả năng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an ninh và không được hoạt động ngoài tôn chỉ mục đích và điều lệ đã được đăng ký và được cho phép. Theo kết quả rà soát của Chính phủ, để thực hiện cam kết về lao động trong Hiệp định CPTPP thì Việt Nam chỉ cần sửa Bộ luật Lao động.

Tuy nhiên, cũng như đại biểu Bùi Sỹ Lợi nêu, Luật Công đoàn năm 2012 đúng là có những mối liên hệ nhất định đối với Bộ luật Lao động, do đó sau khi sửa đổi Bộ luật Lao động và được Quốc hội thông qua trong thời gian tới thì Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát và sẽ đề xuất sửa đổi Luật Công đoàn (nếu cần) còn cho đến nay, qua rà soát thấy rằng không phải điều chỉnh Luật Công đoàn nên Chính phủ không đề xuất.

Thứ ba, về quá trình sửa đổi luật, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, trong báo cáo thuyết minh của Chính phủ đã nêu là qua quá trình rà soát 265 văn bản cho đến nay, Chính phủ chỉ đề nghị bổ sung, sửa đổi 8 luật, trong đó có 2 luật, một luật đã được thông qua và các điều khoản trong luật này đều đáp ứng cam kết của chúng ta trong Hiệp định CPTPP. Luật Phòng, chống tham nhũng hiện nay đang trình Quốc hội thông qua, những điều khoản hiện nay trong luật này đã đáp ứng được Hiệp định CPTPP.

Còn lại 6 luật thì 3 luật gồm Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự sẽ sửa sau và chúng ta có lộ trình theo đề xuất của Chính phủ trong thời gian tới. Còn 3 luật khác là Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật An toàn thực phẩm đã được đưa vào lộ trình trong báo cáo của Chính phủ và Chính phủ đề xuất một luật sửa nhiều luật theo thủ tục rút gọn, có thể trình vào kỳ họp thứ 7 tới. Chính phủ sẽ giao cho các bộ, ngành liên quan dự thảo luật trình Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Nguyễn Hoàng / Chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm