Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 10,87 điểm (+0,03%) thành 34.418,47 điểm, S&P500 nhận 0,21 điểm (+0,12%) thành 4.455,59 điểm, trong khi Nasdaq Composite đuọc 28,85 điểm (+0,21%) lên 13.816,77 điểm.
Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa sớm lúc 1 giờ chiều 3/7 và đóng cửa cả ngày 4/7 cho kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh.
Trong phiên, cổ phiếu Tesla tăng vọt 6,9% sau khi nhà sản xuất xe điện báo cáo số lượng giao hàng và sản xuất vượt qua kỳ vọng của các nhà phân tích. Cổ phiếu của một số công ty xe điện khác bao gồm Rivian, Fischer và Lucid đều nhận được mức bổ sung song song. Những tín hiệu tích cực đó đến từ sự hào hứng xung quanh trí tuệ nhân tạo, vốn đã thúc đẩy cho nhóm cổ phiếu công nghệ.
Apple đóng cửa giảm 0,8% vào ngày đầu tuần sau khi chốt phiên giao dịch hôm 30/6 với mức vốn hoá thị trường lên tới 3 nghìn tỷ USD.
Cổ phiếu của các ngân hàng đóng cửa cao hơn trong ngày giao dịch đầu tiên của nửa cuối năm với chỉ số ngân hàng S&P 500 tăng 1,5% khi các tổ chức tài chính lớn đều vượt qua các bài kiểm tra căng thẳng của cơ quan quản lý và sau đó quyết định tăng cổ tức.
“Các nhà đầu tư đang thay đổi suy nghĩ của mình từ “Ồ không” thành “FOMO”, ông Sam Stovall, chiến lược gia đầu tư trưởng tại CFRA Research, đề cập đến cụm từ FOMO chỉ hội chứng sợ bỏ lỡ và nói thêm: “Thay vì quá lo lắng, có lẽ các nhà đầu tư muốn đảm bảo rằng họ không bỏ lỡ một nửa cuối năm đầy hứa hẹn, nhất là khi nửa đầu đã mang đến cho chúng ta một khởi đầu thuận lợi”.
Trong khi đó, dữ liệu gần đây cho thấy bất chấp lãi suất tăng cao, nền kinh tế Mỹ vẫn có khả năng phục hồi tốt. Điều đó cũng đã nâng cao tâm lý nhà đầu tư, giảm bớt một số lo ngại ở Phố Wall về nguy cơ suy thoái. Chi tiêu xây dựng của Mỹ đã tăng nhiều hơn dự kiến vào tháng 5 do tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng đã thúc đẩy hoạt động xây dựng nhà ở cho hộ gia đình. Cuối tuần này, các nhà đầu tư sẽ có được cái nhìn rõ nét hơn thông qua dữ liệu về thị trường việc làm.
Ở khu vực châu Âu, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu mất 0,21% trong khi chỉ số chứng khoán toàn cầu của MSCI thêm 0,31%.
Chỉ số rộng nhất của MSCI về cổ phiếu châu Á-Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản đóng cửa cao hơn 1,46%, trong khi Nikkei của Nhật Bản tăng 1,7%.
Trên thị trường năng lượng, hợp đồng tương lai dầu thô Brent giảm 1%, tương đương 76 cent, ở mức 74,65 USD/thùng trong khi dầu thô WTI giảm 1,2%, tương đương 85 cent, xuống 69,79 USD.
Giá dầu tiếp tục suy giảm sau khi các cuộc khảo sát kinh doanh cho thấy hoạt động của phần lớn nhà máy trên toàn cầu đã trượt giảm trong tháng 6 do nhu cầu chậm lại ở Trung Quốc và châu Âu đã che mờ triển vọng của các nhà xuất khẩu.
Những lo ngại về suy thoái kinh tế tiếp tục làm giảm nhu cầu nhiên liệu, trong khi đó lạm phát của Mỹ vẫn vượt xa mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương, làm dấy lên lo ngại về việc tăng lãi suất. Lãi suất cao hơn có thể củng cố đồng USD, khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Bên cạnh đó, hãng thông tấn nhà nước Saudi Arabia mới đây đã cho biết họ sẽ gia hạn kế hoạch cắt giảm tự nguyện một triệu thùng mỗi ngày thêm một tháng nữa, kéo dài đến hết tháng 8. Nga cũng đang tìm cách thắt chặt nguồn cung dầu thô toàn cầu, dự kiến sẽ giảm xuất khẩu dầu 500.000 thùng/ngày vào tháng 8, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tiết lộ với báo giới.
“Dầu đang đối mặt với những cơn gió ngược kinh tế nghiêm trọng và thị trường đang cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của việc cắt giảm thêm sản lượng trong bối cảnh đó”, ông John Kilduff, đối tác tại Again Capital LLC, cho biết.