Tại phiên chất vấn sáng 6/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh đến việc quyết liệt triển khai các giải pháp ổn định thị trường vàng.
Theo đó, trước biến động phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro của thị trường vàng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có hàng loạt chỉ đạo, đôn đốc Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện các giải pháp quản lý, bình ổn thị trường vàng như đấu thầu.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra kịp thời xử lý nghiêm vi phạm, chỉ đạo tổ chức thực hiện quy định về hóa đơn điện tử có kết nối dữ liệu dân cư với cơ quan thuế thông qua đề án 06…
Theo Phó Thủ tướng, từ ngày 3/6, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động bán vàng thông qua hệ thống 4 ngân hàng thương mại và công ty SJC. Kết thúc phiên ngày 5/6, giá vàng SJC đã giảm, được bán ra ở mức 77,98 triệu đồng/lượng (giảm 1 triệu đồng/lượng so với ngày 4/6). Việc này đã góp phần giảm chênh lệch giá vàng thế giới và Việt Nam, từng bước tiếp cận giá vàng thế giới.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo tập trung nghiên cứu, chủ động phản ứng chính sách kịp thời, triển khai quyết liệt các giải pháp bình ổn thị trường vàng, bảo đảm sử dụng các công cụ điều hành của nhà nước, công cụ thị trường hiệu quả, hiệu lực, kịp thời.
Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý liên quan, đặc biệt là nghị định số 24/2012/NĐ-CP phù hợp với bối cảnh tình hình mới, bảo đảm thị trường vàng phát triển ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn tình trạng vàng hóa, USD hóa kinh tế.
Trước đó, ngày 5/6, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo giá bán vàng miếng SJC trực tiếp là 76,98 triệu đồng/lượng, đã giảm 1 triệu đồng/lượng so với ngày 4/6. Đây cũng là ngày thứ 2 liên tiếp kể từ khi Ngân hàng Nhà nước quyết định phê duyệt giá bán vàng miếng trực tiếp từ 4 ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank và Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC).
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước phát giá, Công ty SJC và Big 4 ngân hàng đồng loạt công bố giá vàng bán ra hôm 5/6 là 77,98 triệu đồng/lượng. So với giá vàng bán ra hôm 4/6, mức giá này giảm thêm 1 triệu đồng/lượng. Giá vàng mua vào ở mức 76,45 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán vàng miếng SJC cũng giảm rất mạnh, xuống còn 1,5 triệu đồng/lượng.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, duy trì việc bán vàng trực tiếp cho người dân có được lâu hay không là điều quan trọng đối với thị trường vàng lúc này. Thị trường vàng trong nước có bình ổn được hay không là do lượng vàng mà Ngân hàng Nhà nước cung ra thị trường nhiều hay ít và có thời gian bán lâu dài hay không.
Dự báo của ông Thịnh đưa ra: “Sau khi Ngân hàng Nhà nước bán vàng trực tiếp cho người dân giá vàng đã giảm ngay 1 triệu đồng/lượng. Điều này chứng tỏ động thái của Ngân hàng Nhà nước có hiệu quả. Khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu bán vàng miếng, tôi cho rằng, giá vàng miếng trong có thể giảm về mức 77 - 78 triệu đồng/lượng. Nhưng đến bây giờ giá vàng trong nước thậm chí còn có thể giảm về mức 75 - 76 triệu đồng/lượng".
Do đó, ông cho rằng, người dân không nên quá tập trung mua vàng ở những ngày đầu. “Chắc chắn là Ngân hàng Nhà nước sẽ còn đẩy giá vàng trong nước đi xuống thông qua động thái này để làm cho giá vàng trong nước tiến sát với giá vàng thế giới".
Về phía cơ quan điều hành, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, mục tiêu bán vàng qua các ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) nhằm thu hẹp và kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá quốc tế ở mức phù hợp. Phương án này bước đầu đã nhận được sự quan tâm, đánh giá tích cực của dư luận.
"Việc thu hẹp chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá quốc tế dẫn tới giá bán vàng của các ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC có thể sẽ còn giảm trong thời gian tới. Vì vậy, người dân cần rất thận trọng khi mua vàng trong bối cảnh giá vàng thế giới đầy biến động như hiện nay", ông Tuấn nhấn mạnh.